Khi tôi mang thai đến tháng thứ 2 thì mẹ chồng từ quê gọi điện lên, muốn gửi gắm Hoa - cô con gái 25 tuổi của bà cho vợ chồng tôi cưu mang. Bà nói để con gái đi làm cho gần, lại đỡ tiền ăn, tiền thuê trọ trên Hà Nội.
Em chồng sang ở nhà tôi chẳng mất đồng nào. Họa chăng thi thoảng mẹ chồng có gửi ít đồ ăn từ quê lên cho vợ chồng tôi. Ấy thế nhưng em chồng lại chẳng biết điều. Cô ấy chính là "chúa tể của những người lười"... Tất cả mọi việc đều đùn đẩy cho chị dâu.
Mấy tháng đầu thai kỳ, tôi nghén nặng lắm nhưng vẫn đi làm. Về nhà lại mải mốt nấu cơm tối, còn Hoa chỉ nằm ườn trong phòng lướt điện thoại, đợi chị dâu về... hầu tận răng. Cái bát cái đũa ăn xong, cô ấy cũng không tự giác đem rửa. Thậm chí quần áo, đồ cá nhân thay ra cũng vứt ngổn ngang ở nhà tắm, đợi người chị dâu này dọn hộ.
Nhiều hôm người mệt rã rời, không buồn ăn uống gì, nhưng nghĩ có em chồng, tôi lại lồm cồm bò dậy để nấu ăn. Cũng may là ban ngày tôi đi làm, nên chỉ nấu bữa tối mà thôi.
Nhưng hơn một tuần nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên cả vợ chồng tôi và Hoa đều ở nhà. Đặc thù công việc của mỗi người khác nhau, Hoa thì chơi dài, còn tôi thì vẫn làm online như bình thường ở công ty. Chị dâu chửa vượt mặt, nhưng em chồng chẳng thông cảm cho chút nào! Bây giờ tôi còn phải nấu cả cơm trưa để phục vụ anh em nhà cô ấy nữa.
Mang tiếng được ở nhà làm việc, nhưng hôm nào tôi cũng phải dậy sớm hơn bình thường. Bởi còn phải tranh thủ nấu cơm trưa. Có hôm, hì hục nấu xong bữa cơm thì lại vào phòng làm việc tiếp. Thế là cả trưa cũng không được nghỉ ngơi. Thời tiết thì nóng bức, tôi lúc nào cũng thở phì phò như trâu.
Bữa hôm qua nhà hết thức ăn, chỉ còn rau và ít trứng gà mẹ đẻ tôi gửi lên từ tuần trước. Vì đang trong thời gian giãn cách, không phải lúc nào muốn ra đường đi chợ cũng được, nên tôi đành có gì dùng nấy. Bữa qua, tôi nấu canh mùng tơi, bầu xào và làm món trứng chiên.
Nấu xong bữa trưa, phải gọi em chồng như hò đò, cô ấy mới chịu dậy, uể oải đi đánh răng rửa mặt. Chồng tôi ngồi vào bàn ăn, nhìn thấy mâm cơm toàn rau là chủ đạo thì cười, trêu tôi: "Nay vợ anh cho cả nhà ăn healthy à?". Nhưng em chồng thì khác. Vừa ngồi xuống, cô ấy đã nhíu mày khó chịu, cái môi bĩu ra, ngúng nguẩy chê bai: "Toàn rau thế này ai mà ăn được?". Dù khá bực bội rồi, nhưng tôi vẫn cố tươi cười: "Chịu khó ăn đi. Chiều làm xong việc, chị mới đi chợ mua đồ ăn được. Hôm nay nhà mình hết thức ăn rồi".
Nhưng có vẻ tôi hiền quá, nên em chồng càng làm tới. Hoa ném luôn đôi đũa xuống mâm, đặt cái bát chát một tiếng xuống bàn rồi đứng dậy. Em chồng lẩm bẩm: "Thế chị đi mà ăn, có bữa cơm cũng không lo được".
Vừa nấu xong bữa cơm, mồ hôi vẫn ròng ròng chảy trên trán và thấm đẫm lưng áo tôi. Nghe những lời vô ơn, hỗn láo của em chồng, ai mà không bực cơ chứ! Thế là tôi nổi cơn tam bành, đứng bật dậy, tát thẳng mặt Hoa một cái. Tôi nói: "Cô không ăn được thì có thể nhịn, tự giác đi về phòng. Không cần phải nói những lời lẽ mất dạy đó. Chị dâu vẫn phải làm việc như bình thường, nhưng vẫn hầu hạ cô đến tận chân răng mà còn không biết điều. Cô ở đây 5-6 tháng rồi, đóng góp cho nhà anh chị được cái gì mà có quyền đòi hỏi? Nên nhớ, cô vẫn đang ăn nhờ ở đậu, vợ chồng tôi cưu mang. Nếu cảm thấy không thích, cảm thấy chị dâu này không phục vụ được thì cô có thể chuyển ra ngoài. Tôi không giữ...".
Chồng tôi thấy 2 chị em bất hòa thì lên tiếng hòa giải. Anh phân tích cho Hoa thấy rằng, cô ấy phải đỡ đần tôi, bởi vì gần 2 tháng nữa là tôi đẻ con rồi. Nhưng Hoa vẫn cảm thấy như mình oan ức lắm, gọi điện về mách mẹ.
Tối qua mẹ chồng gọi điện lên trách vợ chồng tôi không thương em, tôi nói thẳng luôn: "Cô ấy ở mấy tháng trong nhà con sung sướng như "bà hoàng". Cơm không phải nấu, quần áo không phải giặt. Tiền không mất 1 xu. Vậy mà còn nói thế được thì con cũng chịu. Thôi thì hết giãn cách, mẹ bảo Hoa tìm phòng mà thuê trọ, chứ con bó tay không cưu mang nổi. Sắp tới con sinh con, cũng đã bố trí người đến ở để cùng chăm sóc bé. Nhà chỉ có 2 phòng nên mẹ bảo Hoa dọn đi đi. Ở như thế là quá đáng lắm rồi, con cũng chẳng hi vọng cô ấy đỡ đần được gì lúc con sinh cháu. Mẹ thông cảm cho chúng con".
Mẹ chồng thấy tôi nói thế cũng có lý nên chẳng trách được gì nữa. Sang hôm nay thì tôi kệ. Buổi trưa tôi vẫn làm việc và nghỉ ngơi bình thường. Tôi chẳng thèm nấu cơm nữa. Sống tốt quá, nín nhịn nhiều quá, người ta lại không biết trân trọng!