MC Huyền Ny đã bảo vệ luận án tiến sĩ ngành dược tại University of Nebraska Medical Center - UNMC. Cô chỉ ra 8 lầm tưởng của các bà mẹ khi cố gắng giảm cân sau sinh, khiến việc giảm cân không thành công hoặc khiến chị em dễ nản lòng.
MC Huyền Ny.
1. Nghĩ rằng sẽ giảm được ít nhất vài cân ngay sau khi bước xuống bàn sinh
Sau khi sinh cơ thể vẫn còn giữ nhiều nước, hormone có sự thay đổi lớn, vết thương vẫn còn mới và cơ thể còn đang học cách thích nghi. Nhiều yếu tố xảy ra cùng một lúc như vậy nên trọng lượng cơ thể gần như không dao động.
2. Không nhận ra rằng nội tiết trong cơ thể của phụ nữ sau khi sinh còn lên xuống bất thường
Hormones có sự ảnh hưởng lớn và điều khiển quá trình tăng giảm cân của cơ thể. Sinh nở có thể được coi là một "cơn chấn động lớn" đối với cơ thể, hơn cả thời kì dậy thì và giai đoạn mãn kinh sau này. Thế nên, bạn không nên ngó ngàng đến chiếc cân, ít nhất là trong tháng đầu tiên.
3. Thử mọi phương pháp để giảm cân, thậm chí là nhịn ăn
Nhịn ăn có thể giúp bạn giảm cân nhanh chóng nhưng không có hiệu quả lâu dài. Cơ thể luôn có luật cân bằng, khi bị bỏ đói quá lâu thì sau đó bạn sẽ ăn bù lại. Việc ăn bù này mang đến kết quả tệ hại hơn rất nhiều, có thể khiến cho cân nặng của bạn lớn hơn cả cân nặng ngay sau khi sinh. Chưa kể, thời gian này nhiều bà mẹ còn đang cho con bú, việc nhịn ăn sẽ làm sữa mẹ thiếu đi những thành phần dinh dưỡng quan trọng.
4. Nghĩ rằng có thể giảm cả chục cân trong vài ngày
Điều này là không tưởng. Giảm cân một cách khoa học thì sẽ đạt được hiệu quả lâu dài nhất nhưng cách này cần thời gian. Cơ thể chúng ta cần thời gian để tập quen với những thói quen ăn uống mới, thói quen luyện tập mới. Một khi thay đổi được thói quen thì kết quả mới được lâu dài. Vì vậy, bạn không nên chỉ vì mới một vài ngày ăn kiêng thấy chưa giảm được cân nào đã nản lòng mà bỏ cuộc.
5. Không có kế hoạch cụ thể để giảm cân
Sẽ có nhiều cách ngoài kia hướng dẫn bạn, tuy nhiên ăn uống khoa học thì chỉ có một. Không chỉ giúp giảm cân mà còn tránh những bệnh về tim mạch, đường ruột, ăn uống khoa học còn tốt cho da, cho tóc, làm chậm quá trình lão hoá. Chế độ ăn uống khoa học gồm: 40% rau củ quả, 40% đạm (cá, trứng, thịt, đậu, các loại hạt... ), 5 - 15% tinh bột. Tuyệt đối nói không với đồ chiên rán, nội tạng hay mỡ động vật.
6. Tập thể dục quá sớm sau khi sinh
Huyền Ny đi tập trở lại 4 tháng sau khi các con chào đời.
Khi nào sẽ là thời gian tốt nhất để tập luyện sau sinh? Có người là 3 tuần có người là 3 tháng, 6 tháng hoặc hơn. Huyền Ny đi tập trở lại 4 tháng sau khi các con chào đời. Không có một cột mốc thời gian nào là tốt nhất mà quan trọng hơn cả là bạn phải biết lắng nghe cơ thể của mình. Bạn sẽ biết khi nào cơ thể bạn đã sẵn sàng, các vết thương lành hẳn, tinh thần sống vui, sống khỏe luôn ở cao độ. Đó là lúc bạn đã sẵn sàng. Trở lại phòng tập quá sớm có thể gây chấn thương, quá muộn có thể khiến bạn nản chí.
7. Tập luyện quá lâu
Một buổi tập chỉ nên kéo dài 45 - 60 phút, không nên tập quá lâu. Quan trọng nhất là sự đều đặn.
8. Không để cho cơ thể thư giãn
Khi bị căng thẳng quá lâu, cơ thể sẽ tiết ra hormone cortisol. Hormone này có ảnh hưởng đến sự tiêu hao mỡ thừa, đặc biệt là ở vùng bụng. Chưa kể, stress còn khiến chúng ta ăn nhiều hơn lượng calo mà cơ thể thực sự cần. Các bà mẹ nên học cách để có được 10 - 15 phút mỗi ngày cho riêng mình, không lo lắng hay suy nghĩ về bất cứ điều gì. Hãy cho cơ thể có thời gian hít thở và tự cân bằng lại, giúp hạn chế tiết hormone cortisol.