Nhiều chị em không hề biết rằng sau khi em bé ra đời thì quá trình sinh con vẫn chưa hề kết thúc. Trên thực tế, sổ nhau thai mới là giai đoạn cuối cùng của quá trình sinh nở. Trong hầu hết các trường hợp, nhau thai sẽ ra ngay sau khi em bé chào đời nhưng cũng có nhiều ca bất thường, giai đoạn này không diễn ra tự nhiên và nhau thai không thoát ra ngoài dẫn đến hiện tượng sót nhau sau sinh. Nếu sót nhau thai không được can thiệp kịp thời mẹ sẽ rất dễ bị nhiễm trùng, băng huyết sau sinh và có thể đe dọa tới tính mạng.
Quá trình "sổ" nhau sau sinh
Sau quá trình chuyển dạ và sinh em bé thông thường, nhau thai sẽ đi ra ngoài theo cách thông thường hoặc có sự can thiệp từ các bác sĩ và hộ sinh. Các bác sĩ sản khoa hoặc y tá có thể tiêm vào bắp đùi của người mẹ một số loại thuốc như syntometrine, ergometrine và oxytocin khi em bé sắp chuẩn bị ra ngoài để nhau thai có thể theo ra ngay sau đó. Những loại thuốc này khiến tử cung co bóp mạnh hơn và đẩy nhau ra. Với những phụ nữ bị huyết áp cao hoặc có dấu hiệu của tiền sản giật trong quá trình mang thai, các bác sĩ sẽ tiêm vào cơ thể mẹ hormone syntocinon để hỗ trợ bước cuối cùng trong quá trình sinh nở này.
Chọn lựa sự can thiệp chủ động từ bác sĩ và hộ lý để nhau thai xổ ra ngoài sẽ giúp gảm nguy cơ bị băng huyết sau khi em bé được sinh ra.
Phân loại hiện tượng sót nhau sau sinh
Sót nhau sau khi sinh có thể chia làm 3 loại:
- Nhau tiền đạo: Đây là hiện tượng bánh nhau bám vào phần dưới gần mép cổ tử cung, xảy ra khi các cơn co thắt tử cung không đủ mạnh để đẩy nhau thai ra ngoài.
- Nhau bong nhưng không ra ngoài: Nhau thai có thể được tách ra hoàn toàn khỏi tử cung nhưng bị kẹt lại trong cơ thể và không thể thoát ra ngoài do cổ tử cung đóng lại quá sớm.
- Nhau cài răng lược: gai nhau bám vào đến lớp niêm mạc căn bản của nội mạc tử cung khiến quá trình sinh thường trở nên khó khăn hơn và thường dẫn đến băng huyết sau sinh.
Nguyên nhân dẫn đến sót nhau thai
Có 5 nguyên nhân chính dẫn đến sót nhau sau sinh:
- Thứ nhất, nhau thai bám toàn bộ quanh tử cung, bánh nhau che kín cả cổ tử cung ngay cả khi đã mở.
- Thứ hai, các cơn co thắt tử cung không đủ mạnh để đẩy nhau thai ra ngoài.
- Thứ ba, nhau thai bám sâu vào thành tử cung và không thoát ra ngoài hết sau khi em bé chào đời.
- Thứ tư, nhau thai dính vào vết sẹo từ lần mổ đẻ trước hoặc phẫu thuật tử cung của mẹ.
- Thứ năm, một phần nhau thai bị kẹt lại không thoát ra ngoài được khi cổ tử cung đóng quá sớm.
Bố mẹ hãy chú ý chỉ cắt dây rốn sau khi nhau thai đã hoàn thành xong trách nhiệm của mình và việc truyền máu giữa mẹ và bé đã kết thúc. Sau đó một cơn co thắt mạnh cũng sẽ đẩy nhau thai ra ngoài và hạn chế nguy cơ sót nhau thai.
Những dấu hiệu sót nhau thai
Một giờ sau khi em bé đã chào đời, nếu như nhau thai vẫn chưa được đẩy ra ngoài thì đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy mẹ bị sót nhau thai. Kèm theo đó, sản phụ có thể gặp các triệu chứng như sốt, đau đớn không ngừng, có dịch kèm mùi hôi chảy ra từ vùng kín và có thể có hiện tượng băng huyết.
Phụ nữ mang thai ở độ tuổi ngoài 30, sinh non hoặc quá trình sinh nở diễn ra quá lâu hoặc thai bị chết lưu cũng dễ bị sót nhau thai.
Cách xử lý sót nhau khi sinh
Thông thường các bác sĩ sẽ lấy nhau thủ công bằng tay, tuy nhiên phương pháp này có nguy cơ gây ra nhiễm trùng sau sinh cho thai phụ. Các loại thuốc làm giãn tử cung tức thời cũng có thể sử dụng để nhau thai có thể thoát ra ngoài.
Ngoài ra, cho con bú cũng khiến cho tử cung co bóp và có thể đẩy nhau thai ra. Đôi khi chỉ cần đi tiểu cũng tạo ra áp lực kép giúp nhau thai thoát ra dễ dàng hơn.
Nếu tất cả các phương pháp trên đều không thành công thì việc phẫu thuật cấp cứu để lọa ibỏ nhau khỏi tử cung là lựa chọn cuối cùng.
Mặc dù không thể ngăn ngừa được việc sót nhau thai có thể xảy ra, các mẹ bầu nên thảo luận trước với bác sĩ, đặc biệt nếu như ở lần sinh trước đó bạn đã gặp phải vấn đề này. Các bác sĩ sẽ đưa ra cho chị em những lời khuyên hữu ích và sẽ giúp chị em chuẩn bị tâm lý tốt nhất cho mọi tình huống.