Chiều 11-10, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM họp báo định kỳ đánh giá tình hình dịch tại TP.HCM sau 11 ngày áp dụng Chỉ thị 18. Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, cho biết tính đến thời điểm này, toàn TP có 21 quận, huyện và TP Thủ Đức công bố kiểm soát được dịch. TP cũng đang tính toán các phương án lưu thông, an sinh xã hội, lao động, việc làm… để từng bước phục hồi nền kinh tế.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM họp báo định kỳ đánh giá tình hình dịch tại TP.HCM.
TP không để thiếu nhân lực y tế
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế, cho biết TP sẽ giữ lại ba bệnh viện (BV) dã chiến (13, 14, 16) và tiếp nhận các trung tâm hồi sức COVID-19 sau khi lực lượng chi viện rút. Qua đó sẵn sàng đối phó với các tình huống nếu dịch bùng phát trở lại. Theo tinh thần đó, Sở Y tế đã phân công các BV có thể tiếp nhận, đảm đương như BV Nhân dân Gia Định, BV Nhân dân 115… Các nhân lực y tế sẽ được phân công đảm nhận, đảm bảo không thiếu nhân lực y tế.
15-10 sẽ hoàn thành chi trả gói hỗ trợ đợt 3
Ông Hải đánh giá đa số người dân nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt, trong điều kiện bình thường mới. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ truyền thống hoạt động trở lại, phục hồi hoạt động sản xuất. Công tác an sinh được triển khai đến đông đảo người dân. Công tác phòng chống dịch đạt nhiều kết quả.
Tuy nhiên, ông Hải cho biết TP còn các hạn chế là một bộ phận người dân thực hiện chưa nghiêm. Cụ thể là vi phạm 5K, tụ tập đông người, giữ khoảng cách chưa nghiêm, nhiều người không đeo khẩu trang. Số doanh nghiệp hoạt động lại chưa nhiều. Tình hình đi lại của người dân từ TP đến các tỉnh khó khăn.
Một vấn đề được rất nhiều người dân quan tâm là việc mở lại các dịch vụ ăn uống tại chỗ. Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết thời gian qua, loại hình dịch vụ nào đủ điều kiện thì đã được mở lại, loại hình khả năng gây ra nhiều rủi ro thì phải cân nhắc. “Ăn uống tại chỗ là tụ tập đông người nên chưa có chủ trương mở lại. Trên bình diện chung, TP xét thấy là chưa nên mở” - ông nói.
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến gói hỗ trợ đợt 3, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, thông tin đến nay đã chi trả đợt 3 cho hơn 3,7 triệu người.
Phó Giám đốc Sở GTVT Phan Công Bằng chia sẻ tại họp báo. Ảnh: VIỆT HOA
Sau 15-10 sẽ tổ chức đưa công nhân về quê
Liên quan đến việc tổ chức cho người dân về quê, tại buổi họp báo, đại diện Bộ Tư lệnh TP cho biết sau ngày 15-10, quân đội sẽ tổ chức đưa công nhân về quê. Vị này thông tin trong mấy ngày qua, Bộ Tư lệnh TP đã tiếp nhận rất nhiều điện thoại của công nhân bày tỏ mong muốn được hỗ trợ để về quê. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, đến nay có hơn 33.000 lao động (có đóng BHXH) đã về quê sau nhiều tháng giãn cách.
Việc công nhân ồ ạt về quê đã tạo ra sự thiếu hụt về lao động rất lớn tại TP. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Lâm thống kê nhu cầu lao động hiện nay ở một số ngành nghề đang thiếu hụt lao động như kinh doanh, thương mại, du lịch cần hơn 7.000 người, kế toán cần hơn 3.000 người, logistics cần gần 5.000 người…
Cũng liên quan đến nội dung này, Phó Giám đốc Sở GTVT Phan Công Bằng thông tin thêm: Ngoài một số dự án cấp bách vẫn đang thi công trong dịch như metro, cầu Thủ Thiêm 2 thì sau khi mở cửa, riêng ngành giao thông có 27 công trình thi công trở lại. Trong đó có hơn 1.000 kỹ sư và người lao động trở lại làm việc. “Con số này bằng 60% so với trước dịch nhưng vẫn có thể đảm bảo tiến độ thi công dự án” - ông Bằng nói. Đồng thời, ông Bằng cho biết trong tháng 9, Sở GTVT cũng đã tham mưu TP tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác vận chuyển vật liệu xây dựng phục vụ cho việc thi công xây dựng nên việc thi công tại các công trình khá thuận lợi.
Theo ông Bằng, hiện nay mới chỉ có công nhân ở một số tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh quay trở lại TP làm việc, các tỉnh khác thì chưa.
Phương án đi lại giữa TP.HCM và các tỉnh, thành Thông tin thêm về phương án đi lại giữa TP.HCM và các tỉnh, thành khác, Phó Giám đốc Sở GTVT Phan Công Bằng cho biết ngày 1-10, UBND TP.HCM đã có văn bản lấy ý kiến của bốn tỉnh Long An, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương về việc lưu thông giữa TP với bốn tỉnh này. Ngày 7-10, các tỉnh đã có văn bản gửi Sở GTVT. “Chúng tôi đang tổng hợp để trình TP xem xét vì mỗi tỉnh có một đặc thù riêng. Tinh thần là làm sao để TP.HCM và các tỉnh có sự thống nhất, tránh tình trạng mỗi địa phương làm một kiểu” - ông Bằng nói. Theo ông Bằng, cũng trong ngày 10-10, Bộ GTVT đã có Quyết định 1777 về thí điểm khôi phục xe khách liên tỉnh từ ngày 13 đến 20-10. Theo đó, bộ đã có những quy định cụ thể về điều kiện cho cả hành khách, tài xế, bến bãi. Ông Bằng cho biết TP cũng đã xây dựng bộ tiêu chí an toàn về hành khách, tài xế, bến bãi… để khi đi vào thực hiện sẽ đảm bảo an toàn. Chuyến xe liên tỉnh đầu tiên dự kiến thí điểm vào ngày 13-10. |