Tết Chol Chnam Thmay là gì?
Có gần một triệu người Khmer (còn gọi là người Miên) sinh sống trên khắp mười ba tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Trong đó, tập trung nhiều nhất là ở 4 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang.
Tết Chol Chnam Thmay có nghĩa là “Vào năm mới”, (còn gọi là lễ chịu tuổi). Trong 3 ngày này sẽ có những nghi lễ khác nhau. Ngày thứ nhất gọi là Sang-kran ( “bước đi”). Ngày thứ hai gọi là Won-bot (“thiếu hoặc thừa”). Ngày thứ ba gọi là Lon-sătk (“tăng lên”). Lễ Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của cộng đồng Khmer thể hiện tấm lòng kính Phật là một đức tin bất di bất dịch
Các hoạt động trong lễ hội Chol Chnam Thmay ở Trà Vinh được người Khmer tổ chức tại chùa luôn là sự kiện văn hóa lớn nhất trong năm.
Lễ hội này được diễn ra trong cả nước, cũng như cộng đồng Khmer ở khắp mọi nơi. Trong kỳ quốc lễ quan trọng này, các con cháu làm ăn xa sẽ thu xếp về quê. Cùng với người thân và gia đình ăn Tết. Được biết, Tết Chol Chnam Thmay 2019 cũng là dịp mừng năm mới của cộng đồng người dân Khmer ở Việt Nam.
Chịu ảnh hưởng của đạo Phật giáo hệ phái Tiểu thừa và của đạo Bà La Môn, Tết của người Khmer khác hơn người Việt, người Trung Quốc hay người phương Tây. Tuy có cùng ý nghĩa là ngày Tết cổ truyền nhưng ngày Tết Chol Chnam Thmay lại có nhiều tập tục khác biệt theo bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ.
Mọi sinh hoạt Tết Chol-chnam-thmay của đồng bào Khmer Nam Bộ đều được diễn ra tại chùa. Trước Tết Chol-chnam- thmay, bà con dọn dẹp, sơn phết tháp thờ hài cốt ông bà, cha mẹ mình cho gọn gàng, đẹp đẽ.
Các chùa Miên được tu bổ, trang trí lại với nhiều màu sắc sặc sỡ. Trong những ngày tết, hoạt động chủ yếu của mọi người đó là vào các chùa để cúng vái các thần linh như thần Vitnu, Siva, Hanuman…
Tết Chol Chnam Thmay 2019 vào ngày nào của tháng 4?
Lễ hội Chol Chnam Thmay 2019 (Campuchia) được tổ chức vào đầu tháng Pô săk, còn gọi là tháng Chét theo Phật lịch Tiểu thừa. Cụ thể là từ: Chủ Nhật, 14 tháng 4 cho đến thứ Ba, 16 tháng 4 Dương lịch (nếu năm nhuần thì bắt đầu từ ngày 13- 4 Dương lịch). Vì đây là khoảng thời gian mà mùa màng đã thu hoạch xong nên người dân khá nhàn, có thể tha hồ vui Tết. Sau khi ăn tết, người dân lại tiếp tục tất bật với việc đồng áng.
Các hoạt động trong Tết Chol Chnam Thmay
Trong ngày Tết, mọi nhà sẽ dâng lên chùa Lễ Phật bánh ngọt, bánh tét, hoa quả, nhang đèn. Sau đó cùng với sư đãi khách khứa dùng. Tết đến, nhiều gia đình vào ở trong chùa làm công quả, vừa vui chơi, vừa được dự lễ, vì mọi nghi thức, vui chơi sinh hoạt trong 3 ngày Tết đều tập trung tại chùa.
Người Khmer thường tính ngày đầu năm bằng hai lối vào:
Chôl (vào năm): dựa theo sự vận chuyển của Mặt Trăng và đánh dấu việc thay đổi 12 con giáp trong một kỳ (cũng như người Việt, người Khmer lấy hình tượng 12 con giáp để tính năm. Khác ở chỗ là họ lấy hình tượng con Thỏ thay cho con Mèo và con Bò thay vì con Trâu ).
Chnăm (năm): dựa trên sự vận chuyển của Mặt Trời và đánh dấu bước đầu năm mới.
Lễ cúng trái cây trong Tết Chol-chnam-thmay
Trong đêm giao thừa, mọi nhà sẽ cúng tiễn thần Tê-vô-đa cũ về nhà trời, và rước thần Tê-vô-đa mới xuống ăn tết, cai quản đất đai, thổ trạch trong năm tới. Mọi người thắp đèn, cúng bánh, trái cây, hương hoa trên bàn thờ tổ tiên.
Lễ dâng cơm Tết Chol-chnam-thmay
Sáng ngày Tết thứ nhất Sang-kran, mọi người đến chùa để lễ, tụng kinh, niệm Phật, làm lễ rước đại lịch (Ma-ha-sang-kran).
Ngày Tết thứ hai Won-bót, mọi người làm lễ dâng cơm cho các sư sãi ở chùa.
Ngày tết thứ ba Lon-sătk mọi người dâng cơm, tắm cho các tượng Phật để cầu hên.
Tắm tượng Phật
Sau khi nhờ nhà sư làm lễ cầu cho linh hồn ông bà tổ tiên và tụng kinh siêu thoát cho những tháp mộ không người thân chăm sóc, mọi người trở về nhà tắm tượng Phật thờ trong gia đình.
Ý nghĩa tết Chol Chnam Thmay
Tết Chol Chnam Thmay 2019 mang nhiều ý nghĩa quan trọng:
- Đây là dịp để kết nối các thành viên trong gia đình, nhớ về tổ tiên ông bà.
- Hướng về những giá trị truyền thống, dân tộc với hàng nghìn năm lịch sử.
- Người dân được vui chơi sau chuỗi ngày lao động vất vả để lo cho mùa vụ. Đời sống nông nghiệp hiện vẫn có vai trò chính trong nền kinh tế và đời sống của người Campuchia.
Dịp lễ hội này cũng là lúc để nhìn lại những thành quả đạt được và những việc chưa làm được lại cùng nhau tiếp bước công cuộc xây dựng cải tạo nhằm có một năm mới đạt thêm nhiều thành công.
Tết Chol Chnam Thmay của người Khmer 2019 còn là một cơ hội lớn cho việc quảng bá du lịch của đất nước.
Chương trình mừng năm mới Angkor Sangkran Chnam Thmey, được xem là hoạt động du lịch văn hóa thường xuyên của đất nước Campuchia. Những ngày tết tại đây thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước về tham dự.
Năm nay tết Chon-chnam- thmay khá vui vì bà con trúng mùa hành và dưa hấu lai. Trong những ngày này, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính quyền địa phương tới chúc tết đồng bào Khmer và thăm sư sãi ở các chùa. Ngày 2/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư chúc tết Chol Chnam Thmay 2019 tới đồng bào, đồng chí, các vị chư tăng và kiều bào dân tộc Khmer đón một cái Tết cổ truyền thật đầm ấm, vui tươi và hạnh phúc.
Đời sống người dân tộc Khmer đã khá hơn nhiều nhờ chương trình 135 của Nhà nước. Các phum sóc điện, đường, trường, trạm nhiều nơi đã hoàn thành khá khang trang, tỉ lệ hộ nghèo đói đã giảm rõ rệt. Đó cũng là sự hòa hợp giữa ý Đảng lòng dân.
Sự tích Chôl Chnăm Thmây được lưu truyền:
Ngày xưa có một cậu bé tên Thom Ma Bal, rất thông minh, biết đem sự hiểu biết của mình truyền bá cho mọi người. Dân chúng rất thán phục và rất thích nghe cậu thuyết giảng. Tài trí Thom Ma Bal ngày càng lan rộng đến tận thượng giới. Các vị thiên thần cũng xuống trần gian xin nghe Thom Ma Bal thuyết giảng. Do vậy, những buổi thuyết giảng của thần KaBưl Maha Brưm trên thượng giới ngày càng vắng vẻ.
Thần Kabưl Maha Brưm rất có uy thế trên thượng giới lấy làm tức giận. Thần đã cho gọi hết các vị thiên thần trở về, cấm không cho xuống trần gian nghe thuyết giảng. Đồng thời thần tìm cách hảm hại Thom Ma Bal. Một hôm, lúc Thom Ma Bal đang thuyết giảng cho dân chúng nghe, thần Kabưl Maha Brưm xuất hiện và phán rằng: “Ta nghe đồn nhà ngươi thông minh xuất chúng, nhưng ta chưa tin điều ấy. Nay ta đặt cho ngươi ba câu đố, nếu ngươi giải đáp đúng ta sẽ cắt đầu của ta cho ngươi. Còn nếu không giải đáp được, thì ngươi phải dâng mạng sống của ngươi cho ta”.
Không thể từ chối, Thom Ma Bal đành phải chấp nhận trả lời câu hỏi. Thần KaBưl Maha Brưm liền đặt câu hỏi:
- Ngươi hãy cho ta biết: “Buổi sáng, duyên của con người nằm ở đâu? Buổi trưa, duyên con người nằm ở đâu? Buổi tối, duyên của con người nằm ở đâu?”.
Hỏi xong thần hẹn bảy ngày sẽ trở lại nghe Thom MaBal giải đáp, rồi bay về trời. Thom Ma Bal suy nghĩ suốt ngày, đêm mà vẫn không tìm được câu giải đáp. Đến ngày thứ sáu rồi mà cậu bé vẫn chưa tìm được câu trả lời, cậu đi lang thang từ sáng đến trưa. Quá mệt mỏi và thất vọng, chàng nghỉ mệt dưới tàn cây cổ thụ.
Lúc ấy, trên cây có hai con chim đại bàng đang nói chuyện với nhau. Chim mái hỏi chim trống:
- Ngày mai ta sẽ đi ăn ở đâu?
- Ngày mai ta sẽ ăn thịt Thom Mabal, chim trống đáp.
Chim mái ngạc nhiên:
- Tại sao ăn thịt Thom Ma Bal?
Chim trống thuật lại chuyện thần Ka Bưl Maha Brưm yêu cầu Thom Ma Bal phải trả lời câu hỏi thách đố của thần. Nghe xong chim mái hỏi:
- Vậy có ai giải đáp được không?
Chim trống tự đắc đáp: Ta đã nghe thần Ka Bưl Maha Brưm nói là:
- Buổi sáng, duyên của con người ở trên mặt, nên ngủ dậy người ta phải rửa mặt cho tươi tỉnh. Buổi trưa, duyên của con người ở trên ngực, nên người ta phải tắm cho mát. Buổi tối, duyên của con người ở dưới bàn chân, nên người ta thường rửa chân cho sạch trước khi đi ngủ.
Thom Ma Bal ngồi dưới gốc cây, nghe được lời nói chuyện của đôi chim nên rất mừng rở và trở về nhà.
Đúng hẹn, thần Ka Bưl Maha Brưm tay cầm gươm vàng, đáp xuống gặp Thom Ma Bal. Y lời chim trống nói hôm qua, Thom Ma Bal trả lời ba câu hỏi đó của thần Ka Bưl Maha Brưm.
Điều mà Thom Ma Bal trả lời hoàn toàn chính xác. Thần Ka Bưl Maha Brưm thua cuộc ngửa mặt lên trời gọi bảy người con gái xuống trần gian bảo: “Cha đã thua trí Thom Ma Bal rồi. Theo lời hứa, cha phải chết. Các con hãy cất giữ đầu của cha trong tháp trên đỉnh núi Kaylas, nơi người trần không chạm đến được. Các con hãy cẩn thận, nếu để đầu cha rơi xuống biển, biển sẽ cạn, nếu để đầu cha tung lên không trung thì trời không có mưa và nếu để đầu cha trên mặt đất thì đất sẽ khô cằn, cỏ cây không mọc được”.
Dặn các con xong, thần tự cắt cổ trao đầu mình cho con gái lớn và thân của thần biến thành một luồng ánh sáng bay vút lên không trung.
Ngày nay, khi đến chùa của người Khmer bất kỳ, ta thường thấy đầu thần Ka Bbưl Maha Brưm (Thần Bốn Mặt) được thờ trong các tháp xây trong chùa. Nơi đặt đầu của thần là vị trí trung tâm, là bàn thờ chính trong các nghi lễ tôn giáo cũng như các nghi lễ truyền thống được tổ chức trong chùa.