Hôm qua (14/10), cả showbiz Hàn lẫn Châu Á rúng động trước thông tin ca sĩ, diễn viên Sulli treo cổ tại căn hộ riêng. Những giọt nước mắt của người hâm mộ không ngừng rơi tiễn biệt một thần tượng đầy tài năng, một cô gái trẻ đầy nhiệt huyết. Nguyên nhân cái chết của Sulli khiến ai nấy một lần nữa rùng mình: Trầm cảm.
Có thể nói, trầm cảm là căn bệnh triền miên của các ngôi sao. Càng nổi tiếng, giàu có, được tung hô thì nguy cơ đối mặt với căn bệnh này của họ ngày càng cao. Một khi đã rơi vào trầm cảm, chỉ có thể bị nó nhấn chìm. Một số ít may mắn thoát khỏi cánh cửa tử thần. Người đứng ngoài bảo rằng, trầm cảm chỉ cần chạy chữa là khỏi. Thế nhưng, trước khi chạy chữa mấy ai sớm phát hiện nó để điều trị. Nhất là các ngôi sao, ban ngày hào quang bao phủ bao nhiêu, đêm về lại cô đơn và khó tìm được người trút bầu tâm sự bấy nhiêu.
Nhiều người tự đặt câu hỏi: Vì sao các ngôi sao ăn sung mặc sướng lại phải lo lắng và uất ức dẫn đến trầm cảm thay vì tận hưởng cuộc sống giàu sang? Mỗi một ngành nghề đều có những áp lực riêng. Ngành giải trí lại muôn hình vạn trạng, lắm cạm bẫy sắc nhọn như dao. Khi chỉ là những sao hạng B lại mong vươn lên tầm hạng A để không bị chà đạp, khinh khi.
Có một ca sĩ nổi danh ở dòng nhạc bolero từng kể, khi cô chưa có tên tuổi trong làng giải trí, cô phải luôn ép mình nhường nhịn những ngôi sao lớn. Dù đến sớm vẫn phải nhường họ lên hát trước. Khi gặp họ vì phép lịch sự cô chào hỏi đàng hoàng, nhưng họ chỉ nhìn cô bằng "nửa con mắt". Vậy là quyết tâm chinh phục đỉnh cao hào quang để không bị ghẻ lạnh, ý nghĩ đó càng mạnh, càng thôi thúc thì áp lực ganh đua tất nhiên tích tụ ngày càng nhiều.
Khi ở vị trí muôn người ngưỡng mộ, có cả tiếng lẫn tiền, áp lực mà các ngôi sao đối mặt càng nhiều gấp bội. Đó là nguy cơ bị thay thế. Chưa có ngành nghề nào luôn cần cái mới và sự tươi trẻ như ngành giải trí. Bởi thế, người ta mới bảo khi được Tổ đãi, khi có thời thì phải tranh thủ. Nhiều ngôi sao không cam tâm với quy luật này, muốn mãi đứng ở ngôi vương, ngôi hậu. Sức ép đó khiến họ không ngừng sáng tạo sản phẩm mới, không ngừng chiêu trò lôi kéo sự tò mò... Mỗi đêm soi gương nhìn lại mình sao quá lạ lẫm. Hao công tổn trí nhưng đâu phải lúc nào cũng nhận được sự yêu mến. Giả dụ 10 người thì chỉ khoảng 7 người yêu đã mừng. Càng chơi chiêu càng nhận được sự chú ý của công chúng nhưng "gạch đá" ném về họ càng dữ dội, những lời cay nghiệt từ antifan càng đau đớn như những chiếc dằm đâm vào tim, tích tụ không gỡ nổi.
Lời nói thị phi buông ra vô tình nhưng có sức công phá mãnh liệt và giết người một cách chậm rãi. Bảo Thy, Đặng Thu Thảo, Hoàng Thuỳ... và nhiều sao Việt khác trước khi vượt qua khủng hoảng của trầm cảm để bước tiếp cuộc sống hạnh phúc, cũng đã từng ngã quỵ và bị dày vò triền miên bởi bị chê xấu, bị mỉa mai không xứng đáng ngồi vị trí hiện tại.
Những ngôi sao may mắn vượt qua trầm cảm vì họ sớm phát hiện ra bệnh và nhờ sự hỗ trợ của bác sĩ tâm lý. Một số người khác thiếu may mắn hơn, họ không có ai tâm sự, chia sẻ, khối trầm uất ngày càng gặm nhấm. Nỗi bi thương không biết tỏ với ai cứ chất lên như tường thành kiên cố. Bệnh trầm cảm một khi đã bám rễ sẽ sinh sôi nảy nở nhanh chóng. Mất ngủ triền miên, suy nghĩ vẩn vơ... từ đó khiến họ nghĩ cái chết là giải thoát tuyệt vời nhất.
Nhiều người bảo, khi buồn, các ngôi sao có thể trò chuyện cùng bạn bè, người thân cho thoải mái. Thế nhưng, nào ai hiểu, trong showbiz làm sao có thể nhận ra chính xác đâu là bạn, đâu là bè? Lỡ nói ra lời trong lòng, hành động theo bản năng, người ta có cười chê mình điên, mình khùng hay không? Một trường hợp đau thương minh chứng cho việc cố cầu cứu chính là Nam Em. Từ sau cú sốc tình cảm, cô trở nên ngây dại, hành động kỳ lạ thất thường. Khi thì cô khóc lóc, lúc lại ngậm thìa nhảy nhót, khi lại lái xe buông tay, lúc thì nhập viện kiệt sức. Những phát ngôn của cô lại càng loạn xạ, không đầu không đuôi, không ai hiểu.
Tựu trung, Nam Em muốn vùng vẫy khỏi chứng trầm cảm đang bào mòn cô, vì dùng thuốc hay điều trị cũng không thể khống chế nó. Cô càng kêu cứu người ta càng nói cô chiêu trò, càng ghét cô và hiện tại cô đã trở thành biểu tượng "lầy" nhất của showbiz. Không phải tự nhiên Nam Em khẳng định chỉ mình hiểu nỗi lòng của Sulli. Có trải qua, chùng sống và bị hành hạ chung một căn bệnh, người ta mới hiểu, cảm thông và thương cho nhau như thế.
Trầm cảm là căn bệnh trầm kha của ngôi sao nhưng nguồn cơn phần lớn bắt đầu từ chính những lời nhận xét cay độc của cư dân mạng, khán giả... Có thể, trong phút giây bốc đồng, họ nói ra một cách vô ý nhưng lại là "vạn tiễn xuyên tâm" với những ngôi sao vốn đã có quá nhiều tổn thương từ chính cuộc sống của họ. Một Sulli đã ra đi, một Nam Em vẫn đang sống dở chết dở với trầm cảm. Phải chăng đã đến lúc công chúng nên nhìn lại cách hành xử của chính mình đối với các ngôi sao, các thần tượng của mình? Yêu thương vừa phải, khắt khe bớt lại và kiềm chế buông lời cay đắng làm tổn thương họ dù bạn có yêu hay ghét.