Ngoại trừ những trò “dụ khị”, thổi phồng từ trên mạng ra đến tận… nhà hàng, cả tây y lẫn đông y đều mơ hồ về tác dụng của cây xạ đen nói riêng, cũng như các bài thuốc dân gian nói chung, trong việc chữa hoặc hỗ trợ điều trị ung thư.
Đọc những lời rao trên nhóm Facebook “Giường êm bếp ấm”, nhiều người đã không ngần ngại bỏ tiền ra mua “bài thuốc hay cứu người” từ cây xạ đen. Chị M.C.Ng. (ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) cho biết, ngoài trị chứng mất ngủ, họ còn nói cây này chữa được ung thư vú khi uống trong vòng một năm rưỡi. Một trong các chào mời từ nhóm này có nội dung: giá 185.000 đồng/kg, giảm còn 135.000 đồng, bán 2kg 270.000 đồng, có 150 suất đợt này. Mỗi khách tối đa 3 suất…
Gói sản phẩm mà bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bán cho chị M.C.Ng. và nhiều người khác với giá “cắt cổ” và bị khách hàng cho là cây xạ đen giả cũng như không có tác dụng như giới thiệu (ảnh do bạn đọc cung cấp)
Bán gấp đôi giá thị trường và có dấu hiệu giả mạo
Chị Ng. nói: “Tôi đã mua hai ký với giá 370.000 đồng cho mẹ tôi đang bị gan nhiễm mỡ, rối loạn tiền đình, xương khớp dùng thử. Họ giao hàng tận nhà. Thế nhưng uống hoài mà chẳng có tác dụng gì. Tôi phát hiện cây xạ đen mà họ bán không giống như cây xạ đen của các thầy đông y cũng như loại đang bán trên thị trường”. Cũng theo chị Ng., có rất nhiều người đã mua. Trong đó, không ít người sống ở nước ngoài cũng đặt hàng, từ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - người lập group “Giường êm bếp ấm” bán thuốc. Trên bao bì thuốc bán cho chị Ng., ghi tên bà Nhàn cùng địa chỉ nhà hàng Nàng Gánh, 115/2 Trần Quốc Thảo, P.7, Q.3, TP.HCM.
Còn chị U.N. cho hay: “Một lần dẫn con qua ăn sáng ở nhà hàng Nàng Gánh, tôi có uống thử nước từ cây xạ đen. Tôi mua hai ký xạ đen ở nhà hàng về uống thì thấy dễ ngủ hơn chứ không tin là hỗ trợ hay trị ung thư như bà Nhàn giới thiệu”.
Tương tự chị Ng. và U.N., một số người khác cũng mua cây xạ đen từ bà Nhàn nhưng đều thấy có dấu hiệu giả mạo khi sản phẩm có nhiều thành phần là thân cây gỗ băm, chặt ra chứ không phải dạng lá khô như xạ đen mà họ cất công tìm hiểu sau khi mua uống. “Nghi ngờ, tôi đã đăng lên Facebook của mình rằng có ai biết phân biệt cây xạ đen thật giả thế nào không thì bà Nhàn trách móc sao không hỏi bà ấy”, U.N. cho hay.
Sau khi nhà hàng của bà Nhàn bị cơ quan y tế kiểm tra hồi tháng 11/2019, bà cũng không thể đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho những thắc mắc giả mạo về sản phẩm xạ đen của mình cho các thành viên, bà đã đóng nhóm “Giường êm bếp ấm”.
Các chị cho biết, bà Nhàn bán từ 175.000-185.000 đồng/kg xạ đen (ngày rằm và mồng một giảm giá còn 135.000 đồng/kg với điều kiện mua 2kg). Tuy nhiên, khi hỏi ở phố đông y Hải Thượng Lãn Ông (Q.5, TP.HCM), chị em phát hiện giá chỉ có 60.000 đồng/kg. Hỏi người giao hàng cho bà Nhàn thì được biết giá gốc người này bán cho bà chỉ có 50.000 đồng/kg.
“Nguy hiểm chết người”: uống thuốc đông y để phòng bệnh
Tìm hiểu về tác dụng thực sự của cây xạ đen, chúng tôi đã nghe y sinh Tuệ Lâm (Trường trung cấp Y dược Lê Hữu Trác) bức xúc: “Không riêng cây xạ đen, bây giờ cây thuốc gì người ta cũng bảo chữa ung thư và lao vào uống theo kiểu nghe mách, nghe đồn. Người có bệnh uống đã đành, người không bệnh cũng uống, nào là an xoa, xạ đen, cây xương khỉ, cây cỏ máu, cây thạch anh… Hầu như ngày nào tôi cũng nhận được những câu hỏi của người bệnh hoặc thân nhân về những cây này”.
Theo ông Tuệ Lâm, hãy khoan đề cập đến những bệnh nhân ung thư tự ý dùng cây thuốc theo lời đồn để rồi bệnh tiến triển nhanh hơn, rất nhiều người không bệnh cũng uống theo suy nghĩ “phòng bệnh” để rồi một thời gian phát sinh bệnh do tác dụng phụ của thảo dược. “Có người chăm chỉ uống cây diệp hạ châu, mà dân gian gọi là cây chó đẻ, để giải độc gan, hậu quả là bị xơ gan do cây này có chất kháng sinh. Mà đã là kháng sinh thì không được tự ý dùng và dùng kéo dài. Hay có người bị viêm bàng quang do uống cây mã đề để lợi tiểu. Uống thời gian dài, hoạt chất của cây mã đề kích thích bàng quang co bóp, lâu dần gây viêm”, ông cho hay.
Năm 1968, khi công bố bộ sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, cố giáo sư - tiến sĩ Đỗ Tất Lợi không nhắc gì đến cây xạ đen. Ở lần tái bản thứ tám (năm 2005), giáo sư vẫn chẳng nhắc gì đến cây này. Sổ tay Y học của hai dược sĩ Đỗ Huy Bích, Bùi Xuân Chương (Viện Dược liệu Bộ Y tế, nhà xuất bản Y học, 1976) cũng không đề cập đến cây xạ đen.
Mãi sau này, khi công bố Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới, năm 2012), cây xạ đen mới được tiến sĩ Võ Văn Chi đề cập. Theo đó, nó còn có tên gọi khác là cây dót, họ vòi voi, phân bố ở Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Quảng Ninh và Thừa Thiên - Huế, có tác dụng thông kinh, lợi tiểu, tiêu độc.
Ông Tuệ Lâm khẳng định: “Ông Chi ghi rõ phần công dụng của cây xạ đen rằng sử dụng thân, cành, lá làm thuốc chữa vô sinh, trị các chứng bệnh viêm nhiệt, mụn nhọt và một số bệnh ngoài da. Trong thời gian gần đây còn được sử dụng trị bệnh ung thư. Như vậy, ngay tại thời điểm này, tài liệu chính danh có giá trị y học tin cậy nhất đề cập đến công dụng chữa ung thư của cây xạ đen mà chúng ta biết được đó là Từ điển cây thuốc Việt Nam. Nhưng cần hiểu rằng tài liệu này không nói rõ liều dùng, cơ sở khoa học trong việc chữa ung thư của cây xạ đen như chữa được dòng ung thư nào, mà chỉ điểm sơ qua ghi nhận trong dân gian. Thế nên, đây là thông tin mang tính chất tham khảo”.
Dùng cây thuốc quá dễ dãi, ai cũng có thể tự uống và rủ người khác cùng uống với suy nghĩ phòng bệnh hơn chữa bệnh, quả là quá nguy hiểm. “Tôi gặp nhiều người uống cây xạ đen và xin nói thật, tôi chưa có may mắn gặp người nào hết ung thư nhờ uống nó cả”, y sinh buồn bã.
“Hết bệnh”, nhưng trước đó, ai chẩn đoán ung thư?
Đây là dấu hỏi quan trọng nhưng ít được người dân chú ý và cũng là cách mà kẻ cơ hội khéo léo né tránh để “chiêu dụ”. Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, hoàn toàn đồng ý với cách đặt vấn đề của chúng tôi.
Theo bác sĩ Tuấn, ung thư là bệnh phức tạp, tỷ lệ tử vong cao, tình trạng kháng thuốc có xảy ra và việc điều trị phải được phối hợp nhiều liệu pháp đa mô thức ở mức độ “mạnh tay” gồm phẫu trị, xạ trị, hóa trị, nhắm trúng đích hoặc miễn dịch liệu pháp. Với sự kết hợp này và đặc biệt ở trong giai đoạn sớm thì có thể hy vọng "thắng" được ung thư, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Việc điều trị bằng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, không được chứng minh một cách khoa học, chẳng những tốn kém mà còn làm mất thời gian vàng trong điều trị. Đó là chưa kể, thuốc đông y cũng có thể gây các tác dụng phụ, đẩy nhanh tiến triển bệnh và khiến cho việc điều trị ung thư chính thống khó khăn hơn. Không riêng gì cây xạ đen, một số chất từ động vật hoặc thực vật trong thiên nhiên khi sử dụng không đúng cách đều mang lại tác dụng không mong muốn ảnh hưởng đến vấn đề điều trị. “Nhiều người uống mật rắn với hy vọng bồi bổ, tiêu diệt bớt tế bào ung thư, thế nhưng hậu quả mật rắn làm giảm tiểu cầu, gây ra hiện tượng máu không đông nên không thể mổ được. Người bệnh phải mất mấy tháng trời để tiểu cầu phục hồi mới có thể phẫu thuật. Như thế nó đã lấy đi thời gian vàng trong điều trị mà lẽ ra đã được bác sĩ tận dụng nhằm can thiệp tốt hơn”, ông Tuấn nói.
Bệnh viện cũng thường xuyên tiếp nhận những trường hợp nghe thầy lang dùng lá cây đắp lên vú với mục đích tiêu diệt tế bào ung thư. Có người trước đó mới ở giai đoạn một, hai thôi, nhưng khi đắp những loại thực vật có chất nhựa gây kích hoạt tế bào ung thư và thế là bệnh chuyển qua giai đoạn bốn, xâm nhiễm ra da. Trong ung thư gọi là giai đoạn bùng phát, tế bào ung thư gieo rắc khắp nơi và không thể mổ ngay được phải hóa trị trước.
Đối với một số trường hợp cho rằng mình uống lá này, cây kia và khỏi bệnh ung thư, bác sĩ Tuấn cho rằng cần phải xem lại. Thứ nhất, việc chẩn đoán ung thư có đúng không hay chỉ là nhầm lẫn với một sự viêm nhiễm nào đó. Vấn đề này cần có sự chẩn đoán chính xác bởi cơ sở y tế. Thứ hai, việc điều trị khỏi bệnh cũng phải được xác nhận bởi cơ sở y tế. Có những bệnh vì nhiều lý do xảy ra giai đoạn thoái lui chứ không phải do thuốc nào cả. Và cuối cùng, vấn đề thuốc nào, có tác dụng ra sao phải được kiểm chuẩn, chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền.