Nội dung bài viết
Bệnh thủy đậu là gì?
Bệnh thủy đậu là loại bệnh truyền nhiễm do virus Varicella zoster gây ra. Loại bệnh này thường rất hiếm xảy ra ở trẻ sơ sinh, tuy nhiên trong trường hợp mắc phải thường có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng do sức đề kháng của trẻ lúc này còn non yếu.
Theo thống kê của Bộ Y tế, bệnh thủy đậu thường bắt đầu vào tháng 3 và bùng phát thành dịch vào khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5. Thời tiết nóng ẩm cộng với nhiều yếu tố tác động bên ngoài là điều kiện thuận lợi để virus nhiễm bệnh phát triển là lây lan. Do đó, trong thời điểm này, mẹ cần nắm được những kiến thức phòng ngừa cơ bản để bảo vệ con và gia đình.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh
Thông thường, bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh rất hiếm gặp nhưng không phải là không có, tình trạng này có thể xuất phát từ một vài nguyên nhân nhân dưới đây.
Do bẩm sinh
Trong thời gian mang thai, nếu mẹ mắc bệnh thủy đậu thì rất có khả năng con sinh ra mang theo mầm bệnh, sau đó mầm bệnh tiếp xúc với môi trường bên ngoài và thuận lợi bùng phát thành bệnh.
Ngoài ra, nếu phụ nữ mang thai bị thủy đậu trong 3 tháng đầu thai kỳ, rất có khả năng đứa trẻ sinh ra sẽ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như: hội chứng đầu nhỏ, đa dị tật ở tim, dị dạng sọ,...
Do lây nhiễm
Bệnh thủy đậu thường lây nhiễm từ người qua người bằng việc tiếp xúc chân tay trực tiếp, chất dịch của nốt phỏng hoặc đường không khí từ nước bọt của người mắc bệnh. Do đó, nếu bất cứ người thân nào trong gia đình mắc phải, bạn nên lập tức cách ly để tránh lây nhiễm cho trẻ.
Trường hợp mẹ bị thủy đậu, nên ngừng việc cho con bú và thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Triệu chứng thủy đậu ở trẻ sơ sinh
Trong khoảng 1 đến 3 tuần đầu tiếp xúc với virus gây bệnh thủy đậu, cơ thể trẻ dường như không có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng điển hình nào. Tuy nhiên, những virus gây bệnh này vẫn có khả năng lây truyền cho người khác.
Sau thời gian ủ bệnh từ 10 đến 20 ngày, bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh sẽ có những biểu hiện rõ rệt như: sốt cao, phát ban đỏ, ngứa toàn thân, quấy khóc. Những nốt ban này lúc đầu xuất hiện ở mặt, sau đó dần lan xuống bụng, tay chân và toàn cơ thể.
Bước sang giai đoạn bùng phát, từ những nốt ban đỏ sẽ hình thành mụn nước. Theo ước tính, trẻ sơ sinh bị thủy đậu từ 3 tháng tuổi trở xuống thường có số lượng mụn nước là 250 đến 500 cái.
Dấu hiệu bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh
Mặc dù trong thời gian ủ bệnh, trẻ không có những biểu hiện bệnh cụ thể, nhưng nếu chú ý quan sát con, mẹ sẽ thấy trước khi ban đỏ xuất hiện khoảng 2 - 3 ngày, con sẽ có một vài dấu hiệu như: chảy nước mũi, thở khò khè, bú ít hoặc thậm chí là bỏ bú.
Bên cạnh đó, để có thể phân biệt được nốt thủy đậu với sốt phát ban, mẹ có thể dựa vào một vài dấu hiệu sau: nốt ửng đỏ có hình hạt đậu, căng phồng như nốt bỏng, bên trong chứa dịch trắng màu đục, gây ngứa ngáy khó chịu. Sau 2 đến 3 ngày, các nốt bỏng này vỡ ra, đóng vảy và để lại trên da những đốm nhỏ.
Biến chứng của bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh
Bản chất của bệnh thủy đậu tuy lành tính, song do sức đề kháng của trẻ sơ sinh còn non yếu cộng với việc điều trị không đúng cách sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Nhiễm trùng, viêm da: Do người bệnh không chịu được ngứa, gãi liên tục khiến các nốt phỏng bị vỡ, lây lan sang những vùng da khác. Sau khi khỏi bệnh, các mụn nước này sẽ để lại sẹo sâu trên da, khó khắc phục, điều này phần nào khiến người bệnh mất tự tin trong cuộc sống.
Viêm phổi: Đây được xem là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh. Các biểu hiện của biến chứng này bao gồm: ho ra máu, khó thở, sốt cao,... trong trường hợp không phát hiện sớm sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong cao.
Nhiễm trùng máu: Trẻ sơ sinh thường có hệ miễn dịch yếu, do đó khi mắc bệnh, các virus thủy đậu có khả năng xâm lấn vào bên trong cơ thể gây ra tình trạng nhiễm trùng máu và xuất huyết nặng.
Viêm não: Theo thống kê, tỷ lệ tử vong của bệnh thủy đậu do biến chứng viêm não chiếm từ 5 đến 20%, trong trường hợp người bệnh được cứu sống thì nguy cơ bại não và nằm liệt giường rất lớn.
Bệnh giời leo (zona): Virus thủy đậu thường trú ngụ trong cơ thể rất lâu, một khi không điều trị dứt điểm bệnh sẽ có cơ hội tái phát dưới dạng zona. Chúng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây mất thẩm mỹ ở người bệnh.
Cách chữa bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh
Bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh rất nguy hiểm, đặc biệt là trẻ dưới 3 tháng tuổi, do đó khi mắc phải mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần có những biện pháp cơ bản để hỗ trợ quá trình điều trị diễn ra tốt hơn.
- Tắm cho trẻ hằng ngày bằng nước ấm. Lưu ý, tuyệt đối không được sử dụng lá tắm khi chưa có sự cho phép từ bác sĩ điều trị, vì những lá tắm này có khả năng làm bệnh thêm trầm trọng.
- Vệ sinh mũi, họng từ 2 đến 3 lần trong ngày bằng nước muối sinh lý.
- Dùng thuốc xanh metyl để bôi vào các nốt phỏng đã vỡ, không được sử dụng các loại thuốc bôi khác như: tetraxiclin, mỡ penixilin hay thuốc đỏ.
- Không nên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vì chúng sẽ làm cho các mụn nước của trẻ bị ngứa ngáy, khó chịu. Đồng thời cũng hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người.
- Khi trẻ mắc bệnh thủy đậu, mẹ nên thực hiện biện pháp cách ly con với các thành viên khác trong gia đình để tránh trường hợp lây nhiễm, đồng thời hạn chế sử dụng chung các đồ dùng cá nhân như: khăn mặt, bát đũa, chăn, chiếu,...
- Để phòng ngừa thủy đậu, mẹ nên thực hiện biện pháp tiêm phòng khoảng từ 3 đến 6 tháng trước khi chuẩn bị mang thai. Còn với trẻ nhỏ, nên tiêm phòng khi bé đủ 1 tuổi.
Mặc dù bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh là trường hợp rất hiếm xảy ra nhưng không phải là không có, do đó mẹ cần có các biện pháp phòng ngừa hợp lý để bảo vệ con. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần thiết lập cho trẻ một chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng.