Năm 2024 sắp đến, chúng ta có nhiều thứ cần mua sắm cho kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới sắp tới của bạn? Thế nhưng, nhiều câu hỏi đã được đặt ra, chúng ta nên vung tiền mua những thứ đắt đỏ hay săn hàng giá hời? Bạn sẽ chi tiêu trong khả năng của mình hay gánh nợ?
Hiện có rất nhiều sự chú ý dành cho những câu hỏi kiểu này, vì chúng có thể cung cấp cho các nhà kinh tế và nhà phân tích những thông tin về số tiền mà người tiêu dùng có thể chi tiêu trong kỳ nghỉ lễ và ý nghĩa của nó đối với triển vọng kinh tế thời điểm cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng, không mua sắm những thứ không cần thiết để có đủ tiền cho những nhu cầu thiết yếu
Ở những thời điểm thuận lợi, khi nhiều người tiêu dùng có việc làm, người mua hàng dễ dàng bị dụ dỗ chi tiêu hào phóng vào các món quà tặng ngày lễ. Tuy nhiên, trong những thời điểm khó khăn như hiện tại, khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, người tiêu dùng có nhiều khả năng cắt giảm chi tiêu nói chung và đặc biệt là quà tặng dịp lễ.
Cho đến nay, những dữ liệu về con số chi tiêu trong 2 ngày Black Friday (Thứ Sáu đen tối) và Cyber Monday (Thứ Hai điện tử) cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang rất "mạnh tay".
Adobe Analytics đã báo cáo doanh số bán hàng trực tuyến vào Black Friday đạt kỷ lục 9,8 tỷ USD (gần 238 nghìn tỷ VNĐ), tăng 7,5% so với năm 2022, chưa tính đến lạm phát.
Và đối với Cyber Monday, con số thậm chí còn mạnh hơn cả Black Friday. Cụ thể, người tiêu dùng đã chi 12,4 tỷ USD (hơn 300 nghìn tỷ VNĐ), một con số khổng lồ tăng 9,6% so với năm 2022. Adobe Analytics cho biết, trong giờ cao điểm, người mua sắm chi 15,7 triệu USD (380 tỷ VNĐ) mỗi phút.
Tuy vậy, năm nay, tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng bằng đồng USD trong dịp nghỉ lễ ở Mỹ được dự báo sẽ giảm xuống còn 3,3% so với mức 6% của năm ngoái. Theo một phân tích từ S&P Global Market Intelligence, tỷ lệ này thấp hơn mức trung bình 3,9% trước đại dịch Covid-19 và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ được thấy trong những năm gần đây.
Aditya Bhave, nhà kinh tế cấp cao của Mỹ tại Bank of America, cho biết có lý do chính đáng đằng sau việc tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng chậm lại. Ông nói, nó chủ yếu nhằm hạ nhiệt lạm phát và giảm phát, điều này đặc biệt rõ ràng ở một số danh mục hàng hóa phổ biến nhất bao gồm đồ chơi, đồ điện tử và may mặc.
Mặc dù tỷ lệ lạm phát ở Mỹ, được đo bằng Chỉ số giá tiêu dùng, đã giảm xuống 3,2% trong tháng 10 so với 7,7% vào tháng 10 năm ngoái, nhưng thực tế là người tiêu dùng đã quen với việc thắt lưng buộc bụng. Bằng chứng là, nhiều người có thể trì hoãn việc mua sắm những thứ không cần thiết để có đủ tiền cho những nhu cầu thiết yếu như thực phẩm và gas, hoặc tìm kiếm những món hàng giảm giá sâu để tiết kiệm tiền.
Theo thông tin chi tiết về chi tiêu mà Mastercard, người tiêu dùng đã chi tiêu nhiều hơn 2,5%, chưa điều chỉnh theo lạm phát, khi mua hàng trực tuyến và tại cửa hàng vào Black Friday so với năm ngoái. Nhưng điều đó lại thể hiện sự giảm tốc mạnh so với Black Friday năm 2022 khi mà doanh số bán hàng cao hơn 12% so với Black Friday năm 2021.
Tamara Charm, làm việc tại công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey, người đứng đầu trung tâm hiểu biết về người tiêu dùng của công ty, cho biết đó là dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế rẻ hơn.
Tại Vương quốc Anh, tờ The Guardian có bài viết nhận định, Black Friday không còn thu hút được người mua sắm ở nước này khi doanh số bán hàng có vẻ "chậm chạp".
Theo phân tích của GlobalData cho Vouchercodes.co.uk, bằng chứng cho thấy doanh số bán hàng chỉ tăng 0,4% so với năm ngoái, đạt 8,7 tỷ bảng Anh (hơn 267 nghìn tỷ VNĐ) từ sáng thứ Sáu đến tối thứ Hai.
Không còn là sự kiện diễn ra trong một ngày nữa, đợt giảm giá Black Friday đã bắt đầu từ đầu tháng 11 và kéo dài trong vài tuần, làm dịu đi cảnh chen chúc mua sắm. Việc mua hàng trực tuyến cũng góp phần làm giảm sự phấn khích xung quanh sự kiện này. Ngoài ra, những hạn chế trong việc tiêu tiền giữa bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt cũng là lý do khiến người dân chẳng còn "mặn mà" với Black Friday.
Tạp chí retailtimes.co.uk nhận định, việc nhiều khách hàng lựa chọn phương thức mua ngay, trả tiền sau là một dấu hiệu nữa cho thấy người tiêu dùng đang căng thẳng.
Việc sử dụng phương thức mua trả góp phổ biến - hay còn gọi là mua ngay, trả sau - đã tăng 3% ở châu Âu so với Black Friday của năm 2022. Điều đáng chú ý là giá trị của các đơn đặt hàng đó giảm 4% so với cùng kỳ năm trước, ngay cả khi người mua sắm thêm nhiều mặt hàng hơn vào các đơn đặt hàng. Kích thước giỏ hàng trung bình - hoặc số lượng mặt hàng trong mỗi đơn hàng - tăng 24%.
Việc khách hàng muốn kết hợp mua cùng lúc nhiều mặt hàng cho mỗi đơn hàng và giá trị của mỗi đơn hàng thấp hơn là dấu hiệu cho thấy khách hàng đang phải chịu áp lực thanh toán trả góp và chấp nhận mua ít hơn. Họ cũng chọn những mặt hàng rẻ hơn khi mua sắm trong kỳ nghỉ.
Ở Úc, các chuyên gia nhận thấy doanh số bán lẻ của nước này bất ngờ sụt giảm trong tháng 10 khi người tiêu dùng cắt giảm mọi thứ trừ thực phẩm. Điều này được cho là do nhiều người đã cố gắng tiết kiệm tiền để tiêu vào đợt giảm giá Black Friday diễn ra trong tháng 11 này.
Doanh số bán lẻ của tháng 10 giảm 0,2% so với tháng 9 xuống còn 35,77 tỷ đô la Úc (hơn 576 nghìn tỷ VNĐ), dữ liệu từ Cục Thống kê Úc (ABS) cho thấy hôm 28/11.
Thói quen mua sắm thay đổi, mua hàng online được ưa chuộng hơn
Nếu như trước đây, chúng ta đã quá quen với cảnh tượng đám đông chen chúc hay cắm trại vào nửa đêm để mua sắm trong ngày Black Friday. Thì những năm gần đây, hiện tượng này gần như đã biến mất. Không còn cảnh hàng dài người xếp hàng trước các trung tâm thương mại và tranh giành đồ giảm giá như trước nữa. Nguyên nhân đầu tiên cho sự thay đổi này chính là:
Các nhà bán lẻ đã kéo dài ngày Black Friday thành gần một tuần lễ, thậm chí có một vài nhà bán lẻ còn bắt đầu chương trình giảm giá sớm từ đầu tháng 10 để giảm áp lực mua sắm trong ngày Black Friday. Thêm vào đó, áp lực lạm phát cũng đè nặng lên người tiêu dùng. Theo tờ Fortune, lý do còn là bởi sự gia tăng của mua sắm trực tuyến.
Tạp chí retailtimes.co.uk có bài viết nhận định doanh số bán hàng trên thiết bị di động vào ngày Black Friday tăng vọt ở châu u.
Trong khi doanh số bán hàng trên thiết bị di động tăng đều đặn trong nhiều năm vào mùa nghỉ lễ, thì số đơn đặt hàng trên thiết bị di động đã vượt mốc 70% vào ngày Black Friday vừa qua, chiếm 73% số đơn đặt hàng. Theo dữ liệu của Signifyd, doanh số bán hàng trên thiết bị di động đã vượt xa mốc chung của cả mùa, hiện ở mức 70,5%.