Theo thông tin từ báo Lao Động, Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) vừa điều trị bệnh nhân A.D, 50 tuổi, được chẩn đoán áp xe vùng cổ gáy trái và lưng do Burkholderia pseudomallei (hay còn gọi là bệnh Whitmore).
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng: Sốt cao, khối vùng cổ trái sưng đau, bề mặt căng, không đau ngực, không khó thở, không nôn.
Sau khi được các bác sĩ của khoa Bệnh Cấp tính và cấp cứu điều trị tích cực 10 ngày khối áp xe sưng nề giảm, sờ mềm ấn đau, không tấy đỏ, vùng gáy trái ấn đau, sưng nề nhẹ. Chụp MRI vùng cổ: Hình ảnh các ổ áp xe ở vùng cổ trái dọc cơ ức đòn chũm, khối cơ hai bên vùng cổ sau và lưng. Sau khi chọc dịch ổ áp xe làm xét nghiệm cấy khuẩn phát hiện vi khuẩn Burkholderia pseudomallei.
Sau chích rạch ổ áp xe 1 ngày, bệnh nhân chuyển xuống khoa Bệnh lây đường tiêu hóa trong tình trạng còn sốt nhẹ. Bệnh nhân được cách ly và điều trị tích cực với kháng sinh liều cao, bổ sung truyền khối hồng cầu, huyết tương tươi và đạm nuôi dưỡng.
Hiện tại bệnh nhân còn sốt nhẹ, đỡ thiếu máu, không phù, không xuất huyết dưới da, không đau ngực, không khó thở, tại vị trí chích rạch cổ và lưng trái còn sung nề, dịch vàng thấm băng có ít giả mạc.
Dẫn tin từ VTV, để phòng ngừa bệnh Whitmore, người dân cần lưu ý: Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn ở vùng lũ, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng trước lũ. Nên mang ủng, gang tay khi đi xuống ruộng với những người thường xuyên tiếp xúc với nguồn đất, nước bẩn.
Khi có vết thương hở, vết loét... cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước lũ bị ô nhiễm nặng. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
Đặc biệt, những người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn do nước lũ gây ra. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và có phương pháp điều trị thích hợp.