Gan nhiễm mỡ là một loại bệnh phổ biến nhưng cực kỳ nguy hiểm, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm gan, xơ gan, thậm chí là ung thư gan. Phương pháp điều trị chủ yếu cho bệnh nhân gan nhiễm mỡ là điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để giữ được cân nặng ổn định, và đặc biệt phải tránh xa các loại đồ uống có cồn để bảo vệ lá gan của mình.
Ăn gì, uống gì để đẩy lùi gan nhiễm mỡ?
1. Các thực phẩm tốt cho bệnh nhân gan nhiễm mỡ
Hãy thử chế độ ăn uống lành mạnh nổi tiếng của vùng Địa Trung Hải. Mặc dù nó không được sinh ra để điều trị gan nhiễm mỡ, phong cách ăn này chứa rất nhiều loại thực phẩm hữu ích có tác dụng giảm thiểu tối đa lượng chất béo tích trong gan của bạn, bao gồm các chất béo lành mạnh, chất chống oxy hóa và carbohydrate phức tạp.
Một số loại thực phẩm nên ăn: cá và các loại hải sản nói chung, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt, dầu oliu, rau củ, quả bơ, các loại cây họ đậu, các loại hạt như óc chó, hạnh nhân, hạt phỉ…
2. Lựa chọn các chất béo thích hợp
Các tế bào của chúng ta sử dụng glucose, một loại đường, để tạo năng lượng. Và hormone insulin giúp đưa glucose từ thức ăn được tiêu hóa đến các tế bào. Những người mắc bệnh gan nhiễm mỡ thường phải đối mặt với một tình trạng gọi là kháng insulin: cơ thể họ vẫn sản sinh insulin, nhưng không thể sử dụng được. Khi đó, glucose sẽ bị mắc kẹt lại trong máu, và gan sẽ biến nó thành mỡ.
Một số loại chất béo có thể giúp cơ thể người bệnh sử dụng insulin tốt hơn. Một trong số chúng là axit béo omega-3, được tìm thấy trong cá, dầu cá, dầu thực vật, các loại hạt (đặc biệt là óc chó), hạt lanh và dầu hạt lanh, cũng như các loại rau xanh. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý đến các chất béo không bão hòa đơn trong các nguồn thực vật như oliu, quả bơ và các loại hạt.
3. Các loại thực phẩm khiến gan nhiễm mỡ trở nên trầm trọng
Bệnh nhân gan nhiễm mỡ cần tránh xa các chất béo bão hòa, bởi chúng sẽ dẫn đến nhiều chất béo tích tụ trong gan. Các loại thực phẩm chủ yếu cần kiêng khem triệt để bao gồm: thịt gia cầm (trừ thịt ức trắng không mỡ), các phô mai loại chứa nhiều chất béo, sữa chua (trừ sữa chua với hàm lượng chất béo thấp), thịt đỏ, đồ nướng và các món ăn chiên rán từ dầu cọ hoặc dầu dừa, đồ ngọt và các món ăn có hàm lượng đường cao khác.
4. Các loại chất chống oxy hóa tốt cho gan
Các tế bào trong cơ thể chúng ta sẽ bị tổn thương khi các chất dinh dưỡng không bị phá vỡ đúng cách. Điều này có thể dẫn đến sự tích tụ chất béo trong gan của bạn. Nhưng đừng lo, các chất chống oxy hóa có thể giúp bảo vệ các tế bào trong trường hợp này.
Bạn có thể tìm thấy một nguồn các chất chống oxy hóa phong phú từ trà xanh, cà phê, tỏi tươi, các loại trái cây, rau củ… Ngoài ra, hãy nhớ bổ sung vitamin E thường xuyên từ các nguồn vitamin tự nhiên như hạt hướng dương, hạt hạnh nhân và các loại dầu có nguồn gốc thực vật như dầu oliu hoặc dầu hạt cải.
5. Bổ sung vitamin và khoáng chất
Một lượng nhỏ vitamin D cũng có thể giúp ích cho những tình trạng gan nhiễm mỡ nghiêm trọng. Cơ thể bạn sẽ tổng hợp vitamin D dưới nắng mặt trời. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm thấy vitamin D trong các chế phẩm từ sữa, nhưng hãy chú ý tìm các loại thực phẩm có hàm lượng chất béo thấp bởi chúng không chứa nhiều các chất béo bão hòa.
Ngoài ra, kali cũng rất tốt cho các tình trạng gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Các nguồn thực phẩm giàu kali trong tự nhiên bao gồm: các loại cá như cá tuyết, cá hồi, cá mòi; các loại rau củ như bông cải xanh, đậu Hà Lan, khoai lang; các loại trái cây như bơ, chuối, kiwi, mơ; và các chế phẩm từ sữa như sữa tươi, sữa chua…
Betaine cũng có thể bảo vệ lá gan của bạn khỏi các chất béo tích tụ trong cơ thể, dù vẫn còn nhiều ý kiến khoa học trái chiều về tác dụng thực sự của loại axit amin này. Bạn có thể tìm thấy betaine trong mầm lúa mì và tôm.
6. Tránh xa bia rượu
Nếu bệnh tình của bạn đến từ việc lạm dụng đồ uống có cồn, bạn cần ngưng hoàn toàn việc sử dụng rượu bia ngay lập tức. Các loại đồ uống này sẽ khiến gan người bệnh càng tổn thương nghiêm trọng hơn.
Nếu bạn bị gan nhiễm mỡ không do bia rượu, bạn vẫn có thể thỉnh thoảng uống, nhưng không quá một lần mỗi tháng. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ và cân nhắc thật kĩ về tình trạng sức khỏe của mình.
Sinh hoạt điều độ để khắc phục tình trạng gan nhiễm mỡ
1. Giảm cân
Chỉ cần giảm 5% trọng lượng ban đầu của cơ thể là bạn đã một phần thành công trong việc làm giảm lượng mỡ trong gan. Giảm 7 – 10% trọng lượng cơ thể cũng đồng nghĩa với việc bạn đã giảm đi tình trạng viêm và tổn thương trong các tế bào. Bạn thậm chí có thể đảo ngược một số “thiệt hại” sẵn có.
Tuy nhiên, hãy cố gắng giảm cân một cách an toàn và điều độ. Bạn không cần phải tiến xa quá nhanh, chỉ cần duy trì ở mức 0,5 – 1 kg mỗi tuần. Cố gắng ép cân sẽ khiến cho tình trạng bệnh trở nên càng tồi tệ.
2. Tập thể dục để có một lá gan khỏe mạnh
Các bài tập aerobic thực sự có thể phát huy hiệu quả trong việc cắt giảm lượng chất béo trong gan của bạn. Các bài vận động nặng cũng có tác dụng giảm viêm. Ngoài ra, bệnh nhân gan nhiễm mỡ có thể tập các bài thể dục thể thao làm tăng sức đề kháng và cải thiện sức bền như tập tạ, chạy đường trường…
Hãy đặt mục tiêu luyện tập các bài thể dục vừa phải 30 – 60 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần và các bài vận động nặng ít nhất 3 ngày mỗi tuần.
3. Giảm cholesterol
Những việc khác bạn nên làm để giữ cho gan khỏe mạnh là duy trì lượng cholesterol và chất béo trung tính (chất béo trong máu) ở mức khỏe mạnh. Hãy nhớ điều chỉnh chế độ ăn, bổ sung nhiều các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, tập thể dục thể thao thường xuyên và uống thuốc theo đơn của bác sĩ. Những thói quen lành mạnh này có thể giúp kiểm soát lượng cholesterol và chất béo trung tính trong cơ thể bạn.
4. Kiểm soát đường huyết
Khi bị gan nhiễm mỡ, bạn cũng cần theo dõi thường xuyên để điều chỉnh lượng đường trong máu, kiểm soát tình trạng tiểu đường (nếu có). Hãy chú ý uống thuốc đều đặn và nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ.