Trong tâm thức của mỗi người con đất Việt, Tết là ngày của sum họp, của đoàn viên, của sự vui vầy, quây quần bên nhau để tận hưởng những ngày đầu năm mới hết sức an lành và vui vẻ. Tết bắt đầu cho việc khởi đầu một năm mới với những điều tốt đẹp nhất, hy vọng một năm mới an lành, may mắn, thành công.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, ông bà vui vầy cùng con cháu bên nồi bánh chưng là hạnh phúc không gì bằng, những câu chuyện, phong tục Tết xưa được ông bà kể cũng chính là cách nuôi dưỡng tâm hồn các bé phong phú và nhân văn. Tết là khoảng thời gian thiêng liêng để hàn gắn những yêu thương, đón những giây phút năm mới bình an.
Theo Dân Trí, mới đây, Bùi Phương (quê Thái Bình) đăng tải bức ảnh chụp các thành viên trong đại gia đình của mình lên mạng xã hội những ngày đầu xuân Giáp Thìn 2024.
Bức ảnh khiến cư dân mạng thích thú bởi số lượng thành viên "khủng" trong một khung hình. Bên cạnh bức ảnh, cô gái trẻ còn chia sẻ đoạn clip ngắn quay cảnh các cháu xếp hàng dài gần chục mét dọc khoảng sân lớn nhận lì xì. "Cố lắm mới "bắt" được 1/3 số cháu xếp hàng.
Bà Mỵ và cô cháu ngoại Bùi Phương cho biết, họ rất tự hào khi là một mảnh ghép của đại gia đình 120 thành viên. Trong tương lai, số thành viên trong gia đình còn tăng thêm nữa, họ sẽ cùng nhau gìn giữ những nét đẹp truyền thống và tình cảm yêu thương của cả đại gia đình.
Theo bà Mỵ, bố mẹ chồng bà qua đời cách nay gần 20 năm. Tuy nhiên, các anh chị em trong gia đình vẫn giữ nếp xưa, dù ở đâu, bận rộn ra sao cũng đưa con cháu về quê họp mặt mùng 4 Tết.
"Vì số lượng thành viên đông nên mỗi dịp tụ họp, gia đình tôi phải chuẩn bị khoảng 20 mâm cỗ mới đủ", bà Mỵ nói.
Theo VnExpress, dù không phải dịp Tết, tuy nhiên, trường hợp một cụ bà 110 tuổi đón sinh nhật với 115 cháu, chắt tại Nghệ An cũng gây sốt. Ngoài hơn 100 người tham dự, một số cháu, chắt vì ở xa hoặc đi xuất khẩu lao động cũng gửi quà về chúc mừng. Nhìn thấy khung cảnh con cháu quân quần bên gia đình thế này, nhiều người không thể không bày tỏ lòng ngưỡng mộ.
Theo đó, Cụ Hồ Thị Yên là một trong những người cao tuổi tại Nghệ An năm nay đã được UBND tỉnh gửi chúc thọ. Cụ Yên sinh năm 1913 ở huyện Quỳnh Lưu (nay là thị xã Hoàng Mai) kết hôn với người cùng quê. Thời trẻ, vợ chồng cụ có nhiều năm tham gia dân công hỏa tuyến trong kháng chiến chống Pháp. Gia đình làm nghề nông. Hàng ngày bà rất thích được con cháu quây quần trò chuyện và luôn tạo không khí vui tươi, đầm ấm trong gia đình.
Theo Báo Phụ nữ Thủ đô, gia đình cụ Trần Thị Ba (SN 1925, trú tại phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội) cũng là gia đình tứ đại đồng đường được nhiều người ngưỡng mộ về nề nếp gia phong. Cụ Ba hiện đang sống cùng gia đình con trai, vợ chồng cháu ngoại và chắt ngoại tại tổ dân phố số 6 phường Vĩnh Phúc. Trong căn nhà ba tầng, cụ ở một phòng trên tầng thứ hai, vợ chồng con trai ở phòng bên cạnh, tầng thứ ba thì “để dành” cho vợ chồng cháu trai và hai chắt ở. Bà Nguyễn Thị Hữu (SN 1955, con dâu cụ Ba) cho biết, cụ Ba tuổi đã cao nên việc cơm nước, chợ búa do bà lo liệu. Ông bà đã về hưu nhận nhiệm vụ đưa đón cháu đi học và cơm nước, chợ búa hằng ngày.
Theo bà Hữu, việc chung sống nhiều thế hệ giúp gia đình bà lúc nào cũng vui vẻ, ấm cúng. Khi sống chung, các cụ giáo dục nhắc nhở con cái về cách ăn ở, có trên có dưới. Các con cháu hiếu nghĩa với bố mẹ.
Tết là dịp để gia đình, họ hàng sum họp, chia sẻ với nhau những câu chuyện vui buồn sau một năm làm việc, học tập. Giá trị mà mỗi người hướng đến là sự hạnh phúc, được tận hưởng cuộc sống theo cách của mình, là một phiên bản tốt nhất của bản thân chứ không phải để thành công giống như một hình mẫu nào đó. Dù có đi xa đến đâu, gia đình chắc chắn vẫn là nơi mỗi người con mong mỏi được tìm về. Dù cho có thành công hay thất bại, sang giàu hay khó khăn, gia đình sẽ mãi ở đó, dang rộng vòng tay đón chờ mọi người con. Tết đang đến rất gần rồi, hy vọng ai cũng có một mái ấm đầy yêu thương để trở về và cùng tận hưởng những phút giây đoàn tụ ý nghĩa nhất.