Các kết quả của một nghiên cứu vừa được trình bày tại Đại hội ACNAP – EuroHeartCare 2022 (Đại hội khoa học của Hiệp hội Tim mạch châu Âu) cho thấy, những người bị bệnh tim nếu ăn một chế độ ăn có chỉ số đường huyết thấp với nhiều rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, trái cây và rau giàu chất xơ có thể dễ dàng giảm cân và thon gọn hơn.
Tuy nhiên, nghiên cứu này hiện chưa được công bố trên một tạp chí y khoa nào, do đó những thông tin của nghiên cứu hiện chỉ mang tính tham khảo. Phân tích dựa trên việc những người tham gia nhớ lại và báo cáo chính xác những gì họ đã ăn bằng bảng câu hỏi tần suất thực phẩm, một quá trình không phải lúc nào cũng phản ánh đúng thói quen ăn uống.
Chế độ ăn giúp người bệnh tim kiểm soát trọng lượng
Tất cả những người trong thử nghiệm lâm sàng mới này đều mắc bệnh động mạch vành, xảy ra khi sự tích tụ mảng bám khiến các mạch máu chính của tim thu hẹp và cứng lại, hạn chế lưu lượng máu. Những người tham gia cũng thừa cân hoặc béo phì khi bắt đầu thử nghiệm, một yếu tố nguy cơ dẫn đến các biến chứng bệnh mạch vành nghiêm trọng như suy tim và đau tim.
Trong 3 tháng thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã chỉ định ngẫu nhiên 160 người trưởng thành chuyển sang chế độ ăn có chỉ số đường huyết thấp hoặc tham gia vào nhóm đối chứng theo chế độ ăn thường được khuyến nghị cho những người bị bệnh tim. Trong nhóm đối chứng, những người được yêu cầu hạn chế chất béo và một số protein, chẳng hạn như sữa nguyên chất, pho mát, thịt, lòng đỏ trứng và thực phẩm chiên. Không cần thay đổi mức tiêu thụ chất béo hoặc protein đối với nhóm ăn kiêng có chỉ số đường huyết thấp.
Với chế độ ăn có chỉ số đường huyết thấp, chỉ số khối cơ thể ( BMI ) trung bình của những người tham gia đã giảm 3,6 điểm, từ 29,8 xuống 26,2. Ở nhóm đối chứng, chỉ số BMI trung bình giảm 1,4 điểm, từ 30,2 xuống 28,8. Chỉ số BMI từ 30 trở lên được coi là béo phì, trong khi chỉ số BMI từ 25,0 đến 29,9 được coi là thừa cân.
Ngoài ra, những người theo chế độ ăn kiêng có chỉ số đường huyết thấp giảm vòng eo trung bình 9 cm (3,5 inch), so với mức giảm trung bình 3,3 cm (1,3 inch) đối với nhóm đối chứng.
Đồng tác giả nghiên cứu Jamol Uzokov cho biết: "Trong khi các nghiên cứu lớn hơn là cần thiết để xác nhận những phát hiện này, nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng việc nhấn mạnh thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như một phần của chế độ ăn cân bằng có thể giúp bệnh nhân mắc bệnh tim kiểm soát trọng lượng cơ thể và vòng eo của họ."
Chỉ số đường huyết xếp hạng carbohydrate từ 0 (thực phẩm không có glucose) đến 100 (đồ ngọt và đồ uống không chứa gì ngoài glucose). Các loại carbohydrate đơn giản có nhiều glucose hơn được tiêu hóa nhanh chóng, gây ra sự tăng đột biến và sụt giảm lượng đường trong máu. Carbohydrate phức hợp với ít glucose sẽ được tiêu hóa chậm hơn và giúp duy trì lượng đường trong máu ổn định hơn trong suốt cả ngày.
Mặc dù nghiên cứu mới không được thiết kế để chứng minh liệu chế độ ăn uống có chỉ số đường huyết thấp có thể trực tiếp giúp ngăn ngừa bệnh tim hoặc giảm thiểu nguy cơ biến chứng hay không, nhưng có thể giảm những kết quả này bằng cách duy trì trọng lượng cơ thể và kích thước vòng eo khỏe mạnh, tác giả Uzokov nói. Đó là bởi vì béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với bệnh mạch vành cùng với các vấn đề sức khỏe liên quan như bệnh đái tháo đường type 2, cholesterol cao và huyết áp cao.
Trước đó, một nghiên cứu được công bố vào tháng 3 năm 2019 trên tạp chí Mayo Clinic Proceedings: Innovations, Quality & Out results cho thấy rằng mỗi mức tăng 10 điểm trong mức chỉ số đường huyết trung bình trong chế độ ăn của những người tham gia có liên quan đến nguy cơ phát triển bệnh mạch vành cao hơn 24%.
Thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp người bệnh tim nên ăn
Thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp có điểm số từ 50 trở xuống, trong khi thực phẩm được coi là cao về chỉ số này có xu hướng có điểm số trên 70, theo Cleveland Clinic (một Trung tâm y tế học thuật Hoa Kỳ). Thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp bao gồm:
- Rau (ớt, bông cải xanh, cà chua, rau diếp và cà tím)
- Trái cây (dâu tây, táo và lê)
- Các loại đậu
- Sữa (sữa nguyên chất và sữa chua nguyên chất)
- Một số đồ ngọt (như sô cô la đen với hơn 70% ca cao)
- Các loại hạt (hạt điều và đậu phộng)
Thực phẩm chế biến sẵn có thể cao hơn về chỉ số đường huyết:
- Thực phẩm chế biến (vụn ngô và bánh quy)
- Đồ uống có đường (soda, trà ngọt và đồ uống thể thao)
- Đồ ăn nhanh (bánh mì kẹp phô mai, gà rán và pizza)
- Đồ nướng (bánh rán, bánh mì trắng và ngũ cốc, trừ khi chúng là ngũ cốc nguyên hạt)
- Khoai tây (khoai tây nghiền và khoai tây chiên)
Chế độ ăn có chỉ số đường huyết cao dễ gây biến cố với người bệnh tim
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 4 năm 2021 trên Tạp chí Y học New England ( NEJM) đã xem xét thói quen ăn uống của 137.851 người từ 35 đến 70 tuổi, sau đó theo dõi họ trong khoảng một thập kỷ. So với những người có chế độ ăn có chỉ số đường huyết thấp nhất, những người bị bệnh tim với chế độ ăn có chỉ số đường huyết cao nhất có nguy cơ gặp phải hoặc tử vong do các biến cố bệnh tim mạch lớn như đau tim hoặc đột quỵ cao hơn 51%.
TS. David Jenkins, tác giả chính của nghiên cứu NEJM và là giáo sư khoa học dinh dưỡng và y học tại Đại học Toronto cho biết: Một chế độ ăn có chỉ số đường huyết thấp khuyến khích mọi người tiêu thụ các loại carbohydrate lành mạnh hơn như các loại đậu và rau lá xanh và hạn chế ăn các loại thực phẩm siêu đường có ít giá trị dinh dưỡng. Ăn theo cách này có thể giúp duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh và thân hình khỏe mạnh, đồng thời có thể ngăn ngừa béo phì - một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh tim.