Theo thông tin từ Dân Trí, chị H. chia sẻ: "Khi biết tôi có khối u ở cổ, nhiều người tới hỏi thăm và mách về một ông thầy lang gần nhà có thể chữa khỏi bệnh mà không đụng đến dao kéo. Tôi rất sợ mổ, nghe mọi người nói, cứ chữa trị kiểu gì cũng khỏi hoàn toàn, nên mang số tiền dành dụm đến nhà thầy lang để điều trị".
Khi tới nhà thầy lang, ông khám và cho biết cần phải điều trị ngay. Sau khi kiểm tra, thầy lang bôi thứ thuốc nhầy nhầy giống như nhựa cây mà ông ấy gọi là "thần dược" vô cùng hiệu nghiệm vào vùng cổ. Kế tiếp là đắp thuốc lá lên rồi băng lại dặn không được động vào, thời gian tận 4 tiếng đồng hồ. Sau đó thầy lang bảo về là sẽ khỏi vĩnh viễn và chị H. cũng tin rằng thuốc này sẽ có hiệu quả.
Tuy nhiên, sau khi chị H. về da bắt đầu nóng lên, có dấu hiệu bỏng rát. Một thời gian sau da bị tổn thương nặng, có biểu hiện lột da sau đó nhiễm trùng, phải mất một thời gian điều trị da liễu, da chị mới lành lại. Di chứng để lại là vết thâm lớn rất mất thẩm mỹ ở cổ và ảnh hưởng tâm lý nặng nề do quá "nhẹ dạ cả tin".
ThS.BS Trần Đức Ngọc, khoa Can thiệp và Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế (ĐKQT) Thu Cúc TCI cho biết, chỉ cần tổn thương lan sâu vào tuyến giáp có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Việc sử dụng các loại lá cây phản khoa học dễ làm cho tuyến giáp bị nhiễm trùng và lan rất nhanh. Nếu không điều trị kịp thời có thể sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp.
Thời gian sau, khối u lành tuyến giáp không những không khỏi mà còn ngày một lớn hơn khiến cổ họng có khối u nhô ra ngoài mà chị H. vẫn không hề biết bệnh tình thật sự của mình. Sau những ngày hụt hơi, khó thở khi đi cầu thang, chị H. quyết định đi khám tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI.
Theo ThS.BS Trần Đức Ngọc, bệnh nhân H. sau quá trình siêu âm được chẩn đoán nhân tuyến giáp thùy phải TIRADS 3 với kích thước lớn hơn 2cm. Đối với nhân giáp TIRADS 3, khả năng ác tính rất thấp nhưng để có kết quả chính xác nhất, bác sĩ TCI tiến hành FNA giáp phải. Kết quả của chị H. là bướu giáp keo nang hóa (nhóm II).
U nang keo tuyến giáp hay nang giáp keo là tình trạng trong tuyến giáp xuất hiện những bọc nhỏ chứa dịch, kích thước thay đổi từ vài milimet đến vài centimet.
Về cách điều trị, bác sĩ Ngọc chia sẻ, đây là khối u lành tính nhưng nếu để lâu nhân giáp phát triển sẽ chèn ép các cơ quan xung quanh gây ra những triệu chứng khó chịu như: khó thở, khàn tiếng, nuốt nghẹn,...
"Cũng rất may vết thương bởi thầy lang gây ra mới chỉ tổn thương trên da chưa lan sâu đến tuyến giáp. Tuy nhiên, cổ bệnh nhân đã có vết thâm lớn, mất thẩm mỹ nên cần sử dụng phương pháp bảo tồn thẩm mỹ tốt nhất hiện nay. Vì vậy tôi đã chỉ định chị H. sử dụng phương pháp đốt sóng cao tần RFA không để lại sẹo hay bất cứ di chứng nào", bác sĩ Ngọc cho biết.
Dẫn tin từ báo Đại Đoàn Kết, TS.BS Ngô Xuân Quý - Trưởng khoa Ngoại đầu cổ (Bệnh viện K) cho biết: “Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh lý về u tuyến giáp nói chung và ung thư tuyến giáp nói riêng. Điều này không chỉ ghi nhận tại Bệnh viện K mà còn ở nhiều bệnh viện khác. Ung thư tuyến giáp là bệnh hay gặp nhất trong ung thư các tuyến nội tiết (chiếm 92-95%) và chiếm 3,6% các bệnh ung thư nói chung. Tại Việt Nam, ung thư tuyến giáp xếp thứ 9 trong các loại ung thư phổ biến nhất với 5.418 ca mắc mới. Theo số liệu riêng tại khoa Ngoại đầu cổ, hàng năm phẫu thuật cho khoảng 3.000 bệnh nhân mắc bệnh tuyến giáp, trong đó chủ yếu là ung thư tuyến giáp và có xu hướng năm sau nhiều hơn năm trước”.
BS Quý khuyến cáo, người dân không nên chủ quan với những khối u lành tính vì nếu không điều trị, khối u phát triển cũng có thể gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.
Đồng thời, người dân nên, rất nên chủ động đi khám, tầm soát phát hiện sớm bệnh ung thư tuyến giáp để có thể đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất. Đối với bệnh ung thư nói chung, việc tầm soát và phát hiện sớm bệnh có vai trò rất quan trọng. Mặc dù đa số các bệnh nhân ung thư tuyến giáp tiến triển chậm, nhưng việc phát hiện sớm bệnh ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị. Những khối u nhỏ, chưa di căn hạch nhiều thường có kết quả điều trị rất tốt. Ngược lại, những bệnh nhân có khối u lớn, tiến triển nhanh, di căn hạch nhiều thì kết quả phẫu thuật không tốt bằng và thường để lại nhiều biến chứng sau phẫu thuật hơn như khàn tiếng, hạ canxi, nuốt sặc…