Công trình được thực hiện bởi rất nhiều trường và cơ quan nghiên cứu trực thuộc Đại học Witwatersrand, Đại học Cape Town, Đại học KwaZulu-Natal, Đại học Pretoria và Ủy ban Nghiên cứu COVID-19 thuộc Hội đồng Nghiên cứu y khoa Nam Phi.
Theo các tác giả, Hhện đã có bằng chứng thuyết phục rằng hoạt động thể chất thường xuyên giúp ngăn ngừa hậu quả của COVID-19 nghiêm trọng, giảm nguy cơ nhập viện, chăm sóc đặc biệt, hỗ trợ hô hấp hoặc tử vong.
Vắc-xin ngừa COVID-19, được cho là đã giảm khả năng chống lây nhiễm nhưng vẫn bảo vệ tốt khỏi bệnh nặng, vẫn đang được triển khai khắp thế giới vì mục tiêu tương tự.
Tuy nhiên tác dụng chống bệnh nặng của vắc-xin COVID-19 có thể khác nhau ở nhiều người, liên quan đến nhiều yếu tố như tuổi tác, khả năng đáp ứng vắc-xin của hệ miễn dịch… Nhưng có một cách bạn có thể làm ở mọi độ tuổi để tăng mạnh hiệu quả của vắc-xin: Hoạt động thể chất.
Theo Medical Xpress, tổng cộng 53.771 tình nguyện viên với mức độ hoạt động thể chất thấp, 62.721 người với mức độ trung bình và 79.952 người với mức độ cao đã tham gia nghiên cứu. Họ đều là nhân viên y tế, ẩn danh, được thu thập dữ liệu chi tiết từ hồ sơ y tế lẫn thiết bị theo dõi hoạt động thể chất.
Người hoạt động thể chất thấp là người tập luyện dưới 60 phút/tuần; 60-149 phút/tuần được xếp vào nhóm trung bình; trên 150 phút mỗi tuần được coi là hoạt động thể chất cao.
Kết quả cho thấy hiệu quả chống bệnh nặng của vắc-xin COVID-19 ở những người được tiêm chủng đầy đủ, có hoạt động thể chất thấp là 60%. Nói cách khác, nguy cơ nhập viện giảm 60% ở nhóm này.
Mức giảm rủi ro có thể so sánh được đối với những người trong nhóm hoạt động thể chất trung bình và cao lần lượt là 72% và 86%.
Xét về con số, những người hoạt động thể chất nhiều nhất nhập viện ít hơn gần 3 lần so với những người hoạt động thể chất thấp, dù đều được tiêm chủng như nhau.
Phát hiện này như lời khẳng định thêm cho việc nỗ lực duy trì việc tập thể dục khoảng 150 phút/tuần theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) như một liều thuốc "ngừa bách bệnh", tăng cường sức khỏe và tuổi thọ.
Các nhà nghiên cứu cho biết cơ chế chính xác của việc hoạt động thể chất giúp tăng cường hiệu quả tiêm chủng vẫn chưa được hiểu rõ, "nhưng có thể là sự kết hợp của mức độ kháng thể nâng cao, khả năng giám sát miễn dịch của tế bào T được cải thiện và các yếu tố tâm lý xã hội" - họ viết trong nghiên cứu.
Trước đó, đã có các nghiên cứu cho thấy việc duy trì hoạt động thể chất tích cực ngay sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 giúp tăng cường đáp ứng miễn dịch của cơ thể sau tiêm, giúp mức độ kháng thể bạn nhận được cao hơn nhiều.