Theo Reuters, ca tử vong đầu tiên do mắc Covid-19 tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc xảy ra vào ngày 9/1. Trong 83 ngày sau kể từ ca tử vong đầu tiên, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của 50.000 người và thêm 8 ngày tiếp theo, con số này đã vượt 100.000.
Trong tuần qua, tổng số ca tử vong vì mắc Covid-19 trên toàn thế giới tăng theo ngày từ 6 – 10% bởi theo báo cáo vào ngày 9/4, thế giới ghi nhận gần 7.300 người chết do nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp.
Tổng số ca tử vong trên toàn thế giới do mắc Covid-19 hiện có thể so sánh với Đại dịch dịch hạch ở London, Anh vào giữa thập niên 60 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 100.000 người, tương đương 1/3 dân số sinh sống trong thành phố này vào thời điểm đó.
Kinh khủng nhất phải kể tới dịch cúm Tây Ban Nha xuất hiện vào năm 1918 đã khiến hơn 20 triệu người chết.
Con số hơn 100.000 ca tử vong trong tổng số 1,6 triệu người nhiễm virus corona chủng mới được công bố hôm 10/4 cho thấy, tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh là 6,25%.
Tuy nhiên, một số quốc gia như Italy, Pháp, Algeria, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh cho hay hơn 10% trong tổng số ca được xác định nhiễm bệnh đã tử vong.
Một trong những nghiên cứu lớn nhất về tỷ lệ tử vong do mắc Covid-19 được tiến hành với 44.000 bệnh nhân tại Trung Quốc cho thấy, tỷ lệ tử vong do mắc virus SARS-CoV-2 là khoảng 2,9%.
Nguyên cứu trên cũng chỉ ra rằng, 93% trường hợp tử vong là nhóm đối tượng hơn 50 tuổi và hơn một nửa trong số này là những người ngoài 70 tuổi.
Song trên thực tế, số ca tử vong là nhóm thiếu niên và người trẻ tuổi cũng đang tăng nhanh trên thế giới.
Châu Âu là khu vực có số lượng người tử vong vô cùng lớn đặc biệt tại các nước có dân số già như Tây Ban Nha và Italy.
Riêng Nam Âu dù chiếm hơn 1/3 tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì mắc Covid-19, nhưng số ca mắc bệnh chỉ tương đương 20% tổng số ca trên toàn cầu.
Đáng nói, tại một số nước, dữ liệu chính thức về các ca tử vong do mắc Covid-19 chỉ được thống kê tai các bệnh viện chứ không bao gồm những trường hợp tại nhà hoặc bệnh xá.
Cũng trong ngày 10/4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus nhấn mạnh, dịch Covid-19 tiếp tục gây bệnh cho hàng ngàn người trên khắp thế giới và các nhân viên y tế không phải là trường hợp ngoại lệ.
“Chúng tôi đặc biệt quan ngại về số lượng lớn các ca mắc bệnh là nhân viên y tế”, RT dẫn lời ông Ghebreyesus.
Cũng theo ông Ghebreyesus, “tại một số quốc gia, nhiều báo cáo cho thấy hơn 10% nhân viên y tế bị nhiễm virus” và những bằng chứng từ Trung Quốc, Italy, Singapore, Tây Ban Nha và Mỹ ghi nhận nhân viên y tế nhiễm virus SARS-CoV-2 khi ở bên ngoài cơ sở y tế.
“Đây là một xu hướng đáng báo động”, ông Ghebreyesus nói thêm.
Giới truyền thông đưa tin từ cuối tháng Ba cho hay, nhân viên y tế chiếm từ 8 – 14% tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới tại nhiều nước như Italy và Tây Ban Nha, đồng nghĩa với việc hàng ngàn nhân viên y tế bị mắc bệnh. Italy cũng đã ghi nhận hơn 100 bác sĩ tử vong do mắc Covid-19 riêng từ đầu tháng Tư.