Thói quen hoạch định thời gian
Ý thức, phương pháp hoạch định và tận dụng thời gian không chỉ là một thói quen mà quan trọng hơn là một năng lực vô cùng cần thiết đối với mỗi người.
Theo các chuyên gia giáo dục trẻ em, bố mẹ nên chú trọng tạo thói quen tốt cho trẻ hơn là một mực nuông chiều, đáp ứng mọi nhu cầu của con cái.
Bạn không nên đợi đến lúc con đến trường rồi mới bắt đầu bồi dưỡng những thói quen, như vậy sẽ rất khó khăn và bỏ lỡ thời điểm vàng.
Ngay từ khi trẻ đã nhận thức tương đối về thế giới xung quanh và có thể tự mình làm một số việc cá nhân, bố mẹ nên dạy trẻ biết cách vạch ra thời gian cho từng hoạt động của mình.
Ví dụ: Bạn có thể khuyến khích trẻ dành ra 30 phút mỗi buổi tối để trò chuyện với bố mẹ rằng vào ngày mai trẻ sẽ phải làm những gì, mong muốn của trẻ ra sao, và trẻ cảm thấy thế nào về thời gian biểu của ngày mai v.v…
Thói quen xác định mục tiêu cho thời gian trong tương lai gần
Chưa cần thiết phải là mục tiêu to lớn của cả đời người, khi trẻ còn nhỏ thì bố mẹ chỉ nên dẫn dắt trẻ thói quen xác định những việc phải làm trong thời gian ngắn trong tương lai. Đây cũng chính là nền tảng giúp trẻ khi lớn lên biết lập ra mục tiêu và phấn đấu.
Ví dụ trong những tháng nghỉ hè, bố mẹ có thể cho trẻ viết ra những việc mà trẻ phải làm hoặc muốn làm trong thời gian này, đồng thời cũng định hướng cho trẻ cách chuẩn bị cho năm học mới ra sao v.v…
Thói quen sống ngăn nắp
Nhiều gia đình vì quá thương yêu con cháu mà không hề chú ý việc dạy trẻ sống tự lập, chủ động. Gần như mọi việc đều được người lớn làm thay cho trẻ, điều này thật sự gây bất lợi cho quá trình trưởng thành và rèn luyện thói quen sống tích cực về sau của con.
Khi trẻ đã có thể tự làm những việc cá nhân, bố mẹ nên “buông tay” để trẻ tự làm. Chẳng hạn như dọn dẹp đồ chơi, xếp quần áo, chuẩn bị sách vở. Mọi việc trẻ làm cũng phải được hướng dẫn sao cho trẻ hình thành thói quen ngăn nắp, sạch sẽ. Đây là bước đầu giúp trẻ biết tự lập, không ỷ lại vào người khác và sống có trách nhiệm hơn.
Thói quen chia sẻ việc nhà cùng gia đình
Làm việc nhà chính là phương pháp dạy trẻ tinh thần trách nhiệm ngay từ ban đầu đơn giản nhưng vô cùng hữu hiệu. Trong môi trường gia đình, trẻ sẽ có cảm giác an toàn và tự tin hơn khi thực hiện một việc gì đó. Chính vì vậy, tùy theo độ tuổi và khả năng của trẻ, bố mẹ nên giao phó và khích lệ con tham gia việc nhà cùng mọi người.
Một mặt, quá trình này sẽ càng gắn kết tình cảm gia đình, giúp mỗi thành viên đều thấu hiểu và san sẻ cùng nhau. Mặt khác, khi trẻ làm tốt việc nhà gì đó, dù đơn giản thì bố mẹ cũng nên khen ngợi đúng mực, đây sẽ là liều thuốc kích thích lòng tự tin và say mê lao động ở trẻ.
Thói quen nhận biết những “cái chưa tốt”
Nhiều người nghĩ rằng, cách tập thói quen tốt cho trẻ là giúp trẻ nhận thức được điều hay lẽ phải. Quan niệm này không sai nhưng chưa đủ, bố mẹ còn phải giúp trẻ tìm ra và nhận biết đúng đắn về những cái sai, những điều chưa tốt.
Ví dụ hành động này của trẻ là không ngoan, thiếu lễ phép hay bài tập nào trẻ thường làm sai, chữ nào trẻ thường đánh vần chưa đúng v.v…
Những khuyết điểm này cũng rất cần bố mẹ dẫn dắt để trẻ nhận ra, hiểu đúng và biết cách cải thiện. Thói quen này giúp trẻ khi trưởng thành cũng có tư duy đa chiều hơn, có thể đứng ở nhiều góc độ để đánh giá và giải quyết vấn đề.
Thói quen quan tâm và thông cảm với người khác
Lòng cảm thông và biết quan tâm đến người xung quanh là một loại năng lực, một đức tính đáng quý mà bố mẹ nên xây dựng cho trẻ càng sớm càng tốt. Bắt đầu từ chính những người thân trong gia đình, hãy dạy trẻ biết yêu thương, lắng nghe và san sẻ với ông bà, cha mẹ, anh chị em v.v…
Ở ngoài xã hội, bố mẹ hãy dạy trẻ biết cảm thông và quan tâm đến bạn bè và cả tình yêu thương dành cho thiên nhiên như cỏ cây, động vật. Lòng nhân ái là nền tảng giúp trẻ trở thành một người tài đức và dễ được lòng người trong quá trình trưởng thành và phát triển.
Nguồn: http://www.sohu.com/a/293877802_224041?_f=index_chan26news_24