Chuyên gia dinh dưỡng Javier Won từ Bệnh viện Cộng đồng Sengkang (Singapore) đánh giá: “Quan điểm trà tốt cho sức khỏe hơn cà phê không chính xác. Khi so sánh với cà phê và nước tăng lực, trà chứa ít caffeine hơn. Tuy nhiên, ngoài sự khác biệt về hàm lượng caffeine, cả hai loại đồ uống này đều không có nhiều calo. Loại nào tốt hay xấu còn phụ thuộc vào các thành phần bổ sung được thêm vào khi bạn thưởng thức”.
Vì vậy, theo vị chuyên gia trên, mọi người nên uống có chừng mực cả trà và cà phê vì hấp thụ quá nhiều caffeine có thể gây mất ngủ, bồn chồn, nhịp tim tăng cao hoặc kích ứng đường tiêu hóa.
“Trà còn chứa tannin liên kết với chất sắt có trong thức ăn của chúng ta, khiến đường tiêu hóa có ít chất sắt hơn để hấp thụ. Do đó, người lớn thường được khuyến nghị uống không quá 3 tách trà mỗi ngày”, chuyên gia Won giải thích.
Bạn có thể thưởng thức trà thảo mộc chứa ít hoặc không chứa caffeine. Loại nước này đượcchế biến từ rễ, lá, hoa và các thành phần của nhiều loại cây như hoa cúc, bạc hà.
Tác dụng của trà
Theo Healthxchange, trà rất giàu polyphenol như flavonol, theaflavin và catechin có khả năng chống oxy hóa.
Những polyphenol này không chỉ góp phần tạo nên hương vị và mùi thơm đặc trưng của trà mà còn có thể tăng cường sức khỏe như giảm lượng cholesterol, lượng đường và giảm huyết áp.
Trà nguyên chất không chứa bất kỳ calo nào. Bạn hãy lưu ý đến các yếu tố bổ sung trong trà như sữa, đường hoặc trân châu Những thành phần này làm tăng đáng kể hàm lượng calo trong đồ uống và có thể gây tăng cân.
Tác dụng của cà phê
“Bằng chứng tổng thể cho thấy cà phê có có nhiều lợi ích hơn tác hại đối với sức khỏe. Hầu hết mọi người có thể uống cà phê ở mức độ vừa phải”, Tiến sĩ Frank Hu, Trưởng khoa Dinh dưỡng tại Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan (Mỹ), cho hay.
Tiến sĩ Hu cho biết, khoảng 2-5 tách cà phê mỗi ngày có liên quan đến giảm khả năng mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim, ung thư gan và nội mạc tử cung, bệnh Parkinson, trầm cảm. Hạt cà phê rất giàu chất chống oxy hóa bảo vệ tế bào. Ngoài ra, các hợp chất phenol có trong cà phê cũng bảo vệ cơ thể khỏi stress oxy hóa cũng như viêm nhiễm.
Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều cà phê dễ gây mất nước, ảnh hưởng tới giấc ngủ nếu bạn dùng vào cuối ngày.
Cà phê cũng có thể ảnh hưởng đến huyết áp phụ thuộc vào lượng bạn uống và đặc điểm di truyền. Mỗi người có khuynh hướng chuyển hóa caffeine nhanh chậm khác nhau. Những người chuyển hóa chậm dễ gặp những tác động tiêu cực, chẳng hạn như tăng huyết áp, ngay cả khi uống ít cà phê.