Phụ Nữ Sức Khỏe

Sở Y tế TP.HCM họp bàn phương án ứng phó dịch đậu mùa khỉ

Sau khuyến cáo từ WHO và Bộ Y tế về bệnh đậu mùa khỉ, Sở Y tế TP.HCM đẩy mạnh truyền thông đến người dân, đồng thời xây dựng kế hoạch ứng phó trình lên UBND TP.HCM.

Trong cuộc họp giao ban của Sở Y tế TP.HCM sáng 25/7, lãnh đạo sở và các bộ phận chuyên môn họp bàn phương án giám sát, chẩn đoán, sàng lọc, cách ly, điều trị khi phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ.

Sở Y tế TP.HCM cho biết trước mắt cần đẩy mạnh truyền thông giúp người dân nắm các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ để thăm khám kịp thời, đồng thời xây dựng kế hoạch ứng phó trình lên UBND TP.HCM.

Tại cửa khẩu, những người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải được giám sát thân nhiệt (qua máy đo) và triệu chứng nghi ngờ để kịp thời phát hiện sớm trường hợp có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Những người nhập cảnh sẽ được bộ phận kiểm dịch y tế, nhân viên y tế khai thác tiền sử di chuyển, tiếp xúc động vật hoang dã, kể cả thịt, mẫu và các bộ phận của chúng; tiếp xúc gần với người nghi ngờ hoặc xác định bệnh... trong vòng 21 ngày.

Dịch đậu mùa khỉ lan nhanh ở nhiều nước. Ảnh: Reuters.

Những người có nguy cơ cao được lấy mẫu xét nghiệm để xác định bệnh. Nếu có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh đậu mùa khỉ, người bệnh sẽ được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) sẽ điều tra trường hợp có tiếp xúc gần với người bệnh để lập danh sách, theo dõi giám sát theo quy định.

Hiện tại, Việt Nam chưa ghi nhận bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. Tuy vậy, trong bối cảnh dịch có xu hướng gia tăng tại nhiều nước, bắt đầu xuất hiện ở một số quốc gia châu Á, việc đưa ra biện pháp phòng ngừa và chủ động kế hoạch ứng phó là điều cần thiết.

Hướng dẫn của Bộ Y tế cho biết biểu hiện triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như đậu mùa, các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.

Bệnh đậu mùa khỉ thường có triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa, có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần; tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài 2-3 tuần. Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch.

Các triệu chứng thường thấy của bệnh đậu mùa khỉ là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban. Ảnh: CBC.

Hiện chưa xác định tình trạng người nhiễm virus đậu mùa khỉ không triệu chứng. Thời gian ủ bệnh 5-21 ngày. Thời gian người bệnh có thể lây nhiễm cho người khác là từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên đến khi tất cả các lớp vảy trên các vị trí phát ban bong tróc hết.

Các biến chứng có thể gồm nhiễm trùng thứ phát, viêm phế quản phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực. Bệnh có tỷ lệ tử vong dao động từ 0-11%.

Đậu mùa khỉ ở người lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Qui, Phó trưởng khoa - Điều hành khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ thường tự hết mà không cần điều trị.

Điều quan trọng là cần chăm sóc nốt ban bằng cách để chúng tự khô, hoặc băng lại bằng gạc ẩm để bảo vệ vùng bị tổn thương nếu cần thiết. Người bệnh cần được cách ly và các trường hợp nghiêm trọng phải nhập viện để điều trị.

Từ 1/1/2022 đến ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại 75 quốc gia ở tất cả 6 khu vực của WHO.

Ngày 23/7/2022, Tổng giám đốc WHO công bố đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay đáp ứng các tiêu chí đánh giá tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế theo Điều lệ Y tế quốc tế do tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng.

Nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ là ở mức trung bình trên toàn cầu, riêng khu vực châu Âu là ở mức nguy cơ cao. Nhiều thông tin về bệnh cần được nghiên cứu và tìm hiểu thêm, đặc biệt là về phương thức lây truyền của virus.

Ngày 24/7/2022, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp trực tuyến do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì với sự tham dự của các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Sở Y tế một số thành phố lớn, Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ đánh giá tình hình dịch bệnh và thống nhất các giải pháp trong thời gian tới.

Theo Lê Vy/ Zing News

Tin liên quan

Gia tăng bệnh nhân mắc cúm A, người dân nên tiêm vaccine phòng bệnh

Những ngày qua, tại nhiều cơ sở y tế ghi nhận sự gia tăng bất thường số lượng bệnh nhân...

Giảm bớt lo lắng trong vài phút với thủ thuật chánh niệm 54321

Khi bạn cảm thấy hoảng loạn, hãy thử thủ thuật 54321, được các nhà tâm lý học tư vấn.

Mẹo trị ngứa khi bị côn trùng cắn không để lại sẹo tại nhà

Cái nóng mùa hè thu hút nhiều côn trùng đến nhà và môi trường xung quanh của chúng ta hơn,...

Bộ Y tế họp hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đậu mùa khỉ

Sáng 26/7, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế họp thẩm định "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị...

Căn bệnh khiến Hà Tăng ngày càng gầy, có nguy cơ biến chứng cao, nhiều người dễ mắc phải

Mới đây, Hà Tăng đã tiết lộ bệnh tình của mình khiến không ít fans lo lắng. Thời điểm trước...

Thời điểm nên đi ngủ để giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim

Một nghiên cứu đã chỉ ra chính xác thời điểm tốt nhất để bạn đi ngủ, giúp sức khỏe tim...

Bị cảm lạnh 'tăng khả năng miễn dịch của bạn chống lại Covid'?

Một nghiên cứu đã tiết lộ, việc mắc bệnh cảm lạnh sẽ làm tăng khả năng miễn dịch Covid của...

Tin mới nhất

Cách làm cơm gà Hội An nhanh, dễ lại ngon vô cùng

5 giờ trước

Quen thuộc ngay trong vườn nhà lại được ví là loại 'rau thuốc', tốt cho sức khỏe, được người Nhật...

10 giờ trước

Một loại quả ăn vỏ còn tốt hơn ruột nhưng nhiều người vẫn không biết mà vứt bỏ: Là "thuốc"...

10 giờ trước

Cách làm kem cốm dẻo mịn thơm mát giải nhiệt ngày nóng

10 giờ trước

Bánh mì phomai ngon đúng điệu cả nhà đều thích

10 giờ trước

Ăn chuối để vui vẻ và khỏe tim?

17 giờ trước

Xào thịt bò lúc dầu nóng hay lạnh, nhiều người làm sai khiến thịt bò dai nhách, kém ngon

17 giờ trước

Cách làm gỏi dưa leo thanh mát giải nhiệt cho mùa hè

17 giờ trước

Ngâm mộc nhĩ bằng nước nóng hay lạnh, nhiều người làm sai khiến món ăn mất chất, 'ngậm' độc tố

1 ngày 6 giờ trước

Tin Phụ Nữ Và Gia Đình