Thế nào là môi trường ăn uống khoa học với trẻ em?
Môi trường ăn uống khoa học là không gian có đầy đủ các thành viên gia đình cùng thưởng thức bữa ăn mà không có sự tác động từ những yếu tố bên ngoài khác (thiết bị điện tử, những vật dụng tùy tiện để trên bàn ăn, hoạt động bế bé đi ăn rong hoặc đến chỗ đông người để bé chịu ăn…).
Cách thiết lập môi trường ăn uống khoa học cho trẻ
Theo các chuyên gia, việc cha mẹ sớm tạo dựng môi trường ăn uống khoa học sẽ giúp trẻ hiểu giá trị của bữa ăn và có hành vi phù hợp để đáp ứng bữa ăn. Bên cạnh đó, được ngồi ăn chung hoặc nhìn các thành viên gia đình ăn cùng nhau, bé sẽ học được hành vi ăn uống của người lớn. Những vấn đề liên quan đến biếng ăn hoặc hành vi ăn uống thái quá của các bé cũng ít xảy ra. Từ đó, bé sẽ học được cách ăn uống bài bản và lựa chọn thực phẩm ăn lành mạnh.
Môi trường ăn uống khoa học cho trẻ 3 tuổi
Nhiều cha mẹ vẫn để trẻ ăn một mình theo một lịch riêng, cách bữa ăn của gia đình từ 30 – 60 phút. Điều này hoàn toàn không hợp lý. Lý do được đưa ra là việc bé gặp khó khăn trong việc tự học cách ăn và học cách tự kiểm soát hành vi ăn uống một mình. Hậu quả là trẻ luôn cảm thấy khó khăn và biếng ăn hơn.
Trong giai đoạn 5 năm đầu đời, kỹ năng học hỏi và bắt chước ở trẻ em là vô hạn. Do đó, cha mẹ hãy tận dụng thời điểm này để giúp việc ăn uống của trẻ diễn ra dễ dàng hơn.
Thay vì để trẻ ăn một mình, cha mẹ hãy cho trẻ ngồi cùng các thành viên gia đình trong bữa ăn. Trẻ có thể ăn hoặc chơi với một ít thức ăn trong khi mẹ và các thành viên khác trong gia đình vẫn ăn uống, sinh hoạt bình thường. Trẻ sẽ học được cách ăn và cách kiểm soát cảm xúc trong hành vi ăn uống từ mọi người một cách tự nhiên nhất.
Môi trường ăn uống khoa học cho trẻ từ 3 tuổi trở lên
Khi được cùng ngồi ăn uống với các thành viên gia đình, trẻ đã có thể hiểu cơ bản về giá trị của bữa ăn. Từ đó, mẹ hãy thiết lập "luật trên bàn ăn" để trẻ hiểu điều gì được làm và không được làm lúc ăn.
Mẹ nên nhớ, luật này chỉ có vai trò như một lời nhắc nhở và thực tế phải mất một thời gian để trẻ hiểu đó là quy định. Luật này nên viết ngắn ngọn trên tấm bảng treo gần khu vực bàn ăn.
Nội dung luật đưa ra tùy thuộc vào bài học cha mẹ muốn dạy trẻ. Ví dụ: Không dùng điện thoại tại bàn ăn (cha mẹ cũng cần tuân thủ luật này).
Trẻ từ 4 – 7 tuổi bắt đầu hình thành tư duy độc lập và tự chủ, đôi khi phản kháng lại ý kiến của cha mẹ. Do vậy, khi quy định, cha mẹ cần có sự thương lượng với trẻ. Vì dụ: “Con có thể ăn 1 cái bánh quy trong giờ ăn cơm” thay vì “Con không được ăn bánh quy lúc ăn cơm”. Hoặc thay vì “Con không được sử dụng điện thoại cho đến khi ăn xong” có thể thay bằng “Nếu con ăn hết nửa chén cơm và 2 miếng rau, con có thể dùng điện thoại’.
Chúc các bậc cha mẹ thành công trong việc tạo môi trường ăn uống khoa học cho trẻ trong những năm đầu đời!
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh
(Bệnh viện Hoàng gia Worcester - Vương quốc Anh)