Đầu tháng 12, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 3 trẻ mới được hơn 1 tháng tuổi nhập viện do xuất huyết não. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là thiếu vitamin K. Những trường hợp này đã cảnh báo về sự nguy hiểm khi trẻ sinh ra không được tiêm hoặc uống vitamin K ngay.
Theo các chuyên gia, Vitamin K có thể giúp giảm chứng chảy máu trong một vài trường hợp như bệnh gan, mắc chứng kém hấp thụ hoặc dùng kháng sinh trong thời gian dài.
Vai trò chính của vitamin K là giúp cho quá trình đông máu diễn ra tốt và hạn chế lượng máu bị mất khi bị thương. Nếu cơ thể bị thiếu hụt vitamin K, máu sẽ không thể đông được và điều này có thể dẫn đến tử vong.
Để tìm hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của thiếu hụt vitamin K với trẻ sơ sinh cũng như biện pháp phòng tránh, dưới đây TS.BS Lê Minh Trác – Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, bệnh viện Phụ sản Trung Ương sẽ có những chia sẻ chi tiết hơn:
Nguyên nhân trẻ sơ sinh thiếu hụt vitamin K
Nguyên nhân trẻ bị thiếu hụt vitamin K liên quan đến thuốc của người mẹ dùng như thuốc kháng lao, thuốc chống động kinh,… Ngoài ra, mẹ đẻ khó, ngôi thai bất lợi, khung chậu hẹp, thời gian chuyển dạ kéo dài cũng có thể gây ra hiện tượng xuất huyết ở đứa trẻ, một phần liên quan đến thiếu hụt vitamin K.
Bên cạnh đó, trong thời kỳ mang thai, vitamin K được truyền qua nhau thai. Khi trẻ chào đời, vitamin K sẽ được vi khuẩn ở đường tiêu hóa tổng hợp. Sau đó, trẻ hấp thu vitamin K được tổng hợp từ vi khuẩn và chuyển hóa thành yếu tố đông máu cho trẻ, gọi là yếu tố phụ thuộc Prothrombin II, V, VII, X.
Tuy nhiên, trong thời gian sơ sinh, vi khuẩn chí (vi khuẩn có lợi cho đường tiêu hóa) ở đường tiêu hóa của trẻ chưa đầy đủ nên trẻ thường bị thiếu hụt vitamin K.
Đối tượng trẻ có nguy cơ cao thiếu hụt vitamin K
Vitamin K được tìm thấy trong thiên nhiên có ở các loại rau lá xanh, thịt, cá, trai, ốc,… và được tổng hợp từ vi khuẩn đường ruột. Người bình thường, vi khuẩn chí phát triển bình thường sẽ tổng hợp đầy đủ vitamin K. Tuy nhiên, với những đối tượng trẻ sau sẽ có nguy cơ thiếu hụt vitamin K cao:
- Trẻ sơ sinh vi khuẩn chí của đường ruột chưa đầy đủ.
- Những đứa trẻ sử dụng kháng sinh bừa bãi khiến hệ vi khuẩn đường ruột bị chết.
- Trẻ sơ sinh nhẹ cân thiếu tháng, suy dinh dưỡng bào thai.
Ảnh hưởng của thiếu hụt vitamin K đối với trẻ
Thiếu hụt vitamin K gây rối loạn đông máu, có thể gây ra hiện tượng xuất huyết. Trong đó, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết da không đáng ngại nhưng xuất huyết phổi, đặc biệt xuất huyết não rất nguy hiểm cho trẻ.
Hậu quả của xuất huyết não thường gặp là tử vong hoặc gây di chứng não úng thủy, bại não, tàn tật vĩnh viễn nếu cứu được trẻ.
Phòng tránh thiếu hụt vitamin K cho trẻ
Tỷ lệ trẻ thiếu hụt vitamin K rất ít. Theo điều tra của Việt Nam từ 1995 -1999, ở Hà Tây (nay là Hà Nội) có 110-130/100 nghìn trẻ bị xuất huyết não do thiếu hụt vitamin K, tức là chỉ có 1/1000 trẻ bị. Vì vậy, cha mẹ không thể biết được nếu trẻ không có biến chứng, biểu hiện xuất huyết. Cách phòng tránh duy nhất là tiêm phòng đồng loạt.
Để phòng tránh thiếu hụt vitamin K, trong thời gian mang thai, bà mẹ nên được ăn uống đầy đủ thịt, cá, tôm, cua, ốc, ếch và rau xanh, hoa quả các loại cùng với chế độ nghỉ ngơi làm việc nhẹ nhàng, phù hợp.
Ngoài ra, tất cả trẻ sơ sinh nên dự phòng vitamin K bằng đường uống 3 lần hoặc đường tiêm bắp 1 lần ngay sau sinh.
Trẻ sơ sinh khuyến cáo tiêm bắp 100%. Đối với trẻ nặng trên 1,5kg, liều lượng là 1mg vitamin K, còn trẻ nặng dưới hoặc bằng 1,5kg, liều lượng bổ sung là 0,5mg vitamin K tiêm bắp.
Lời khuyên của bác sĩ
Bố mẹ không nên tự ý mua vitamin K bổ sung cho trẻ bởi bố mẹ không biết liều lượng như thế nào. Cách tốt nhất, bố mẹ nên tuân theo chỉ định của y tế và dùng thuốc có chỉ định của y tế.
Tất cả cơ sở y tế có sản khoa để đẻ trên toàn quốc đều có thể thực hiện tiêm bắp hoặc cho trẻ uống vitamin K. Trong trường hợp chưa có thuốc, bố mẹ hãy đến cơ sở Nhi khoa của bệnh viện tỉnh hoặc sản khoa của tỉnh. Những cơ sở này đều có thể triển khai dự phòng vitamin K cho trẻ.