Những chiếc quan tài khắc tên như "Abraham" và "Rogers" được các tù nhân của nhà tù Riker's Island trên Đảo Hart, quận Bronx, phía đông New York, dỡ xuống từ xe tải đông lạnh hôm 9/4. Trong bộ đồ bảo hộ màu trắng, họ sau đó chôn cất các quan tài ở một ngôi mộ tập thể mới đào trên đảo.
Đảo Hart từng là nơi an táng các nạn nhân dịch cúm Tây Ban Nha năm 1919. Theo Cục Cải huấn, cơ quan giám sát hoạt động chôn cất tại đảo 150 năm qua, khoảng 25 thi thể được an táng tại Đảo Hart vào thứ năm hàng tuần. Tuy nhiên, con số đã tăng gấp ba trong những tuần gần đây.
"Suốt nhiều thập kỷ, Đảo Hart đã được dùng làm nơi an nghỉ cho những người qua đời không có thân nhân tiếp nhận. Chúng tôi sẽ tiếp tục dùng đảo trong cuộc khủng hoảng này và những người tử vong do Covid-19 không có người thân sẽ được chôn cất ở đảo trong những ngày tới", Freddi Goldstein, thư ký báo chí của thị trưởng New York, cho biết. "Đó là những người mà trong hai tuần không có bất kỳ ai nhận là người thân để chôn cất hoặc chúng tôi không liên lạc được với gia đình họ".
Nếu nhân viên nhà xác liên lạc được với người thân của người đã chết trong vòng 14 ngày, thi thể sẽ không được đưa tới Đảo Hart, bà Goldstein nói thêm. Đây là một phần trong kế hoạch của thành phố nhằm đảm bảo năng lực hoạt động của các nhà xác trong đại dịch.
Mark Levine, chủ tịch Uỷ ban Sức khỏe của New York, hồi đầu tuần cũng cho hay thành phố đang lên kế hoạch chôn cất tạm thời các nạn nhân của nCoV trên Đảo Hart.
"Mục tiêu của chúng tôi là tránh những cảnh tượng như ở Italy, nơi quân đội buộc phải thu thập các thi thể từ nhà thờ và thậm chí trên đường phố", ông Levine nói. "Việc này sẽ được tiến hành theo cách thức trang nghiêm, có trật tự và mang tính tạm thời".
Bang New York là tâm dịch của Mỹ với gần 160.000 người nhiễm, hơn 7.000 người chết vì nCoV, chiếm gần một nửa tổng số ca tử vong trên toàn quốc. Riêng thành phố New York ghi nhận hơn 87.000 ca nhiễm, cao hơn cả Trung Quốc, trong đó hơn 4.700 ca tử vong.
Thị trưởng New York Bill de Blasio hôm qua cảnh báo rằng các biện pháp cách biệt cộng đồng có thể được thắt chặt và kéo dài đến tháng 6 để kiềm chế và ngăn chặn dịch bệnh tái bệnh bùng phát trở lại khi đang có xu hướng giảm dần.
Ông cũng yêu cầu người dân trình báo với chính quyền khi phát hiện người khác không tuân thủ các quy định cách biệt cộng đồng.
"Lúc này, kẻ thù là một dịch bệnh. Kẻ khủng bố là một dịch bệnh. Nếu các bạn nhìn thấy ai không tuân thủ, hãy trình báo ngay lập tức. Tụ tập đông người khiến dịch bệnh lây lan và khi mọi người không thực hiện cách biệt cộng đồng, dịch bệnh tiếp tục phát triển", de Blasio nói.