Do hệ tiêu hóa còn non nớt, trẻ nhỏ rất dễ bị ngộ độc khi ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn hoặc độc tố. Thông thường, trẻ bị ngộ độc thực phẩm sẽ xảy ra tình trạng tiêu chảy, nôn mửa. Thậm chí, không được quan tâm đúng cách, trẻ có thể bị rối loạn điện giải, sốt,…
Cập nhật tin tức: Các vụ ngộ độc thực phẩm ở trẻ xảy ra tại trường mầm non
1. Khoảng 13 giờ ngày 19.10.2016, 78 trẻ em tại trường Mầm non Họa Mi (thị trấn Tam Bình, huyện Tam Bình- Vĩnh Long) có biểu hiện nôn ói, tiêu chảy và sốt nhẹ.
2. Từ ngày 16 đến 30.9.2016, 17 trên tổng số 400 học sinh tại trường Mầm non thị trấn Lim 2 (Tiên Du- Bắc Ninh) bị đau bụng, tiêu chảy phải nghỉ học.
3. Tối 27.4 và sáng 28.4.2015, 30 trẻ học tại trường mầm non Sao Mai (Ninh Kiều- TP. Cần Thơ) phải nhập viện trong tình trạng nôn ói dữ dội.
Đối với trẻ bị ngộ độc thực phẩm tại trường mầm non, cần xử lý khẩn cấp như thế nào?
Theo bác sĩ Phạm Ngọc Ân (Trung Tâm Y khoa Việt Đức, Phú Thọ), khi trẻ có những dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm như: buồn nôn, đau bụng và đi ngoài, phụ huynh/ nhà trường cần xử trí kịp thời:
- Kiểm tra nhiệt độ cơ thể trẻ. Nếu trẻ sốt cao hơn hoặc bằng 38.5 độ, cần cho trẻ dùng thuốc hạ sốt.
- Đặt trẻ nằm nghiêng tránh bị sặc do thức ăn nôn ra hoặc nước uống.
- Bù nước và điện giải cho cơ thể bằng cách uống oresol.
- Cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu như cháo, sữa. Trường hợp trẻ trong độ tuổi bú mẹ thì tích cực cho bú để bù lại nước, điện giải và năng lượng.
- Không cho trẻ dùng thuốc cầm tiêu chảy để tránh các chất độc lưu giữ lâu trong đường tiêu hóa.
- Khi trẻ có các triệu chứng nặng như sốt cao hơn 39.5 độ, nôn ra máu, đi ngoài ra máu hoặc không cầm đi ngoài sau 2 ngày, bụng căng chướng, ý thức lơ mơ,… cha mẹ/cô giáo cần đưa trẻ tới các cơ sơ y tế để điều trị.
Làm thế nào để phòng tránh ngộ độc ở trường mầm non?
Cách tốt nhất để phòng ngừa ngộ độc thức ăn ở trẻ nhỏ là đảm bảo nguồn thực phẩm sạch và hợp vệ sinh. Thức ăn phải được chế biến an toàn theo phương châm: Ăn chín uống sôi, tránh ăn thức ăn ôi thiu. Sau khi nấu chín, thức ăn cần được bảo quản cẩn thận, tốt nhất là để trong tủ lạnh và không để quá 2 giờ đồng hồ.
“Trước khi cho trẻ ăn, phụ huynh hoặc nhà bếp tại các trường mầm non, tiểu học,… nên hâm lại thức ăn để tiêu diệt các vi khuẩn làm ô nhiễm thức ăn. Bên cạnh đó, cha mẹ cần tạo cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn. Đặc biệt, trong gia đình, trường học nên dự trữ oresol để phòng tránh trường hợp trẻ ngộ độc thực phẩm”, bác sĩ Ngọc Ân cho biết.
Phụ huynh có thể kiểm tra chất lượng bữa ăn của trẻ tại trường học bằng cách:
Thường xuyên kiểm tra nhà bếp
- Nhà bếp phải đảm bảo sạch sẽ, cách xa nguồn ô nhiễm.
- Dụng cụ chế biến thức ăn sống, chín phải để riêng biệt.
- Có tủ kính đựng thực phẩm để trên kệ cao và màng lưới phòng chống côn trùng.
Đề nghị nhà trường cho xem giấy tờ mua bán thực phẩm
- Thực phẩm phải có hợp đồng mua bán và hóa đơn tài chính hợp lệ.- Rau, củ, quả cần xuất xứ rõ ràng, chất lượng và đạt tiêu chuẩn.
- Sản phẩm thịt, cá,…có giấy chứng nhận vệ sinh và kiểm định an toàn.
Kiểm tra đội ngũ nhân viên nấu ăn tại nhà bếp
- Nhân viên chế biến thực phẩm tại trường mầm non cần có trang phục riêng.- Đảm bảo sức khỏe và có giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, phụ huynh học sinh có thể đi chợ mua thực phẩm cùng nhà bếp để đảm bảo tuyệt đối chất lượng bữa ăn của các con.