Tôi năm nay 35 tuổi, làm việc trong cơ quan nhà nước. Thu nhập không cao nhưng ổn định, tôi còn có thời gian dành cho gia đình.
Vợ tôi trước là cô giáo mầm non. Sau vì cuộc sống quá khó khăn, đồng lương eo hẹp nên đã bỏ nghề chuyển sang bán quần áo trẻ em. Công việc không quá vất vả nhưng hầu hết thời gian, cô ấy phải ngồi ở chợ.
Vì vậy, mỗi lúc tan sở, tôi thường không la cà như bạn bè đồng nghiệp. Tôi đón con, đi chợ, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa. Vợ tôi về, còn việc gì thì làm nốt, không thì chỉ việc tắm rửa rồi ăn cơm.
Cũng may tôi là túyp đàn ông không ngại việc nhà. Tôi cho rằng, việc gì vợ làm được, mình cũng làm được. Nhà từng ấy việc, mình làm, vợ đỡ vất vả.
Trước đây, vợ tôi rất cảm kích mỗi khi thấy tôi chia sẻ việc nhà. Dần dần, cô ấy gần như phó thác mọi việc cho tôi, đi sớm về muộn với lý do "có anh ở nhà rồi, em về muộn chút, may ra bán thêm được ít hàng".
Dạo gần đây, mỗi lần thấy chị hàng xóm khoe mua đất, anh hàng xóm mua ô tô, vợ tôi thường không tiếc lời khen ngợi. Cô ấy mang chuyện hàng xóm vào những bữa cơm, khen chồng chị này giỏi kiếm tiền, chồng chị kia làm ăn nhạy bén.
Vợ bảo tôi kiếm gì làm thêm, hay vay tiền đầu tư cùng anh em bạn bè làm ăn, buôn bán gì đó.
Tính tôi không có ham mê kiếm tiền hay làm giàu. Tôi thích cuộc sống ổn định, vợ chồng có thời gian dành cho nhau, cho gia đình.
Để kiếm được nhiều tiền, người ta phải đánh đổi nhiều thứ. Như mấy ông hàng xóm gần nhà, thỉnh thoảng tôi mới thấy họ ở nhà. Thời gian ăn cơm với vợ con còn không có, nói gì đến yêu và hiểu nhau.
Mỗi lần nghe tôi nói thế, vợ tôi chỉ thở dài, than thở số mình chắc chỉ đủ ăn, không bao giờ dám mộng mơ giàu sang, phú quý.
Vài hôm trước, vợ ốm nên nghỉ bán hàng ở nhà. Tan tầm, tôi vẫn tranh thủ về sớm như mọi khi, đón con ở lớp học thêm, ghé chợ rồi mới về nhà.
Tới nhà, tôi thấy vợ đang ngồi nói chuyện với chị hàng xóm, tôi chào hỏi rồi vào bếp. Trong lúc ướp thức ăn chờ nấu, tôi tranh thủ lau dọn nhà.
Tôi nghe thấy chị hàng xóm nói với vợ mình: "Em là sướng nhất khu mình đấy. Chồng đảm đang, chịu khó hết cả phần thiên hạ. Chẳng bù chồng chị, chẳng mấy khi thấy mặt ở nhà".
Vợ tôi nghe xong, vẫn tiếng thở dài quen thuộc: "Thế nên chồng chị mới mua nhà, mua xe, tiền tiêu không hết. Nói thật với chị, chỉ có những người đàn ông thất bại mới có thời gian rảnh rỗi làm việc nhà. Nếu thành đạt thì đã bận rộn tối ngày, làm gì có thời gian đi chợ, nấu cơm, lau nhà cho vợ nữa".
Cây chổi trong tay tôi bỗng trở nên nặng trịch, mặt tôi nóng bừng sau câu nói của vợ. Bao nhiêu năm nay, tôi luôn cố gắng để trở thành người chồng tốt. Tôi không có thói hư tật xấu, không nghiện ngập bất cứ thứ gì.
Ở cơ quan, tôi là nhân viên gương mẫu. Về nhà, tôi là người chồng, người cha chu đáo. Việc quan tâm, dạy con cái học hành tôi lo. Việc nhà cửa, bếp núc tôi quán xuyến. Một người chồng như vậy còn không đủ để khiến vợ tôi hài lòng?
Ai chẳng muốn giàu có, nhưng khả năng mỗi người khác nhau. Huống hồ, tôi chẳng hiểu biết gì về đầu tư làm ăn, tiền bạc trong nhà cũng không sẵn để vung ra mà chưa biết kết quả thế nào.
Trong khi đó, cơm vẫn phải ăn, con cái vẫn phải học hành, hàng trăm thứ vẫn phải chi tiêu. Vợ muốn tôi mạo hiểm lao ra đời làm ăn như người ta để giàu có. Nếu cứ làm là giàu có, hẳn xã hội này đã không có ai nghèo khổ.
Tôi vốn nghĩ vợ mình chỉ than thở thế thôi. Giờ mới biết trong suy nghĩ của cô ấy, tôi chỉ là gã đàn ông thất bại và vô dụng.
Nhưng tôi nghĩ lại, thấy mình đi làm bao nhiêu năm, lương mỗi tháng chưa đầy 10 triệu đồng, đúng là không bằng thanh niên mới ra trường. Với mức thu nhập ấy, cùng thu nhập của vợ, chỉ có thể đủ sống, không bao giờ dám nghĩ đến chuyện hưởng thụ.
Tôi có nên nghe lời vợ, vay tiền theo anh em, bạn bè đầu tư làm ăn, may ra có cơ hội đổi đời? Và quan trọng nhất, tôi sẽ không bị vợ coi thường nữa.