Rốn có chức năng là cầu nối giữa thai nhi và mẹ, giúp thai nhi có thể phát triển trong suốt thai kỳ. Sau khi trẻ chào đời, bác sĩ sẽ tiến hành cắt dây rốn và dây rốn sẽ được khô, rụng sau 1 – 2 tuần. Vết thương sau khi lành sẽ tạo thành rốn của trẻ.
Thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh
Khi còn trong bụng mẹ, dây rốn có nhiệm vụ đưa chất dinh dưỡng tới nuôi bé trong suốt thời gian trong bụng mẹ. Dây rốn sẽ được cắt ngay sau khi bé chào đời và trong vòng 1 – 2 tuần sau khi sinh, cuống rốn sẽ khô lại và rụng đi tạo thành rốn ở trẻ. Khi vết thương ở rốn lành, lỗ ở thành bụng đi qua rốn sẽ tự động đóng lại, ở một số trẻ, cơ bụng không đóng kín và gây ra thoát vị rốn.
Theo chia sẻ của bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) với Phụ nữ Sức khỏe, thoát vị rốn là từ chuyên môn y khoa để gọi rốn lồi. Thoát vị rốn thường gặp ở trẻ sinh non, nhẹ cân, trẻ bị suy giảm bẩm sinh nhưng đôi lúc vẫn gặp phải ở trẻ sinh thường. Cha mẹ có thể quan sát bằng mắt thường để thấy một khối tròn nổi lên ngay tại lỗ rốn của con.
Khối thoát vị này có thể to lên khi bé vặn mình, quấy khóc hoặc rặn đi cầu và không gây đau đớn cho trẻ. Rốn lồi là một hiện tượng lành tính, đa phần sẽ tự hết khi trẻ gần 1 tuổi, một số ít trường hợp sẽ kéo dài đến khi trẻ 2 – 5 tuổi.
Thoát vị rốn (rốn lồi) ở trẻ nhỏ rất hiếm khi gây ra biến chứng. Tuy nhiên, đôi khi trẻ sẽ phải đối mặt với biến chứng như quai ruột có thể bị kẹt trong khối thoát vị, khiến máu đi tới đoạn ruột đó ít đi, gây đau và tổn thương mô ruột; nghiêm trọng hơn, đoạn ruột bị kẹt có thể bị nghẹt, không nhận được máu, dẫn đến hoại tử. Nhiễm trùng có thể lan tỏa trong ổ bụng, đe dọa tính mạng.
Điều trị thoát vị rốn như thế nào?
Vì phần lớn bệnh sẽ tự khỏi khi bé được 1 tuổi, cơ thành bụng của bé sẽ khỏe hơn và có thể tự đóng kín lỗ hổng nên bác sĩ Khanh khuyên các ông bố bà mẹ không nên quá lo lắng. Trong một số trường hợp thoát vị chỉ mất đi sau 4 - 5 tuổi. Khi thăm khám, bác sĩ có thể dễ dàng đẩy khối thoát vị vào ổ bụng, tuy nhiên cha mẹ không nên cố gắng tự làm việc này.
Bác sĩ Trần Thu Thủy, bệnh viện Nhi Trung Ương (Hà Nội) chia sẻ, trước kia có ý kiến cho rằng việc dùng băng dính dán đồng xu lên vùng thoát vị giúp đẩy nhanh quá trình lành bệnh. Nhưng nghiên cứu cho thấy, lỗ hổng thành bụng gây thoát vị sẽ tự đóng nhanh tương tự khi không dùng băng dính, đồng xu.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo việc dùng băng dính, đồng xu hoặc các loại băng ép đặt lên vùng thoát vị rốn để làm nó nhỏ đi là không thích hợp. Những phương pháp này thậm chí còn làm tình hình xấu đi, chẳng hạn gây nhiễm trùng hoặc ngăn cản dòng máu tới nuôi tổ chức bên trong khối thoát vị.
Nếu quan sát thấy con trẻ có các dấu hiệu như khóc ngằn ngặt, tỏ ra đau đớn, vùng da trên khối thoát vị trở nên sưng nề và đỏ, bụng to tròn hơn, sốt cao, buồn nôn, khó đi hoặc hoặc hoàn toàn không đi ngoài, xuất hiện máu trong phân thì cần đưa trẻ đến ngay các cơ quan y tế để thăm khám và xử lý kịp thời.
Trẻ sẽ được chỉ định phẫu thuật trong trường hợp khối thoát vị rất lớn, gây đau cho trẻ hoặc không mất đi khi bé lên 4, có dấu hiệu bị nghẹt. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để đóng lỗ thành bụng lại. Phẫu thuật thoát vị rốn khá đơn giản, trẻ có về luôn trong ngày nếu sức khỏe tốt, hoặc ở lại bệnh viện ngắn ngày rồi về, tùy theo từng trường hợp.