Dị dạng thận hiếm gặp
Bệnh nhân nữ, 45 tuổi (quê ở Hải Dương), đi khám do mệt mỏi không rõ nguyên nhân, ngủ không sâu giấc. Bác sĩ tư vấn bệnh nhân làm các kiểm tra cơ bản gồm siêu âm ổ bụng, xét nghiệm huyết học và sinh hóa máu cơ bản.
Kết quả khám cho thấy ngoại trừ chỉ số Triglyceride (mỡ máu) tăng nhẹ, còn lại tất các chỉ số xét nghiệm đều nằm trong giới hạn bình thường.
Thực hiện siêu âm ổ bụng nhằm đánh giá, kiểm tra những tổn thương các cơ quan trong ổ bụng như: gan, mật, tụy, lách, thận, bàng quang, tử cung, buồng trứng… Đối với bệnh nhân này, siêu âm ổ bụng có hình ảnh theo dõi thận phải lạc vị trí tại hố chậu trái, chưa loại trừ thận đôi bên trái.
Bệnh nhân được chỉ định chụp CT ổ bụng, chẩn đoán xác định bất thường giải phẫu dạng thận Sigma bên trái.
ThS.BS Lê Quỳnh Sơn - Chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Medlatec chia sẻ, bệnh nhân được chẩn đoán thận móng ngựa (Horseshoe kidney), là một dị tật bẩm sinh ở thận, tỷ lệ mắc 1/400-1/500, tỷ lệ mắc ở nam/nữ là 2/1.
Thận móng ngựa gồm 6 thể, trong đó thận sigma là thể ít gặp của thận móng ngựa. Đối với bệnh nhân này, thận sigma có tình trạng cực trên và cực dưới của 2 thận bị dính vào nhau tạo thành hình móng ngựa (dị tật bẩm sinh).
PGS.TS.BS Nguyễn Đình Tuấn, Nguyên Chủ nhiệm Khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết đa số các trường hợp thận móng ngựa không có triệu chứng, bệnh nhân thường vô tình phát hiện ra bệnh khi đi khám.
Đối với bệnh nhân 45 tuổi kể trên, kết quả kiểm tra cho thấy hai thận lệch sang trái, đài thận, bể thận, niệu quản hai bên còn đầy đủ và bệnh nhân không có triệu chứng bất thường về tiết niệu. Hiện, chức năng thận của bệnh nhân vẫn bình thường nên chưa gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý một số dấu hiệu có thể cảnh báo thận móng ngựa người dân cần cảnh giác như: Nóng rát, đau khi đi tiểu, đi tiểu nhiều lần, tiểu máu, đau mạn sườn, trào ngược niệu quản, nôn, sốt, đau bụng dai dẳng. Khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu này, người dân cần đi khám ngay để được chẩn đoán kịp thời, từ đó có biện pháp điều trị nội khoa, thậm chí là phẫu thuật kịp thời, tránh gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Thận móng ngựa liệu có nguy hiểm?
BSCKI. Hồ Mạnh Linh - Chuyên khoa Thận tiết niệu, Giám đốc chuyên môn Phòng khám Đa khoa Medlatec cơ sở 3 cho biết thận móng ngựa là dị tật bẩm do những bất thường phân chia tại vỏ thận ở tuần thứ 6 của thai kỳ.
Bác sĩ cũng cho biết thêm, theo báo cáo khoa học về bệnh lý thận móng ngựa trên thế giới, khi mắc thận móng ngựa, người bệnh cần cảnh giác với một số bệnh lý, biến chứng đi kèm như:
- Hẹp khúc nối bể thận niệu quản gây ứ nước, sỏi thận chiếm tỷ lệ 35%;
- Sỏi thận chiếm tỷ lệ 20 - 60%;
- Trào ngược niệu quản - bàng quang chiếm 10%;
- Tử cung đôi chiếm 7%;
- Tinh hoàn ẩn, lỗ tiểu đóng thấp chiếm 4%;
- Viêm thận bể thận chiếm 2%;
- U thận chiếm dưới 1%.
BS Linh lưu ý những trường hợp được chẩn đoán dị dạng thận móng ngựa cần lưu ý theo dõi, điều trị như sau:
- Đối với người có biến dạng về giải phẫu liên quan tới vỏ thận, chức năng thận sẽ không bị ảnh hưởng. Do vậy, bệnh nhân được khuyến cáo theo dõi và kiểm tra sức khoẻ định kỳ.
- Thận móng ngựa là dị tận bẩm sinh không có thuốc điều trị dự phòng. Tuy nhiên, các bất thường về giải phẫu thận sẽ ảnh hưởng tới đường đi của niệu quản nên dễ gây tắc nghẽn, hình thành sỏi. Do đó, người bệnh cần theo dõi, kiểm tra định kỳ bằng siêu âm và X-quang.