Tại cuộc họp báo sáng 10/8, ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) TP.HCM, thông tin về vụ việc "bác sĩ Trần Khoa cứu sản phụ song thai". Ông Thọ cho biết ngày 9/8, Sở đã làm việc với 2 chủ tài khoản Facebook chia sẻ thông tin này và xử phạt vì chia sẻ thông tin sai sự thật.
Về dấu hiệu lừa đảo trong vụ việc, ông Thọ cho biết bước đầu, Sở nhận định có một nhóm được thành lập với sự tham gia của các tài khoản giả nhưng hoàn toàn có tương tác thật. Chánh Thanh tra Sở TTTT cho rằng nhóm này có hệ thống và "sống thực" trên mạng.
"Sở TTTT bước đầu đã phối hợp với cơ quan có thẩm quyền như Bộ TTTT để tổng hợp, xác định việc các tài khoản này có hành vi giả mạo để trục lợi trong việc hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM", ông Thọ thông tin.
Sở TTTT TP.HCM sẽ phối hợp với các ngành để xử lý các thông tin ảnh hưởng đến chính sách của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 hoặc tạo sự hoang mang cho người dân.
Nói thêm về việc này, ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở TTTT, cho biết ngay sau khi phát hiện vụ việc về "bác sĩ Trần Khoa", Sở đã lập tức xác minh, xử lý. Ông khẳng định Sở sẽ xử lý quyết liệt người chia sẻ thông tin giả, không phân biệt bất kỳ ai.
Ngày 8/8, Sở Y tế TP.HCM khẳng định thông tin lan truyền về trường hợp một bác sĩ rút ống thở của người thân để nhường máy thở cho mẹ con sản phụ là hư cấu. Sở Y tế lý giải tại các bệnh viện của thành phố không có chuyện rút ống thở để nhường cho bệnh nhân.
Theo bài viết trên tài khoản Facebook "Trần Khoa", người này và ba, mẹ anh ta đều hoạt động trong ngành y. Sau khi ba, mẹ đã mất, bác sĩ này đã "kìm nén nỗi đau mất người thân", trực tiếp vào phòng mổ để phẫu thuật thành công cho sản phụ sinh đôi. Hình ảnh 2 bé song sinh cũng được lan truyền kèm theo câu chuyện để minh chứng cho việc làm của vị bác sĩ.
Tuy nhiên, ngay sau đó, nhiều người phát hiện những hình ảnh này từng được một bác sĩ khác chia sẻ trên Facebook cá nhân. Không ít ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về tính xác thực của câu chuyện khi có nhiều tình tiết phi lý.