Mỗi loại trà khi được nghiên cứu chế biến ngoài công dụng giải khát còn mang đến cơ thể nhiều lợi ích sức khỏe. Trà hoa nhài giúp giảm stress, giảm cân. Trà hoa đậu biếc giúp ngừa lão hóa, giảm đau. Vậy tác dụng của trà hoa cúc cho sức khỏe là gì?
Tác dụng của trà hoa cúc
Tăng cường hệ miễn dịch
Trà hoa cúc có nhiều thuộc tính kháng khuẩn giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Bằng cách sản sinh ra nhiều tế bào chống lại bệnh tật, các dưỡng chất trong loại trà này sẽ góp phần bảo vệ các cơ quan không bị nhiễm trùng.
Hỗ trợ giấc ngủ
Với những ai đang gặp vấn đề về giấc ngủ, đặc biệt là những bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ, trà hoa cúc được xem là một "thần dược tự nhiên" có tác dụng an thần, làm dịu dây thần kinh, nhẹ nhàng đưa con người vào thời gian nghỉ ngơi thư thái.
Giảm đau đầu
Nếu đau đầu, thay vì chọn giải pháp uống thuốc, bạn có thể dùng một tách trà hoa cúc để làm dịu cơn đau. Nguyên nhân là vì loại trà này có chứa những hợp chất giúp thư giãn hệ thần kinh trung ương và giảm bớt kích thích gây đau.
Kiểm soát đường huyết
Các nhà khoa học đã từng làm thí nghiệm để phân tích ảnh hưởng của trà hoa cúc với chuột bị mắc bệnh tiểu đường. Đây là những con chuột bị thiếu hormone insulin, vì thế lượng đường trong máu không thể điều hòa được. Khi cho vật thí nghiệm uống trà hoa cúc với lượng vừa phải trong vòng 3 tuần, người ta nhận thấy mức đường huyết của chúng giảm xuống tới 25% so với trước khi uống trà.
Ngày nay, các nhà khoa học ở Đại học Aberystwyth (Anh) và Toyama (Nhật Bản) còn đang tiến hành nghiên cứu chiết xuất tinh chất hoa cúc để làm dược phẩm chữa tiểu đường. Từ các ví dụ trên có thể thấy: trà hoa cúc thật sự mang lại tác dụng tích cực cho bệnh nhân tiểu đường. Loại thức uống này giúp ngăn ngừa biến chứng bệnh và chống lại sự tăng đường huyết trong cơ thể.
Cải thiện hệ tiêu hóa
Những ai đang phải khổ sở vì rối loạn tiêu hóa, hội chứng ruột kích thích, hãy thử uống trà hoa cúc để làm dịu lại cơn đau. Loại thức uống này có đặc tính kháng viêm sẽ làm giảm viêm ruột và chống co thắt, ngăn ngừa các cơn đau bụng. Hơn nữa, vì các sản phẩm trà hoa cúc ngày nay đều được đóng gói tiện lợi, mỗi khi đau bạn có thể lấy ra uống ngay để làm dịu những khó chịu.
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Chất chống oxy hóa flavones có trong trà hoa cúc với khả năng giảm huyết áp, cholesterol sẽ ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh tim của bạn. Không những vậy, nhiều nghiên cứu gần đây còn cho thấy chất chống oxy hóa trong trà hoa cúc mang lại tác dụng tích cực khi điều trị chứng đau thắt ngực, đau ngực xuất phát từ bệnh động mạch vành.
Giải cảm
Trong y học cổ truyền, trà hoa cúc được xem là thảo dược chữa phong hàn, cảm lạnh kèm sốt cao, đau đầu. Nhờ vào tính mát, loại trà này có thể làm giảm nhanh các triệu chứng khó chịu kể trên.
Ngoài ra, với đặc tính giải nhiệt, trà hoa cúc còn được sử dụng để điều trị bệnh ban đỏ - loại bệnh được bác sĩ Đông y cho rằng do cơ thể bị nhiệt gây nên. Nếu bị phát ban, bệnh nhân nên uống trà hoa cúc mỗi 2-3 giờ đến khi các mẩn đỏ dần lặn xuống.
Ngăn ngừa ung thư
Một nghiên cứu trên 537 người đã cho thấy: những ai uống trà hoa cúc từ 2-6 lần mỗi tuần có khả năng mắc ung thư tuyến giáp ít hơn đáng kể so với những người không uống. Nghiên cứu tại Mỹ cũng phát hiện ra trong loại trà này có chất apigenin giúp ngăn ngừa tế bào ung thư lan rộng và hỗ trợ thuốc trị ung thư phát huy công dụng tốt hơn.
Giảm đau bụng kinh
Mỗi khi đến ngày "đèn đỏ", chị em có thể uống trà hoa cúc để giảm bớt cơn đau. Trong loại thức uống này có hoạt chất giúp giảm co thắt tử cung, từ đó làm dịu chứng đau bụng đáng kể. Ngoài uống trực tiếp, bạn cũng có thể dùng dầu chiết xuất từ hoa cúc để thoa vào bụng dưới sẽ thấy hiệu quả ngay.
Thời điểm thích hợp uống trà hoa cúc
3 mốc thời gian thích hợp nhất để uống trà hoa cúc là khi vừa thức dậy, sau bữa ăn 30 phút và trước khi đi ngủ 30 phút. Ngoài ra, các dược sĩ Đông y còn khuyên bạn nên uống loại trà này vào những trường hợp:
Sau khi ăn mặn
Sau khi ăn mặn, lượng muối trong cơ thể tăng cao. Để trung hòa, bạn nên uống trà hoa cúc giúp cơ thể nhanh chóng bài tiết lượng muối dư thừa ra bên ngoài.
Sau khi ăn nhiều dầu mỡ
Khi bổ sung các thực phẩm nhiều dầu mỡ, bạn phải mất đến 4 tiếng để cơ thể kịp tiêu hóa hết. Để thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn, bạn nên uống trà hoa cúc sau khi ăn. Các dưỡng chất trong trà sẽ kích thích tiêu hóa nhanh hơn, tránh cảm giác ngán và đầy bụng.
Sau khi vận động ra nhiều mồ hôi
Mồ hôi ra nhiều khi vận động khiến cơ thể mất nước và đôi khi có cảm giác choáng váng, mệt mỏi. Để bổ sung ngay lượng nước cần thiết, đồng thời giảm nồng độ máu đang tăng cao lúc này, bạn nên uống trà hoa cúc thay cho nước lọc. Ngoài ra, loại thức uống này còn giúp giảm sự kích thích của các bắp thịt giúp bạn hạn chế bị đau nhức sau luyện tập.
Hướng dẫn pha trà hoa cúc
Trà hoa cúc kỷ tử, táo đỏ
Công dụng của trà hoa cúc kỷ tử táo đỏ chính là giúp mắt sáng, da mịn, giải nhiệt cơ thể đáng kể.
Nguyên liệu
2 lít nước
30g kỷ tử
50g táo đỏ
10g hoa cúc
1 cây lá dứa
150g đường phèn
Cách chế biến
Cho nước, kỷ tử, táo đỏ, lá dứa vào nồi nấu sôi trong 20 phút. Sau đó, thêm hoa cúc vào đun trong 3 phút nữa là có thể cho tiếp đường phèn vào nồi. Nêm nếm lại nước trà một lần nữa rồi tắt bếp, cho ra ly dùng nóng ngay hoặc đợi nguội, bảo quản trong tủ lạnh dùng dần.
Trà hoa cúc mật ong
Tác dụng của trà hoa cúc mật ong mang lại cho sức khỏe bao gồm thanh nhiệt, giải độc, mát gan, sáng mắt, thư giãn tinh thần và làm da dẻ mịn màng, săn chắc.
Nguyên liệu
10g hoa cúc khô
30ml mật ong, cam thảo
Cách chế biến
Đầu tiên, đem hoa cúc rửa sạch, để ráo nước. Bắc nồi nước sôi lên bếp, cho hoa cúc, cam thảo vào nấu nhỏ lửa trong vài phút. Sau đó, rót trà vào tách, đợi nước nguội bớt thì thêm mật ong, khuấy đều và thưởng thức ngay.
Với những tác dụng của trà hoa cúc được liệt kê trên đây, hi vọng chị em sẽ có thêm gợi ý cho mình trong việc bổ sung thức uống tốt cho sức khỏe cả nhà. Mỗi ngày thưởng thức một tách trà hoa không những là giải pháp giúp thanh lọc cơ thể mà còn là bí quyết dưỡng nhan vô cùng tuyệt vời dành cho bạn. Hãy thử ngay hôm nay để cảm nhận sự thay đổi!