Tại ngôi làng ven rừng của người đồng bào ở Ninh Thuận có một thiếu nữ sở hữu nhan sắc xinh đẹp và hiền lành, được mọi người vô cùng yêu mến. Song không ít người bày tỏ sự xót xa cho số phận “hồng nhan bạc mệnh” của cô bé khi 14 tuổi đã cưới chồng, sinh con đầu lòng không lành lặn.
Đó là Chuyên (tên thường gọi ở nhà là Quyên, 18 tuổi), hiện là mẹ của 3 bé trai: gần 5 tuổi, 3.5 tuổi và 7 tháng tuổi. Một người đồng bào sống cạnh nhà cô nàng cho biết: “Con bé đẹp từ nhỏ, nhà nghèo nên không được học hành gì cả. Vì thế nó 14 tuổi đã có người hỏi cưới nên lấy chồng.
Nó có chồng cái là mang bầu rồi đẻ con luôn. Sau đó nó liên tục đẻ thêm 2 thằng cu nữa, trông kháu khỉnh và đáng yêu lắm”.
Sau đó người này chỉ dẫn đường đến nơi ở của vợ chồng Chuyên. Căn nhà được tạo dựng bằng tre nứa, chẳng có thứ gì đáng giá ngoài chiếc võng cùng vài ba nồi niêu xoong chảo… Mọi thứ được sắp xếp rất ngăn nắp và gọn gàng. Điều đó chứng tỏ rằng cô nàng sống đúng kiểu “nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”.
“So với người đồng bào ở đây, nhà của nó vững chãi nhất. Mọi người đi sâu vào trong một chút hoặc lên trên núi sẽ thấy bà con nghèo như thế nào, thậm chí nước dùng còn chẳng có”, người hàng xóm nói thêm.
Mở đầu câu chuyện, Chuyên nhẹ nhàng giới thiệu về bản thân: “Em là người đồng bào, sinh ra trong gia đình nghèo khổ nên không được đến trường như chúng bạn. May mắn em sống ở nơi có nhiều người biết tiếng Kinh nên học lỏm được.
Em ở nhà làm nương rẫy hoặc đi mướn cho người ta, kiếm tiền phụ giúp cha mẹ trang trải cuộc sống. Năm em 14 tuổi có người hỏi cưới, cha mẹ đã đồng ý gả đi. Em biết lấy chồng sớm như vậy là tảo hôn nhưng người đồng bào ít học hay vậy. Ở làng em cũng có nhiều bạn giống em”.
Lấy chồng, Chuyên được gia đình dựng có căn nhà vách nứa ngay giữa mảnh đất rộng lớn. Cặp đôi bắt đầu cuộc sống tự lập, làm đủ nghề để sinh sống với hi vọng đứa con chào đời khoẻ mạnh và kháu khỉnh. Song cô nàng đã ngục ngã ngay từ khi đứa trẻ cất tiếng khóc.
“14 tuổi làm mẹ đã khiến em vấp phải nhiều bỡ ngỡ. Mẹ động viên em rằng ở vùng này ai cũng làm mẹ sớm và vượt qua được tất cả. Hơn nữa khi có con, bản năng người mẹ sẽ trỗi dậy nên em bình thản chờ đợi con ra đời.
Vậy mà thằng nhỏ vừa cất tiếng khóc, người ta đã nói nó bị tật ở 2 chân. Em chết điếng nhưng vì nhà nghèo nên chẳng thể đưa con lên tuyến trên thăm khám. Em chấp nhận con như thế và cứ nuôi lớn đến tận giờ”, Chuyên tâm sự.
Bé trai được vợ chồng Chuyên đặt tên cúng cơm là Chuột. Bé hiện gần 5 tuổi nhưng đôi chân chẳng thể đi được, cứ lê lết từng đoạn khiến người dân trong làng không khỏi xót xa. Bé càng lớn người càng nhỏ, đôi tay teo dần và không nói được câu gì. Cô nàng biết con bị bệnh nhưng vì hoàn cảnh mà chấp nhận.
Mặc dù bé Chuột không đi không nói nhưng gương mặt luôn toát lên vẻ vui sướng và hạnh phúc. Ai nói gì bé đều hiểu và sẵn sàng lết lại gần để làm quen. “Thằng thứ 2 lanh lợi hơn Chuột nhiều. Nó mới 3.5 tuổi, cái gì cũng biết và lớn hơn anh hai. Còn bé út chưa tròn tuổi, em vẫn phải ở nhà trông”, Chuyên nói.
Nhắc đến chồng, cô nàng cho biết giờ kinh tế dựa vào công việc đi phát cỏ, bẻ ngô thuê của ông xã. Hằng ngày anh đi từ tinh mơ, đến tối mịt mới về và được trả công 200.000 đồng/ngày. Số tiền đó chỉ đủ để mua sữa, tã và gạo ăn.
“Hồi chưa sinh bé thứ 3, em có đi làm thuê cùng chồng. Em dự định tiết kiệm một khoản đưa bé Chuột xuống bệnh viện tỉnh thăm khám xem như thế nào? Nhưng em lại lỡ có bầu, đành ở nhà chăm sóc lũ trẻ. Mọi gánh nặng cuộc sống đổ dồn lên đôi vai của chồng em.
Tiền lương của anh ấy chủ đủ để lo sữa, tã và gạo ăn mỗi ngày. Còn cái ăn là rau rừng hoặc cơm trắng chan nước tương. Thi thoảng em mới đổi bữa cho các con bằng miếng thịt miếng cá.
Đợt rồi, em có làm bảo hiểm y tế cho Chuột để bao giờ xuống tỉnh khám bệnh. Em mong rằng trời thương cho hai vợ chồng khoẻ mạnh để có để nuôi nấng các con”, Chuyên thành thật.
Cho đến nay, tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra tại vùng dân tộc thiểu số, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là phụ nữ và trẻ em. Tảo hôn không chỉ đi ngược với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, vi phạm quy định của pháp luật mà nguy hiểm hơn còn để lại cho gia đình, xã hội và thế hệ tương lai những hệ lụy khôn lường; là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số; ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước.
Theo kết quả khảo sát năm 2019, tình trạng tảo hôn ở người dân tộc thiểu số là 21,9%. Tất cả 53 dân tộc thiểu số đều có tình trạng tảo hôn, trong đó, 5 dân tộc tỉ lệ tảo hôn cao nhất gồm: dân tộc Mông (51,5%), Cờ Lao (47,8%), Mảng (47,2%), Xinh Mun (44,8%), Mạ (39,2%).