Các bác sĩ đã khuyên cha mẹ cô nên chấm dứt thai kỳ ở tuần thứ 20 sau khi phát hiện ra tình trạng phức tạp của thai nhi. Nhưng họ từ chối. Họ muốn cho đứa con chưa chào đời của mình có một cơ hội "chiến đấu". Và Amy Roberts đã chào đời với một nửa trái tim hoạt động. Tình trạng tim của Amy là một khiếm khuyết hiếm gặp với phía bên phải của tim nhỏ và kém phát triển, nguồn cung cấp máu đi về phía bên trái. Đó thực sự là một cú sốc đối với cha mẹ cô.
Amy đã trải qua ba cuộc phẫu thuật tim khi còn nhỏ. Ca phẫu thuật đầu tiên diễn ra khi cô mới 5 ngày tuổi. Bác sĩ đã phải đặt một ống thông tim vào tĩnh mạch chính để cô được sống. Sau đó, Amy đã trải qua các cuộc phẫu thuật phức tạp hơn khi lên 2 và 7 tuổi để giữ cho trái tim hoạt động. Mặc dù ghét thể dục ở trường nhưng Amy vẫn thực hiện để giúp củng cố sức khỏe trái tim của mình. Cuối cùng, cô đã được đền đáp.
Ở tuổi 22, cô được biết đến là người sống lâu nhất với một nửa trái tim ở Anh. Và kể từ khi tham gia tập luyện ở một phòng tập thể dục từ 4 năm trước, chức năng tim của cô đã được cải thiện đáng kể. Các bác sĩ thông báo rằng cô không cần cấy ghép tim ở thời điểm hiện tại.
"Các bác sĩ nói rằng nếu sống sót, tôi sẽ cần cấy ghép vào đầu những năm 20 tuổi. Nhưng trong lần kiểm tra vừa qua, bác sĩ nói rằng chức năng tim của tôi đã tốt và khỏe mạnh hơn nhiều. Họ nói rằng tôi có thể không cần ghép tim cho đến khi 40 tuổi. Đó là một tin tuyệt vời", Amy Roberts, đến từ Worsley, Greater Manchester (Hoa Kỳ), cho biết:.
"Tôi bắt đầu tập thể dục khi 18 tuổi, vì tôi rất ốm yếu vào thời điểm đó. Lúc đầu, tôi không thể nâng tạ, nhưng tôi bắt đầu từ từ. Bây giờ tôi cảm thấy rất tuyệt", cô nói thêm.
Cô nói: "Bây giờ tôi tập luyện năm lần một tuần và tôi là một huấn luyện viên cá nhân. Tôi rất vui vì tôi đã xây dựng được sức mạnh của mình như thế này - nó đã cho tôi một cuộc sống mới".
Một phát ngôn viên của Tiny Tickers - tổ chức từ thiện dành cho trẻ sơ sinh bị bệnh tim, cho biết: "Amy đang làm rất tốt bởi hầu hết bệnh nhân mắc bệnh này không sống sót sau tuổi thiếu niên".
Người mắc bệnh tim nên tập thể dục như thế nào?
Một chế độ nghỉ ngơi và thư giãn ổn định sẽ rất tốt cho người mắc bệnh tim, nhưng duy trì hoạt động cũng là điều cần thiết cho tim và sức khỏe tổng thể. Elijah Behr, bác sĩ tim mạch tại Mayo Clinic Healthcare ở London, giải thích: "Ngay cả ở những bệnh nhân có trái tim bị tổn thương khá nhiều gây suy tim thì tập thể dục có thể rất quan trọng để cải thiện chất lượng cuộc sống".
"Bệnh nhân bị bệnh tim có thể thực hiện các bài tập tim mạch và thực sự điều này rất tốt cho sức khỏe của họ. Tuy nhiên, cường độ và thời gian của bài tập phải được điều chỉnh cho phù hợp với tình trạng của mỗi người", Tiến sĩ Behr nói.
"Nói chung, tốt nhất nên tránh các môn thể thao cường độ cao, sức bền hoặc cạnh tranh và nên tập luyện theo lời khuyên của bác sĩ tim mạch. Nếu bệnh nhân bị đau ngực, khó thở, đánh trống ngực hoặc chóng mặt trong khi tập thể dục thì nên ngừng tập ngay lập tức và tìm kiếm sự trợ giúp y tế", ông nói thêm.
Những người bị bệnh tim nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào. Dưới đây là một số bài thể dục thường được khuyến nghị cho người bệnh tim, nhưng phải được sự đồng ý của bác sĩ:
- Đi bộ: Đi bộ là một hoạt động nhẹ nhàng, có thể điều chỉnh tốc độ phù hợp với khả năng của mỗi người.
- Đạp xe đạp: Tập luyện trên xe đạp tĩnh hoặc đi xe đạp ngoài trời ở cường độ thấp đến trung bình giúp tăng cường sức khỏe tim mạch mà không gây áp lực lớn lên các khớp.
- Bơi lội: Bơi lội giảm áp lực lên khớp và là một cách tốt để tăng cường sức khỏe tim mạch.
- Yoga nhẹ: Yoga có thể giúp giảm căng thẳng, cải thiện sự linh hoạt và cải thiện sức khỏe tim mạch.
- Tập luyện cường độ thấp: Các bài tập cường độ thấp như pilates hoặc tập luyện với bóng có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể mà không làm tăng quá mức nhịp tim.
- Tập luyện sức đề kháng nhẹ: Sử dụng trọng lượng cơ thể hoặc dụng cụ tập luyện nhẹ nhàng để xây dựng sức mạnh cơ bắp mà không gây áp lực lớn lên tim.