Công ty tài chính Bưu điện PTF cho hay thời gian gần đây một số đối tượng đã mạo danh Công ty mời khách hàng vay vốn và sử dụng ứng dụng Auto Cash để giải ngân khoản tiền ảo với con dấu giả, chữ ký giả của người có thẩm quyền để dụ dỗ khách hàng chuyển khoản và chiếm đoạt.
Thủ đoạn của đối tượng như sau: gọi điện tới khách hàng mời vay và hướng dẫn người vay cài đặt ứng dụng "Auto Cash" giải ngân nhanh. Sau đó tài khoản zalo có tên "Phê duyệt PTF" sẽ kết bạn để dụ dỗ, thuyết phục vay vốn, chuyển tiền đặt cọc.
Sau khi cài đặt ứng dụng và nhập các thông tin cá nhân như số điện thoại, chứng minh nhân dân... ứng dụng Auto Cash sẽ giải ngân một khoản tiền ảo kèm theo một hợp đồng tín dụng với con dấu giả mạo Công ty Tài Chính Bưu Điện PTF.
Để nhận được số tiền giải ngân khách hàng phải gửi mật khẩu để xác nhận. Để có mật khẩu này khách hàng phải tạm ứng và chuyển khoản đặt cọc một số tiền. Sau khi khách hàng chuyển tiền cọc thì đối tượng lừa đảo cắt liên lạc hoàn toàn với khách hàng.
"Đây là hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật, PTF không áp dụng đăng ký khoản vay, giải ngân và yêu cầu đặt cọc, tạm ứng qua ứng dụng Auto Cash cũng như bất kỳ ứng dụng online nào khác. Với tất cả các khoản vay của PTF, khách hàng đều phải làm thủ tục và ký hồ sơ trực tiếp tại các điểm giao dịch của công ty.
Do vậy người dân, khách hàng cần cảnh giác với các ứng dụng cho vay trực tuyến với điều kiện quá dễ dàng", Công ty PTF cảnh báo.
Mới đây HSBC cũng cảnh báo thủ đoạn lừa đảo đó là kẻ gian điện thoại hoặc gửi thư điện tử với mục đích đăng ký vắc xin ngừa COVID-19 và yêu cầu cung cấp thông tin thẻ tín dụng, tài khoản hoặc mã OTP, có trường hợp yêu cầu chuyển trước một khoản tiền để được đăng ký.
Kẻ lừa đảo cũng có thể gửi cho người dân một đường dẫn qua thư điện tử hoặc tin nhắn điện thoại để đăng ký vắc xin ngừa COVID-19 nhưng đường dẫn lại chứa phần mềm độc hại tấn công máy tính và ăn cắp dữ liệu cá nhân.
Theo HSBC, đây là thủ đoạn gian lận mới, mọi người cần cảnh giác. Việc tiêm chủng COVID-19 được chính phủ chính thức lên kế hoạch và sắp xếp nên người dân hãy tìm hiểu thông tin từ các phương tiện truyền thông chính thống.
Eximbank cũng lưu ý thủ đoạn lợi dụng xu hướng chơi TikTok hiện nay để gửi tin nhắn nội dung "tài khoản của bạn đã đăng ký chương trình quảng cáo trên TikTok, mỗi tháng thu phí 1.250.000 đồng. Vui lòng vào https://eximbank.vip để kiểm tra hoặc để hủy".
Eximbank cho biết đây là trang web giả mạo ngân hàng để lừa khách hàng đăng nhập thông tin tài khoản nhằm chiếm đoạt tiền.