Tôi sinh ra trong một gia đình có ba chị em gái, ba mẹ tôi chỉ làm nông bình thường nên kinh tế khó khăn. Nhưng nỗi khổ lớn nhất của tôi không phải thiếu ăn thiếu mặc mà phải chịu đựng người ba nát rượu.
Trong ký ức của tôi, những bữa cơm chan đầy nước mắt bởi những lời nhục mạ của ba “chúng mày là một lũ vịt giời, chỉ biết ăn hại”. Có lần, tôi cãi lại ông và bị ném nguyên chén cơm vào đầu.
Từ ngày lấy ba, mẹ tôi chưa có một ngày nào thanh thản hạnh phúc. Tuổi thơ của ba chị em tôi đầy ám ảnh bởi những cơn say của ba.
Ông sẵn sàng đập phá đồ đạc, đánh vợ con, chửi bới mỗi khi uống rượu. Nhà nghèo nhưng ông không thích lao động mà đổ dồn mọi việc lên vai mẹ. Hoàn cảnh gia đình như thế nên tôi quyết tâm học để có thoát ra khỏi cảnh sống đó.
Hiện tại, tôi đã có một cuộc sống khá ấm êm bên chồng con nhưng lòng tôi không lúc nào yên khi nghĩ về mẹ. Từ ngày lấy chồng, tôi ít khi về, mẹ cũng không kể chuyện nhà cho tôi nghe. Nhưng tôi biết, tình hình của ba tôi ngày càng tệ hại hơn.
Giờ ông đã hơn 60 tuổi nhưng vẫn say sưa triền miên, về nhà thì đập phá đồ đạc. Tháng trước, ba đánh mẹ gãy tay phải nhập viện nhưng bà nói dối tôi là bị ngã xe đạp. Ông nợ nần khắp trong làng ngoài xóm vì uống rượu và mẹ phải còng lưng ra trả nợ.
Trong khả năng của mình, tôi chu cấp hoàn toàn cho đứa em kế học đại học và phụ mẹ ít tiền để nuôi em út. Đồ đạc trong nhà như tivi, tủ lạnh, máy giặt... đều do tôi mua sắm mang về. Nhưng chỉ được vài hôm, ba tôi lại lấy búa đập nát thành đống sắt vụng. Tôi cảm thấy bất lực trước hoàn cảnh gia đình mình.
Cách đây cả chục năm, tôi đã khuyên mẹ ly hôn, thậm chí viết sẵn đơn đưa mẹ ký để tôi đi lo thủ tục nhưng bà nhất định không chịu. Mẹ sợ mấy đứa con gái khó lấy chồng khi gia đình tan vỡ.
Nhưng mẹ đâu có hiểu, chúng tôi có sung sướng gì trong hoàn cảnh như thế. Tôi đã phải chia tay người yêu đầu tiên ở cùng làng khi đã có dự định làm đám cưới. Bởi gia đình họ không chấp nhận một ông thông gia nát rượu như ba tôi.
Thực sự, tôi đã phải nhờ họ hàng khuyên nhủ ba nhưng hình như cái thói quen uống rượu đã ăn sâu vào máu, không thể bỏ được. Tôi muốn mẹ mình được sống những năm tháng còn lại một cách thanh thản. Tôi không phải không thương ba nhưng không thể để ông làm khổ mẹ mãi được.
Giờ đây, nằm trên giường bệnh, mẹ vẫn nhắc lại những điều cũ: “Đã chịu đựng được đến giờ thì làm thế chỉ xấu hổ với mọi người, còn con cháu, thông gia nữa”. Tôi thực sự không biết làm sao, khi cứ dăm bữa nửa tháng, em út lại gọi điện báo ba gây sự.
Tôi chỉ sợ, cứ sống hoài trong cảnh đó, mẹ và em sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Tôi phải nói như thế nào để mẹ hiểu, chúng tôi hoàn toàn không thấy hạnh phúc khi mẹ phải chịu đựng như vậy.