"Sống thử" là cụm từ được sử dụng một cách phổ biến trong những năm gần đây bởi Báo giới truyền thông Việt Nam chỉ tình trạng các cặp đôi có mối quan hệ tình cảm nam nữ yêu đương sống với nhau như vợ chồng dù chưa có chứng nhận đăng ký kết hôn hợp pháp hay tổ chức lễ cưới.
Sống thử hay sống thử tiền hôn nhân nhưng không phải là "hôn nhân thật" bởi liệu có phải ai cũng sẽ kết hôn cùng người mà mình đã sống thử không, câu trả lời là không, không phải tất cả các cặp đôi đã sống thử đều đi đến một đám cưới viên mãn. Có rất nhiều cặp đôi chia tay nhau sau thời gian sống thử, điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sau này không riêng một ai.
Theo ý kiến của nhiều người, xã hội ngày nay đã hiện đại và phóng khoáng hơn nên sống thử cũng không phải là vấn đề đáng nói. Nhưng sống thử chỉ là thử hay đã là thật?
Tất nhiên là thật, chỉ có điều chẳng có giấy tờ hay bất cứ thứ gì công nhận đó là điều hợp pháp hay còn được gọi bởi một khái niệm "Chung sống như vợ chồng phi hôn nhân".
Các cặp đôi đó đã sống với nhau một cuộc sống như vợ chồng, tất cả mọi thứ đều là thật vì sau này nếu lỡ không tiếp tục cùng đi với nhau đến hôn nhân thật thì họ cũng đâu thể trở lại thời gian trước và tất cả mọi thứ đều không thể xem như chưa có gì xảy ra hay quá khứ có thể gỡ bỏ.
Đúng là sẽ có thể làm lại từ đầu nhưng không có nghĩa việc đó chưa từng tồn tại, đó đã là một thực tế không thể chối bỏ.
Tình trạng sống thử ở giới trẻ hiện nay rất nhiều, nguyên nhân dẫn đến cũng có nhiều khía cạnh. Các bạn trẻ muốn sống thử đôi khi do gia đình ba mẹ không hạnh phúc khiến bạn trẻ sợ hôn nhân, sợ sự ràng buộc pháp lí và nghĩ cứ ở vậy thôi khi nào hết thương thì dừng lại không có gì phức tạp. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân từ xã hội với "lối sống Tây" hay "Cách mạng tình dục" phương Tây đã du nhập vào khoảng năm 1970 để bạn trẻ suy nghĩ "thoáng" hơn.
Cũng không thể không kể đến lí do chủ quan từ chính họ, nếu không muốn thì cũng không ai có thể ép buộc được việc sống thử, nhưng do suy nghĩ phóng khoáng bốc đồng đó đã dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Các bạn chỉ nghĩ đơn giản rằng mình yêu rồi sống hết mình với tình yêu, lúc nào cũng muốn ở cạnh đối phương và trao đi tất cả những gì tốt nhất.
Hơn nữa, bạn trẻ còn cho rằng sống thử như vậy mới dễ dàng nhận ra đối phương có thực sự chân thành, có phải là người tốt thật hay không, có rất nhiều bạn dựa vào tâm lí đó để "góp gạo thổi cơm chung". Suy nghĩ của tuổi trẻ "thích thử", nếu không thử thì sao biết được sau này sẽ thế nào.
Đã có nhiều người ủng hộ việc sống thử với lí do bây giờ cuộc sống phát triển, công nghệ phát triển, văn hóa phương Tây tràn vào, nếu đòi hỏi các bạn trẻ cứ thế nhìn nhau... “yêu chay” như thế hệ ông bà bố mẹ khi xưa thì đâu có “lọt tai” mấy bạn ấy.
Tuy nhiên theo chia sẻ từ Tiến sĩ triết học, chuyên gia nghiên cứu gia đình trẻ và trẻ em Nguyễn Linh Khiếu cho rằng không nên sử dụng cụm từ này bởi lẽ không có khái niệm nào là "thử sống" cả nên đã sống là sống thật chứ không "thử". Các bạn đã chung sống với nhau như vợ chồng nghĩa là cuộc sống thực tế, mọi chuyện diễn ra là thật dù là tình cảm, tình dục hay chuyện tiền bạc nhưng lại chẳng ai có trách nhiệm giống như mối quan hệ hôn nhân thực thụ mà "thích thì ở chán thì chia tay".
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sống thử có nhiều hệ lụy, không chỉ riêng bạn nữ mà cả bạn nam đều sẽ bị ảnh hưởng về cuộc sống sau này nhưng có lẽ ai cũng sẽ nhận ra một thực tế rằng bạn nữ sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đặc biệt là sức khỏe sinh sản.
Bạn sống thử nhưng chuyện tình dục là thật, nếu kiến thức từ giáo dục giới tính không đủ để bạn tự đảm bảo an toàn cho bản thân thì không chỉ việc nạo phá thai mà còn có nguy cơ mắc phải bệnh truyền nhiễm qua con đường tình dục. Đó sẽ là hậu quả rất đáng tiếc, từ đó tâm lý bạn cũng sẽ gặp phải vấn đề bởi không phải ai cũng đủ năng lượng tích cực tự thoát ra khỏi lỗi lầm trong quá khứ, đã có nhiều minh chứng rõ ràng từ vấn đề này. Có những người phá thai nhiều lần hoặc uống thuốc tránh thai quá nhiều dẫn đến vô sinh sau này thậm chí điều đáng tiếc nhất chính là tự tử để giải thoát bỏ lại cả tuổi trẻ.
Quan điểm "sống thử" có lẽ còn gây tranh cãi nhiều, có nhiều luồng ý kiến trái chiều nhưng thật sự bạn trẻ có thể đi theo "tiếng gọi con tim" nếu bạn cảm thấy mình có đủ trách nhiệm với những hậu quả sau đó. Các bạn có chắc chắn sẽ đủ tình yêu và bao dung để biến việc sống thử thành thật với tờ giấy hôn thú có tên cả 2 người không. Bạn nam có dám chịu trách nhiệm đem lại cho bạn gái cuộc hôn nhân thật sự sau khi "lỡ" có em bé hay không hay bạn gái có đủ khả năng làm mẹ đơn thân nếu như đối phương chối bỏ hay không. Bạn trẻ có nghĩ đến việc sau này những đứa con nhỏ của mình với tờ giấy khai sinh không có tên cha, đi học bị bạn bè trêu chọc rồi dẫn đến tâm lý không tích cực hay không.
Vậy nên trước khi quyết định sống thử bạn trẻ cần suy nghĩ thật kỹ về trách nhiệm của bản thân mình, nhất là bạn gái hãy lý trí và mong rằng các bạn đủ chín chắn để có một tương lai thật tốt đẹp vì các bạn còn tuổi trẻ, vẫn chính là tương lai của đất nước, của xã hội.