Theo thông tin từ Tiền Phong, ngày 6/12, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tiền Giang cho biết, đơn vị vừa nhận được phản hồi từ Viện Pasteur TPHCM về trường hợp mắc đậu mùa khỉ có địa chỉ thường trú tại tỉnh này. Đây là ca mắc đậu mùa khỉ ghi nhận đầu tiên tại tỉnh Tiền Giang.
Theo đó, bệnh nhân là T.M.T. (32 tuổi, ngụ xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy). Trước đó, ngày 20/11, anh T. phát bệnh với các triệu chứng: xuất hiện các mụn nước rải rác ở mặt, ngực, cánh tay, mông; ớn lạnh.
Sau đó, anh T. đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TPHCM) xét nghiệm và có kết quả dương tính với virus đậu mùa khỉ, sau đó điều trị cách ly tại nhà.
Tiền sử dịch tễ của bệnh nhân cho thấy, trong vòng 21 ngày trước khi bệnh khởi phát, bệnh nhân không tiếp xúc với hàng xóm xung quanh, không đi du lịch, không tiếp xúc với động vật hoang dã. Tuy nhiên, ngày 4/11, anh T. có quan hệ tình dục với 1 phụ nữ tại TPHCM (không rõ tình trạng bệnh, không khai thác được thông tin).
Dẫn tin từ VTV, cơ sở y tế địa phương hướng dẫn bệnh nhân tiếp tục cách ly, tránh tiếp xúc với người khác, bao gồm cả quan hệ tình dục; đồng thời yêu cầu bệnh nhân thông báo cho các trường hợp tiếp xúc gần, khi có triệu chứng nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau họng, khó chịu, mệt mỏi, phát ban cùng nổi hạch... cần hạn chế tiếp xúc người khác, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị, cách ly kịp thời. Cán bộ y tế hướng dẫn người nhà của bệnh nhân vệ sinh khử khuẩn, thực hiện thông khí, sử dụng quạt, hạn chế dùng điều hòa; thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa cùng bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất khử khuẩn.
Theo nhận định điều tra dịch tễ của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, ca bệnh đậu mùa khỉ hiện tại chưa xác định được nguồn lây, tuy nhiên khả năng lây lan tại địa phương tương đối thấp.
Trước tình hình trên, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục giám sát, theo dõi chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh đậu mùa khỉ. Lực lượng chức năng tăng cường truyền thông phòng, chống dịch bệnh, trong đó tập trung nhóm nguy cơ cao trong cộng đồng; tiếp tục theo dõi tình hình dịch trên địa bàn tỉnh, báo cáo ngay cho Sở Y tế khi có dịch bệnh phát sinh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý, không để dịch bùng phát lây lan.