Phụ Nữ Sức Khỏe

Covid-19 ngày 9/9: Hà Nội có 6 ổ dịch phức tạp với 813 người nhiễm

Tin tức dịch Covid-19 ngày 9/9 tại Việt Nam: Hà Nội hiện có 6 ổ dịch mới phức tạp ở 5 quận, huyện với 813 ca mắc ghi nhận tới sáng 9/9.

Tin tức Covid-19 mới nhất hôm nay 9/9

Sáng 9/9, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong 12 giờ qua Thủ đô ghi nhận 3 ca dương tính SARS-CoV-2 đều tại khu cách ly.

Đây đều là các F1 của các trường hợp ho, sốt cộng đồng.

 Sáng nay, Hà Nội tiếp tục ghi nhận 3 ca nhiễm Covid-19

Các ca mới này gồm: Ông H.C.T, 72 tuổi, ở ngõ Hoà Bình 2, phường Minh Khai, Hai Bà Trưng. Ông là F1 của bệnh nhân N.V.V, đã được cách ly tập trung và xét nghiệm âm tính trước đó. Ngày 8/9, bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

Trường hợp thứ 2 và 3 là ông H.V.P (62 tuổi) và anh H.V.H (36 tuổi) cùng ở Nội Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì. 2 người đàn ông này là F1 của bệnh nhân H.T.P, ngày 8/9 được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 3.663 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.578 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly có 2.085 ca.

Hiện Hà Nội có 6 ổ dịch mới phức tạp, gồm:

- Ổ dịch ở ngõ 24 Kim Đồng (Giáp Bát, Hoàng Mai) phát hiện ca mắc đầu tiên hôm 24/8 đến nay ghi nhận 48 ca bệnh liên quan (riêng quận Hoàng Mai có 46 ca);

- Ổ dịch ở xã Tân Lập, huyện Đan Phượng phát hiện ca mắc đầu tiên hôm 28/8 nay đã có 20 ca;

- Ổ dịch ở Chợ Ngọc Hà có 22 ca trong đó ca đầu tiên phát hiện hôm 28/8;

- Ổ dịch phường Thanh Xuân Trung đến nay có 516 ca mắc, ca đầu tiên hôm 23/8;

- Ổ dịch phường Văn Miếu đến nay có 117 ca , ca đầu tiên hôm 3/7

- Ổ dịch ở Văn Chương (Đống Đa) đến nay có 90 ca, ca đầu tiên phát hiện hôm 17/7.

Đến nay, Việt Nam đã phân bổ 32,8 triệu liều vaccine cho các địa phương, đơn vị. Như vậy, với hơn 24,1 triệu mũi vaccine được tiêm, tỉ lệ sử dụng vaccine Covid-19 đến nay là hơn 73% số vaccine đã phân bổ.

Riêng tại Hà Nội, Bộ Y tế đã cấp hơn 4,31 triệu liều vaccine (chiếm 15% tổng số vaccine trên cả nước). Đã có hơn 3,54 triệu liều vaccine trong số này được tiêm, tỉ lệ sử dụng đạt hơn 82%.

Còn theo báo cáo của riêng Sở Y tế Hà Nội, đến nay, thành phố được phân bổ 3,3 triệu liều vaccine, thực nhận về kho của CDC Hà Nội là 3,1 triệu liều. Tổng cộng, Hà Nội đã triển khai tiêm được 2.673.612 mũi (gồm: 2.376.659 mũi 1; 269.953 mũi 2), tương đương với gần 39% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm chủng.

Thêm 16-17 triệu liều vaccine về Việt Nam trong tháng 9

Việt Nam có thể tiếp tục nhận 16-17 triệu liều vào tháng 9, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao về cuộc họp của Tổ Công tác Ngoại giao vaccine ngày 8/9.

Trong tháng 8, lượng vaccine Covid-19 Việt Nam nhận được tăng đáng kể với hơn 16 triệu liều, nâng tổng số vaccine lên 33 triệu liều.

 Lô vaccine Moderna phòng COVID-19 do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ cập cảng sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) hồi tháng 7 Nguồn: UNICEF Việt Nam.

Ngoài các lô vaccine, Việt Nam cũng đã tiếp nhận và nhập khẩu một số loại thuốc điều trị hiệu quả từ Nhật Bản, Ấn Độ, Thụy Sĩ, tiếp nhận nhiều trang thiết bị y tế trị giá hàng chục triệu USD từ sự hỗ trợ của hơn 20 đối tác, các tổ chức quốc tế cùng kiều bào.

Các thành viên Tổ Công tác Ngoại giao vaccine cho rằng kết quả bước đầu rất kịp thời, phục vụ trực tiếp công tác phòng chống dịch, góp phần đẩy nhanh tiêm chủng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước trong tháng 8 vừa qua

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và nguồn cung vaccine khan hiếm, các thành viên tổ công tác đã thảo luận và thống nhất thêm nhiều giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả vận động cũng như giải quyết nhanh các thủ tục vận chuyển, tiếp nhận vaccine, thuốc và trang thiết bị về Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, tổ trưởng tổ công tác, chỉ đạo cần tiếp tục đẩy mạnh vận động các cấp, đôn đốc các hãng đẩy nhanh tiến độ cung cấp vaccine cho Việt Nam, vận động các đối tác có khả năng dôi dư nhượng lại hoặc cho vay.

Tổ công tác cũng cần tìm hiểu các loại vaccine mới và tiềm năng đang được phát triển để sớm tiếp cận, đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác công nghệ sản xuất vaccine và hỗ trợ tối đa phát triển vaccine trong nước, tiến tới tự chủ về vaccine.

Việt Nam đặt mục tiêu tiếp nhận 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong năm 2021 để tiêm chủng khoảng 70% dân số, nhằm đạt miễn dịch cộng đồng. Tính đến tối nay, tổng liều vaccine đã được tiêm là 23.577.917 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 19.809.234 liều, tiêm mũi 2 là 3.768.683 liều.

Cả nước có 563.676 ca nhiễm, 325.647 ca khỏi bệnh

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 563.676 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 50/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân.

 Nhân viên y tế đo thân nhiệt người dân đến lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam:

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 563.676 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 50/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.730 ca nhiễm).

Kể từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 559.346 ca, trong đó có 322.873 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 9/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc.

Có 8 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam, Hải Dương, Quảng Ninh, Lào Cai.

5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (273.154), Bình Dương (141.765), Đồng Nai (31.179), Long An (26.804), Tiền Giang (11.159).

Tình hình điều trị bệnh nhân:

Số bệnh nhân khỏi bệnh trong ngày 8/9: 13.937 bệnh nhân; 325.647 ca được điều trị khỏi bệnh

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.479 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 4.053; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.210; Thở máy không xâm lấn: 257; Thở máy xâm lấn: 930; ECMO: 29

Số bệnh nhân tử vong

Theo tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc. kcb. vn ngày 8/9: ghi nhận 335 ca tử vong tại các tỉnh như sau: TP. Hồ Chí Minh (268 ca); Bình Dương (34 ca); Long An (8 ca)... Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 310 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 14.125 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

 Để thực hiện Chiến lược vaccine phòng Covid-19, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận nhiều loại vaccine được sản xuất theo các công nghệ khác nhau.

Bộ Y tế: Tiêm mũi 1 vaccine Moderna có thể tiêm mũi 2 Pfizer

Tối 8/9, Bộ Y tế cho biết, nếu tiêm mũi 1 vaccine do AstraZeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer hoặc Moderna sản xuất; Nếu tiêm mũi 1 vaccine do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer sản xuất và ngược lại.

Để thực hiện Chiến lược vaccine phòng Covid-19, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận nhiều loại vaccine được sản xuất theo các công nghệ khác nhau như công nghệ vector (do Astra Zeneca sản xuất, hoặc Sputnik V), công nghệ mRNA (do Pfizer, Moderna sản xuất), công nghệ bất hoạt (vaccine do Sinopharm sản xuất).

Đồng thời hiện nay các nhà sản xuất cũng đang nghiên cứu phát triển một số loại vaccine bằng những công nghệ khác nhau.

Thời gian vừa qua, do tình hình khan hiếm vaccine nói chung nên nhiều quốc gia đã nghiên cứu và sử dụng các liệu trình tiêm kết hợp 2 loại vaccine cùng công nghệ hoặc khác công nghệ sản xuất, căn cứ theo loại vaccine sẵn có tại từng thời điểm, như tiêm vaccine véc tơ virus với vaccine mRNA, hoặc tiêm 2 loại vaccine mRNA của các nhà sản xuất khác nhau...

Xuất phát từ tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng vaccine nhằm mục đích tăng độ bao phủ, tiêm sớm và đúng lịch để phòng chống dịch, ngày 8/9/2021 Hội đồng tư vấn chuyên môn vể sử dụng vắc xin của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo: trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vaccine Covid-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2 thì có thể sử dụng vaccine khác để tiêm mũi 2 như sau:

Nếu tiêm mũi 1 vaccine do AstraZeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer hoặc Moderna sản xuất; Nếu tiêm mũi 1 vaccine do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer sản xuất và ngược lại.

Liên quan đến vaccine Moderna, một số địa phương như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hiện có tình trạng hết vaccine Moderna để tiêm mũi hai cho người dân.

Những ngày gần đây, một số điểm tại TP.HCM đã tiêm mũi 2 bằng vaccine Pfizer cho người tiêm Moderna ở mũi đầu. Lý do là họ đã đến lịch tiêm mũi 2 nhưng vaccine Moderna không còn.

Tiêm 750.000 liều vaccine Vero Cell cho người dân Bình Dương

Trong tuần qua, người dân Bình Dương đã tranh thủ đi tiêm vaccine phòng COVID-19 với số lượng đông đảo. Hiện tỉnh Bình Dương đã "thần tốc" tiêm hết 750.000 liều vaccine Vero Cell của Sinopharm.

Cụ thể, tính đến 20h ngày 8/9, tại thành phố Thủ Dầu Một đã tiêm được 86.815 liều; TP Thuận An tiêm được 97. 396 liều. Con số này ở thành phố Dĩ An là 124.738 liều; thị xã Tân Uyên là 141.346 liều.

 Khám sàng lọc cho người dân phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương trước khi tiêm vaccine. Ảnh: TTXVN.

Theo ghi nhận, các điểm tiêm đến 20h ngày 8/9 dự kiến kết thúc lịch tiêm, nhưng có nơi đến tận 21h vẫn còn người dân đợi đến lượt tiêm.

Theo Sở Y tế Bình Dương, đến nay Bộ Y tế phân bổ cho Bình Dương 2,3 triệu liều vaccine phòng COVID-19 các loại, trong đó có 1 triệu liều vaccine của Sinopharm. Sau khi tiếp nhận 750.000 liều vaccine Vero Cell, tỉnh Bình Dương đã triển khai tiêm hết cho người dân. Trong những ngày tới, Bình Dương sẽ tiêm tiếp thêm 300.000 liều vaccine AstraZeneca và Pfizer vừa được Bộ Y tế phân bổ.

Về vấn đề tiêm mũi 2 cho những người dân đã tiêm 1 mũi là vaccine Moderna tại Bình Dương, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết: Bộ Y tế phân bổ cho Bình Dương 145.000 liều vaccine Moderna, nhưng do mục tiêu tiêm nhanh nên đã tiêm hết số vaccine được phân bổ. Do đó, với những người đã tiêm mũi 1 vaccine Moderna thì sẽ được tiêm mũi 2 bằng vaccine Pfizer.

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, tình hình thiếu vaccine ảnh hưởng tới tiến độ tiêm chủng cho người dân. Đây là tình trạng không riêng ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia trên thế giới. Để bảo vệ người dân trước dịch bệnh, các nước đã thực hiện việc tiêm trộn mũi thứ nhất là vaccine Moderna, thì mũi thứ hai tiêm vaccine Pfizer. Sự kết hợp 2 loại vaccine của các nhà sản xuất nhưng có cùng công nghệ mRNA vẫn đảm bảo độ an toàn.

Với mục tiêu "mỗi người dân ít nhất được tiêm một mũi vaccine”, Bình Dương đã và đang thần tốc thực hiện chiến dịch tiêm cho người dân. Hiện ngành Y tế tỉnh huy động tối đa lực lượng y, bác sĩ, nhân viên y tế tập trung tiêm vaccine cả ngày lẫn đêm.

Tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, tỉnh Bình Dương ghi nhận 141.765 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.210 ca tử vong. Riêng trong ngày 8/9, trên địa bàn tỉnh tiếp tục ghi nhận thêm 3.172 ca; trong đó 89,5% số ca nằm trong khu vực phong tỏa. Thành phố Thuận An vẫn là vùng tâm dịch của tỉnh, với 1.407 ca ghi nhận mới trong ngày. Bình Dương đang thực hiện “khóa chặt, đông cứng” 15 phường do còn phát sinh nhiều ca F0.

Thủ tướng yêu cầu Hà Nội điều chỉnh bất cập trong cấp giấy đi đường

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa yêu cầu UBND TP.Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường, không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài.

 Thủ tướng yêu cầu UBND TP.Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường.

Cụ thể, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Giáo dục - Đào tạo, UBND TP.Hà Nội triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, để kịp thời triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian thực hiện tăng cường giãn cách xã hội.

Theo đó, liên quan đến việc cấp giấy đi đường, Thủ tướng yêu cầu UBND TP.Hà Nội có hướng dẫn cụ thể, kịp thời điều chỉnh nội dung còn bất cập trong việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng theo quy định đã ban hành, không để xảy ra tình trạng người dân và doanh nghiệp chờ đợi kéo dài; không để tập trung đông người và ùn tắc giao thông, nguy cơ lây lan dịch bệnh tại các chốt kiểm soát dịch.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm nghiên cứu, xem xét, có hướng dẫn cụ thể đối với kiến nghị của Hiệp hội vận tải TP.HCM về việc thực hiện xét nghiệm đối với tài xế đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục - Đào tạo khẩn trương hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương về việc trang bị phương tiện học tập, sách giáo khoa phục vụ việc học tập theo hình thức trực tuyến.

8 quận huyện tại TP.HCM có 100% người trên 18 tuổi được tiêm vaccine

Ngày 8/9, theo Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM, 100% người dân từ 18 tuổi trở lên của 8 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM đã được tiêm mũi 1 vaccine phòng Covid-19.

 Tiêm ngừa vaccine cho người dân - Ảnh: Khả Hoà.

Cụ thể, 8 quận huyện đạt tỷ lệ 100% tiêm mũi 1 vaccine Covid-19 cho người dân trên 18 tuổi gồm: Q.7 (tổng số dân trên 18 tuổi là 238.290 người); Q.Phú Nhuận (131.601 người); Q.6 (178.873 người); Q.1 (174.939 người); Q.5 (133.521 người); Q.11 (173.600 ngươi); H.Củ Chi (319.115 người) và H.Cần Giờ (59.314 người).

Bên cạnh đó, có một số quận huyện có tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine mũi 1 còn thấp như: Q.Tân Bình đã tiêm vaccine cho 237.941 người (đạt 62.71% so với tổng số dân trên 18 tuổi là 379.401 người); Q.8 đã tiêm vaccine cho 240.035 người (đạt 72,99% so với tổng số dân trên 18 tuổi là 328.842 người); Q.Bình Tân đã tiêm cho 388.384 người (đạt 76,29% so với tổng số dân trên 18 tuổi là 509.233 người); Q.10 đã tiêm 129.259 người (đạt 78,66% so với tổng số dân trên 18 tuổi là 164.317) người...

Theo Sở Y tế, ngày 7/9, TP.HCM đã tiêm vaccine Covid-19 cho 188.882 người. Tại các điểm tiêm đều trật tự, ổn định.

Như vậy từ khi TP.HCM bắt đầu tổ chức tiêm chủng đợt 1 (từ ngày 8/3) đến hết ngày 7/9 đã tiêm được 6.884.159 liều vaccine phòng Covid-19, trong đó 708.646 người tiêm mũi 2. TP.HCM cũng đã tiêm vaccine Vero Cell cho 1.400.115 người. Tất cả đều an toàn.

Chủ tịch UBND TP.HCM thăm nhân viên y tế Bệnh viện dã chiến số 14

Ngày 8/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã đến thăm và động viên các y bác sĩ tại Trung tâm Hồi sức Bệnh viện Trung ương Huế, đặt tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 14 ở quận Tân Phú.

 Chủ tịch Phan Văn Mãi (bên trái ảnh) thăm và làm việc với Trung tâm hồi sức Bệnh viện Trung ương Huế đặt tại Bệnh viện dã chiến số 14. Ảnh- Nguyễn Ly.

Báo cáo với Chủ tịch UBND TP.HCM và đoàn công tác, TS.BS Trần Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo TPHCM, Sở Y tế, Sở Du lịch, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện sinh hoạt, làm việc thuận lợi cho các y bác sĩ.

Trung tâm Hồi sức hiện đang điều trị cho 300 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 230 ca phải thở máy, thở ô xy dòng cao và có bệnh nền. Theo bác sĩ Trần Thanh Xuân, hiện nay một số trường hợp bệnh nhân được chuyển viện trễ khiến tình trạng bệnh diễn tiến nặng.

Bác sĩ Trần Thanh Xuân đề nghị ngành y tế TP.HCM cần chuyển bệnh sớm hơn từ tầng 2, không để bệnh nhân trở nặng mới chuyển tầng. Nếu thực hiện tốt, nguồn lực đổ vào cấp cứu bệnh nhân sẽ ít nhưng hiệu quả cao nhất.

Bên cạnh đó, hiện nay Trung tâm Hồi sức còn thiếu một số trang thiết bị y tế phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là những bệnh nhân phải can thiệp tại phòng mổ.

Ghi nhận các đề xuất của Trung tâm Hồi sức, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết sẽ yêu cầu Sở Y tế trang bị ngay các trang thiết bị cần thiết để Trung tâm tổ chức thiết lập phòng mổ ngoại và phòng mổ sản, phục vụ công tác điều trị.

Đồng thời, ông Phan Văn Mãi cảm ơn các Bệnh viện đầu ngành đã chia sẻ, giúp đỡ nhân dân TP.HCM thời gian qua, trong đó có Bệnh viện Trung ương Huế. Các bác sĩ không chỉ tham gia điều trị ở tầng 3, mà còn kết nối tầng 2, đảm bảo thông suốt, nâng cao chất lượng điều trị, giảm tử vong như mục tiêu cao nhất của TP.HCM. Chủ tịch UBND TP.HCM cũng mong muốn các y bác sĩ thường xuyên trao đổi với Sở Y tế, đảm bảo phối hợp thông suốt.

Trung tâm hồi sức Bệnh viện Trung ương Huế đặt tại Bệnh viện dã chiến số 14 ở phường Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM. Bệnh viện hiện có 5 đoàn chi viện, trong đó Bệnh viện Trung ương Huế đóng vai trò chủ lực với 250 người. Dự kiến, trong tuần tới, bệnh viện sẽ tiếp tục bổ sung thêm 100 người và các trang thiết bị từ Bộ Y tế nhằm tăng công suất lên đúng với năng lực 600 giường.

F0 mắc Covid-19 trốn cách ly, chạy ra đường có thể bị xử lý hình sự

Tại buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM trong 24 giờ qua được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức chiều 7/9, Thượng tá Lê Mạnh Hà (Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM) cho biết, từ ngày 23/8 - 6/9, qua kiểm tra mã QRCode, khai báo y tế qua các chốt chặn, Công an TP phát hiện 63 F0 lưu thông ngoài đường.

Kết quả xác minh 63 F0 phát hiện lưu thông trên đường, có 10 F0 đã khỏi bệnh, 17 F0 đang cách ly tập trung, còn lại là đang cách ly tại nhà.

Trả lời thêm về vấn đề này, sáng 8.9, Công an TP.HCM cho biết hiện nay thông tin F0 được Sở Y tế TP.HCM cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các F0 được phát hiện khi qua các chốt kiểm soát, người dân khai báo qua phần mềm, phần mềm này lưu lại lộ trình di chuyển của người dân nên lực lượng phát hiện F0 lưu thông trên đường. Việc khai báo trên phần mềm này rất tiện lợi vì việc truy vết F0 sẽ diễn ra nhanh chóng.

Khi phát hiện F0 ngoài đường, Công an TP.HCM cho biết nếu nằm trong danh sách F0 lưu thông trên đường sẽ bị cưỡng chế đưa về địa phương cách ly, làm rõ và xử lý theo quy định.

“Trường hợp 17 F0 cách ly tập trung, cách ly tại nhà lại lưu thông ngoài đường thì hiện nay lực lượng công an đang phối hợp với Sở Y tế để xử lý nghiêm vì vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19 theo quy định để răn đe, phòng ngừa. Nếu ai trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế để phòng, chống dịch có thể bị phạt tiền và xử lý hình sự”, nguồn tin từ Công an TP cho biết thêm.

Hà Nội phong tỏa khu 800 dân do có gia đình 4 người mắc Covid-19

 Khu dân cư ở Tân Ấp (Phúc Xá) được phong tỏa.

Sáng nay, lực lượng chức năng phường Phúc Xá đã cho dựng barie, rào chắn khu dân cư 113/71, đường Tân Ấp (phường Phúc Xá, Ba Đình).

Chủ tịch UBND phường Phúc Xá Bùi Thanh Xuân cho biết, 4 trường hợp mới phát hiện là F2 đã cách ly, được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính SARS-CoV-2.

Khu dân cư vừa được phong tỏa có hơn 200 hộ với khoảng 800 dân.

Trước đó, gia đình này có trường hợp F1 cách ly tập trung nên những người trong gia đình được xác định là F2, cách ly tại nhà nên không tiếp xúc với ai.

Đêm qua, CDC Hà Nội và y tế quận đã lấy mẫu cho cư dân sống quanh gia đình này, được khoảng 223 mẫu gộp và 8 mẫu lẻ. Sáng nay tiếp tục xét nghiệm mở rộng ra các khu xung quanh.

“Chúng tôi hy vọng khi xét nghiệm sẽ không phát hiện thêm trường hợp nào nữa, vì 4 người trong gia đình đã được cách ly từ ngày 30/8”, Chủ tịch phường Phúc Xá cho biết.

Sở Y tế Hà Nội sáng nay công bố 4 ca Covid-19 mới, là người trong cùng một nhà ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình. Đây là những trường hợp được phát hiện tại khu cách ly, thuộc chùm F1 của các trường hợp ho sốt cộng đồng.

4 BN là người cùng nhà, là F1 của BN T.Đ.N, đã được cách ly từ 29/8. Ngày 7/9, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

 Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN.

Toàn thế giới đã ghi nhận 222,9 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 5h ngày 9/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 222,9 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó 4,6 triệu người không thể qua khỏi do COVID-19 mà virus này gây ra. Số bệnh nhân bình phục hiện đã lên tới 199,49 triệu người.

Châu Á đến nay vẫn đang là "điểm nóng" của dịch COVID-19 trên toàn thế giới, với tổng số ca mắc mới hằng ngày ở mức cao nhất so với khu vực khác. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ, Iran, Malaysia, Philippines là những nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất khu vực này, dao động từ khoảng 12.700 - 37.800 ca. Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất châu lục trong ngày với 37.875 ca. Đến nay, châu Á có tổng cộng 71,85 triệu ca mắc, trong đó có trên 1,06 triệu ca tử vong do COVID-19.

Theo worldometers.info, sau châu Á, châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ 2 của dịch COVID-19 với tổng cộng 56,25 triệu ca nhiễm, trong đó Nga ghi nhận 7,06 triệu ca nhiễm. Tiếp theo là Bắc Mỹ (49,46 triệu ca nhiễm), Nam Mỹ (37,12 triệu ca nhiễm), châu Phi (8,02 triệu ca nhiễm), châu Đại Dương (177.000 ca nhiễm).

 Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện ở Siliguri, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN.

Nhiều nước châu Á đang hết sức cảnh giác với biến thể siêu lây nhiễm Delta. Nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ,... đều đưa ra quyết định tăng cường các biện pháp phòng dịch. Nhật Bản tuyên bố gia hạn tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19 tại 19 tỉnh đến ngày 30/9. Lệnh này vốn đang được áp đặt tại 21/47 tỉnh tới ngày 12/9.

Trong khi đó, để ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh lây lan trong dịp Tết Trung Thu, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định gia hạn áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội cấp độ 4 ở khu vực Seoul và vùng phụ cận và cấp độ 3 ở các khu vực khác thêm 4 tuần cho đến hết ngày 3/10.

Tại Ấn Độ, chính quyền các bang sẽ tăng cường biện pháp phòng dịch trước thềm các lễ hội tôn giáo lớn, đồng thời cảnh báo thành phố Mumbai - thủ phủ tài chính của nước này- đang có nguy cơ đối mặt với một làn sóng dịch COVID-19 mới. Dự kiến, các lễ hội lớn sẽ bắt đầu vào tuần này và thường thu hút nhiều người tham gia.

Cùng với sự xuất hiện của các biến thể mới đang được giới khoa học theo dõi sát sao, các thành viên lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Ấn Độ kêu gọi các bác sĩ cần bổ sung các triệu chứng mới của COVID-19 gồm giảm thính lực, khô miệng, đau nhói đầu, viêm kết mạc, giảm tiết nước bọt và phát ban trên da đối với các trường hợp nghi nhiễm, qua đó nhanh chóng xác định đúng các đối tượng nghi mắc COVID-19 ngay cả khi họ không có triệu chứng phổ biến như ho, sốt, khó thở.

Hiện Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ, về số ca mắc COVID-19 với trên 33 triệu ca và đứng thứ ba thế giới về số ca tử vong với 441.000 ca.

 Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN.

Trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục biến đổi ở những quốc gia chưa tiêm hoặc có tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng bệnh thấp trên thế giới, các quan chức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng COVID-19 có thể sẽ là "phần tất yếu" của thế giới.

Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho rằng khả năng cao thế giới sẽ không thể xóa bỏ hay loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 như những tuyên bố lâu nay. Theo Tiến sĩ Ryan, virus SARS-CoV-2 sẽ luôn tồn tại và cuối cùng sẽ trở thành một dạng virus giống như những virus gây đại dịch cúm hay những loại virus khác từng ảnh hưởng đến con người.

Vaccine hiện vẫn được coi là vũ khí tối thượng để phòng chống COVID-19. Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) thông báo trong 6 tháng qua, có 240 triệu liều vaccine đã được phân phối tới 139 quốc gia trong cơ chế COVAX. Cơ quan này hy vọng cơ chế COVAX sẽ phân phối hơn 1,4 tỷ liều vaccine COVID-19 trong năm 2021 này, trong đó 1,2 tỷ liều dành cho các nền kinh tế có thu nhập thấp hơn.

Trong thông báo mới nhất liên quan đến phát triển vaccine, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết sẽ bổ sung các khuyến cáo về phản ứng phụ mà người tiêm vaccine của hãng AstraZeneca có thể gặp phải như đau chân, cánh tay hay xuất hiện các triệu chứng như cúm, trong khi người tiêm vaccine của hãng Johnson&Johnson có thể bị buồn nôn, tiêu chảy...

Theo Nhóm phóng viên/Báo giao thông

Tin liên quan

Bình Dương, Đồng Nai trả ‘lương’ 6-8 triệu cho F0 khỏi bệnh ở lại chống dịch

Hai địa phương có số ca mắc Covid-19 nhiều trên cả nước là Bình Dương và Đồng Nai sẽ trả...

Trưa 8/9, Hà Nội thêm 35 ca Covid-19, trong đó 7 ca cộng đồng

Trưa 8/9, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 6 giờ ngày 8/9 đến 12 giờ ngày 8/9, Hà...

Hơn 1,4 triệu người ở TP.HCM đã được tiêm vaccine Sinopharm

Theo báo cáo của TP.HCM, tất cả người được tiêm đều an toàn, sức khỏe ổn định.

Tìm cách sống chung với an toàn COVID-19

Với sự xuất hiện của biến thể Delta lây lan nhanh, cuộc chiến chống COVID-19 của thế giới bước sang...

Cảnh báo loại virus gây tử vong cao, chưa có vắc xin, thuốc chữa

Virus Nipah không lây lan nhanh như virus SARS-CoV-2 nhưng thời gian ủ bệnh lâu, chưa có thuốc đặc trị.

Một người Hà Nội từng mắc COVID-19 cách đây 10 tháng nay lại nhiễm SARS-CoV-2

Người đàn ông 53 tuổi, từng mắc COVID-19 tháng 11/2020 khi còn ở Nga, nay lại phát hiện dương tính...

Sáng 8/9: Hơn 311.700 ca mắc COVID-19 đã khỏi; Cứu sống sản phụ F0 suy hô hấp nặng, phải can...

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 550.996 ca mắc COVID-19, hơn 311.700 ca COVID-19 trong số này...

Tin mới nhất

Đau buồn vì chồng gặp tai nạn qua đời, không ngờ người phụ nữ dắt thêm đứa con nói những...

13 giờ trước

Nghi ngờ chồng có quỹ đen, tôi lén lút trữ của cải cho bản thân mình, nào ngờ ngày đọc...

13 giờ trước

Lâm bệnh nặng, chồng xin vợ cho gặp nhân tình lần cuối, nào ngờ phản ứng của ả bồ khiến...

13 giờ trước

Gọi cả gia đình đi bắt gian, đến tới nơi mở cửa ra, tôi và bố đứng hình trước cảnh...

13 giờ trước

Đêm tân hôn chồng bất ngờ làm điều này, vợ giật mình sửng sốt đôi mắt chưa bao giờ không...

17 giờ trước

Bị chồng ép ly hôn sau 7 năm chung sống, 1 năm sau gặp lại, vợ bàng hoàng khi biết...

17 giờ trước

Cha gần đất xa trời, đột nhiên người phụ nữ lạ đến gặp nói một điều khiến cả nhà tôi...

17 giờ trước

Ngày lên xe hoa, con trai riêng kiên quyết đòi chạy theo, nào ngờ chồng mới cưới quyết định một...

17 giờ trước

Chạm mặt chồng và nhân tình trong khách sạn, tôi vỡ lẽ câu chuyện giấu kỹ 10 năm nay

17 giờ trước

Tin Phụ Nữ Và Gia Đình