Chia sẻ trên mạng xã hội, một bà mẹ có nickname H.B kể: “Bé ở nhà sốt li bì, sốt cao 39 độ C. Hôm qua đến giờ, uống thuốc lau mát mà vẫn không hạ sốt. Và thật kỳ diệu… Bé hết sốt, lươn chết luôn”.
Nhắn gửi đến các bà mẹ, chị H. cho rằng: “Mẹ nào có con bị sốt cao thì cứ áp dụng phương pháp này, đảm bảo hiệu quả 100%. Đây là phương pháp đông y dùng nhớt con lươn đặt vào sống lưng sẽ hạ sốt cho bé. Bố mẹ nên áp dụng ngay thay vì điều trị cho con bằng thuốc tây quá nhiều! Lươn không cắn con nên mẹ hoàn toàn yên tâm”.
Trao đổi với báo Phụ Nữ, bác sĩ Trần Văn Năm, nguyên Viện Phó Viện Y Dược học Dân tộc TP.HCM, phân tích: Trong đông y, bác sĩ chỉ dùng thịt lươn chứa lượng đạm cao để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ, chứ không dùng nhớt lươn trị bệnh.
Thịt lươn có thể nấu cùng với một số vị thuốc đông y hỗ trợ điều trị các trường hợp suy dinh dưỡng sau mắc các bệnh nặng (nhiễm khuẩn nặng, viêm xơ gan, thận hư nhiễm mỡ...) gây chán ăn, sụt cân, thiếu máu.
Còn với cách hạ sốt bằng cách cho lươn bò lên lưng trẻ hoặc dùng nhớt con lươn thoa lên lưng chưa từng được sử dụng trong đông y chính thống.
Tuy nhiên, cơ chế khiến trẻ hạ sốt khi đặt con lươn lên lưng là do trẻ sợ hãi, vùng vẫy gây toát mồ hôi nên hạ sốt. Và nguy hiểm khi đây chỉ là trạng thái hạ sốt tạm thời và có khi sốt sẽ xuất hiện lại.
Ngược lại, những trẻ không sợ hãi thì sốt vẫn cao. Chưa kể, nhớt lươn còn có nguy cơ gây cho người bệnh bị nhiễm vi khuẩn hoặc ký sinh trùng.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, khẳng định: Những cách hạ sốt theo kiểu truyền miệng này rất nguy hiểm cho trẻ. Nếu trẻ vô tình hạ sốt được thì do ngẫu nhiên, ví dụ như sốt xuất huyết sau 2-3 ngày thì hết sốt hoặc nhiễm siêu vi có khi hết sốt sau 1 ngày.
Tuy nhiên, với những trẻ sốt không hạ sốt, cha mẹ không đưa đến bệnh viện mà lo hạ sốt bằng nhớt lươn thì có khi trẻ sốt cao dẫn đến co giật, một số trẻ sẽ mắc bệnh động kinh về sau.