Chiều 10-9, UBND TP HCM đã tổ chức hội nghị tiếp thu ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp, hoàn thiện dự thảo kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP HCM sau ngày 15-9. Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì hội nghị.
5 quan điểm phục hồi kinh tế
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai thông tin trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, TP HCM đưa ra 5 quan điểm, nguyên tắc mở cửa nền kinh tế.
Thứ nhất, việc mở cửa phải bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân.
Thứ hai, TP kiên trì, quyết liệt phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo hài hòa với các hoạt động kinh tế trên tinh thần "Lợi ích hài hòa - Tự do chia sẻ", "An toàn tới đâu thì mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn".
Thứ ba, dịch luôn tồn tại, luôn có giải pháp thích nghi để sống khỏe và sống an toàn.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội phù hợp với tình hình kiểm soát dịch tại từng địa bàn/khu vực. Tùy tình hình từng địa bàn/khu vực mà mở cửa lại nền kinh tế tương ứng, sao cho đảm bảo tính linh hoạt, bám sát diễn biến thực tế tại từng thời điểm.
Thứ năm, bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc.
Theo bà Mai, TP HCM sẽ từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, triển khai thí điểm "Thẻ xanh Covid", "Thẻ vàng Covid" cũng như thí điểm ưu tiên mở cửa một số lĩnh vực theo lộ trình tại quận 7, Củ Chi, Cần Giờ.
"Thẻ Covid là công cụ thống nhất và chủ yếu để kiểm soát các đối tượng trong quá trình phục hồi kinh tế sau ngày 15-9, cấp cho các cá nhân đủ các yêu cầu về y tế, dịch tễ. Thẻ gồm 2 loại: Thẻ xanh Covid và Thẻ vàng Covid. Trên thẻ có mã QR cấp từ hệ thống cơ sở dữ liệu của Sở Y tế" - bà Mai nhấn mạnh.
3 giai đoạn phục hồi kinh tế
Về lộ trình mở cửa, phục hồi kinh tế, TP HCM dự kiến thực hiện theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (dự kiến từ 16-9 đến 31-10), cá nhân, lao động có "Thẻ xanh Covid" có thể tham gia các hoạt động (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại).
Cá nhân, lao động có "Thẻ vàng Covid", có xét nghiệm âm tính với Covid-19 được tham gia một số lĩnh vực cụ thể. Riêng tổ chức có 100% lao động có "Thẻ xanh Covid" được tham gia tất cả các lĩnh vực (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại).
Tổ chức có 100% lao động có "Thẻ xanh Covid" tại bộ phận có tiếp xúc người ngoài, có lao động có "Thẻ xanh Covid" hoặc "Thẻ vàng Covid" tại các bộ phận còn lại được tham gia một số hoạt động.
Trong giai đoạn 2 (dự kiến từ 31-10 đến 15-1-2022), TP HCM sẽ mở rộng các hoạt động được phép cho đối tượng có "Thẻ xanh Covid" gồm: trung tâm thương mại; trung tâm tập luyện thể dục thể thao; hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời; dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ và đảm bảo giãn cách theo quy định (dưới 20 người).
Đến giai đoạn 3 (dự kiến sau 15-1-2022), TP HCM lên kế hoạch mở cửa tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bắt buộc người tham gia phải có Thẻ xanh Covid.
Ngoài các lộ trình dự kiến, TP HCM sẽ có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gồm: hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động; hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Nới lỏng trên nguyên tắc an toàn, linh hoạt
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh mục tiêu của TP HCM phấn đấu đến 15-9 cơ bản kiểm soát dịch bệnh, nới lỏng và phục hồi kinh tế, đưa TP về trạng thái "bình thường mới".
"Quan điểm về việc nới lỏng phục hồi kinh tế tại TP HCM dựa trên nguyên tắc an toàn, linh hoạt theo kết quả phòng chống dịch. Tiêu chí đánh giá an toàn dựa trên "Thẻ xanh, Thẻ vàng" căn cứ trên kết quả tiêm vắc-xin. TP HCM cũng thực hiện nguyên tắc 5K và quy định của Chính phủ về an toàn theo ngành, theo hoạt động" - Chủ tịch UBND TP HCM cho biết.
Ông nhận định mục tiêu vừa chống dịch hiệu quả, kịp thời vừa nhanh chóng khôi phục kinh tế là bài toán khó, đòi hỏi lãnh đạo, chính quyền TP HCM phải tập trung nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp phù hợp. Trong quá trình đó, TP HCM mong muốn có sự đồng hành, góp ý, khuyến nghị các giải pháp từ cộng đồng doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM, để có thể sớm nới lỏng giãn cách, phục hồi kinh tế, TP sẽ tập trung quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch. Có phòng, chống dịch hiệu quả mới có thể phục hồi kinh tế. Việc nới lỏng, mở cửa phục hồi kinh tế phụ thuộc nhiều vào kết quả phòng chống dịch. Việc phục hồi nền kinh tế chỉ có thể thực hiện sớm, mở rộng nhanh khi tình hình cải thiện tốt.
Liên quan đến vấn đề sẽ mở trở lại ngành nào trước, khu vực nào trước, Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng qua các ý kiến cho thấy có sự đan xen với nhau. TP HCM không tự đi một mình mà cần có sự phối hợp với các địa phương khác để giải quyết vấn đề một cách đồng bộ. Do đó, TP HCM sẽ tiếp thu các ý kiến để có cơ sở đưa ra phương án đồng bộ nhất.
Khi đặt vấn đề phục hồi kinh tế, Chủ tịch UBND TP HCM nói các vấn đề về lao động, thị trường, đầu vào, đầu ra, thủ tục hành chính … cần có những chính sách từ cấp Quốc gia, TP. Sau hội nghị này, TP HCM sẽ tổng hợp các kiến nghị về chính sách để trình Chính phủ, Quốc hội. Riêng những chính sách thuộc thẩm quyền TP HCM, dù nhỏ vẫn sẽ sớm xem xét để ban hành phù hợp.
Từ đây đến 15-9, TP HCM sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để có sự điều chỉnh trong các phương án, giải pháp theo tình hình thực tế. "Vì không còn nhiều thời gian nên có thể sẽ có độ trễ nhất định trong ban hành chính sách, TP HCM mong cộng đồng doanh nghiệp cùng chia sẻ và có sự chuẩn bị phù hợp với tiến trình" - Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi bày tỏ.
TP HCM nghiên cứu tiêm vắc-xin cho trẻ em
Trong thời gian tới, TP HCM tiếp tục chiến dịch tiêm vắc xin, đảm bảo tiêm 100% mũi 1 cho người trên 18 tuổi, nhắc mũi 2 cho toàn bộ người tiêm mũi 1, ưu tiên tuyến đầu, người có nguy cơ cao. Cùng với đó, nghiên cứu phương án tiêm vắc-xin cho trẻ em, trẻ em có nguy cơ cao (bệnh nền, béo phì).
Để hiện thực hóa thông điệp "Sống khỏe trong môi trường có dịch", TP HCM tập trung phổ biến đến người dân kiến thức tự phòng ngừa, tự phát hiện, tự điều trị và hỗ trợ y tế khi cần.