Sau "ATM gạo", "siêu thị Hạnh Phúc" với giá bán 0 đồng chính thức khai trương ở đằng sau tòa nhà số 117 Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) vào ngày 13/4 để giúp đỡ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, không có thu nhập trong thời gian "cách ly toàn xã hội" theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng COVID-19.
Tại "siêu thị 0 đồng", những người thuộc diện được hỗ trợ sẽ xếp hàng lần lượt theo các ô được vẽ sẵn với khoảng cách 2m, ghi lại thông tin cá nhân gồm tên, địa chỉ. Sau đó người mua sẽ được chọn các mặt hàng nhu phẩm yếu trong siêu thị bày bán như: gạo, mì tôm, áo quần, dầu ăn, nước mắm, mì chính, thuốc, sách, quần áo... với tổng giá trị không quá 100.000 đồng và được thanh toán với giá 0 đồng cho một lần mua sắm.
Được biết, siêu thị được mở cửa từ 8h đến 17h hàng ngày với câu nói quen thuộc tại các địa điểm từ thiện trên địa bàn Thủ đô: "Nếu bạn khó khăn hãy lấy những gì mình cần. Nếu bạn đủ đầy, xin nhường người khó khăn". Ngoài Hà Nội, còn có 7 "siêu thị 0 đồng" khác cũng vừa được triển khai trên cả nước như Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Dương, Huế, Thái Nguyên, Phú Yên và sắp tới triển khai thêm ở Ninh Thuận, Bình Thuận và Yên Bái.
Theo chia sẻ của đại diện đơn vị tổ chức, "siêu thị 0 đồng này" được một đơn vị tài trợ 6 tỷ đồng, đang lưu trữ hơn 5 tấn gạo và các nhu phẩm yếu khác trên 8 tỉnh thành. Mô hình này sẽ kéo dài thời gian hoạt động xuyên suốt trong thời gian dịch bệnh COVID-19 và sẽ tiếp tục duy trì sau khi hết dịch để đưa "siêu thị Hạnh Phúc" này là điểm đến cho những người khó khăn trong cuộc sống.
Cô Lê Thị Chắt (65 tuổi) kiếm sống qua ngày bằng nghề bán đồng nát cảm thấy rất vui sau khi tham gia "siêu thị Hạnh Phúc". "Tôi ở Hà Nội một mình và kiếm sống bằng nghề bán đồng nát. Do COVID-19, trong những ngày gần đây tôi không có tiền trang trải cuộc sống. Rất may được các bác ở đường giới thiệu đến đây và tôi lấy gạo, mỳ tôm, trứng... Số lương thực này sẽ giúp tôi không đói trong cả tháng sắp tới, rất các ơn các em", người này nói.
Cô Ngô Thị Thoan (52 tuổi) cầm được tờ rơi người khác đưa cho đã vội đến đây để nhận quà trong lúc khó khăn này. "Tôi làm nghề chở học sinh đi học, chồng tôi làm nghề đánh giày thôi giờ đang phải nuôi 2 đứa ăn học. Học sinh nghỉ học nên tôi cũng không kiếm được tiền, rất may có siêu thị và tôi xin cảm ơn những tấm lòng hảo tâm đã giúp đỡ gia đình tôi trong lúc khó khăn này", cô Thoan chia sẻ.
Sau "ATM gạo", "siêu thị 0 đồng" chính thức được khai trương tại Hà Nội từ ngày 13/4 để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong những ngày "cách ly toàn xã hội" phòng COVID-19.Câu nói quen thuộc tại các điểm từ thiện: "Nếu bạn khó khăn hãy lấy những gì mình cần. Nếu bạn đủ đầy, xin nhường người khó khăn".
Những người đến đây được hướng dẫn đứng cách xa 2m, điều này góp phần hạn chế tiêp xúc, lây lan COVID-19.
Được biết, nhiều người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn biết đến "siêu thị 0 đồng" qua những tờ rơi.
Mọi người đến đây được hướng dẫn rửa tay khử khuẩn trước khi đi siêu thị.
Những người đến đây cung cấp thông tin theo chứng minh thư (hoặc thẻ căn cước).
Sau đó sẽ được chọn 5 sản phẩm khác nhau như: gạo, mì tôm, áo quần, dầu ăn, nước mắm, mì chính, thuốc... với tổng giá trị không quá 100.000 đồng và được thanh toán với giá 0 đồng.
Siêu thị dự kiến sẽ hỗ trợ người nghèo, những người khó khăn vì COVID-19 trong khoảng thời gian 3 tháng.
Đặc biệt trong siêu thị có mặt hàng như quần áo và sách... với mong muốn sẽ đầy đủ trong cả việc ăn mặc, tri thức sẽ giúp thay đổi tư duy cho người nghèo để làm giàu, vượt khó...
Ngoài Hà Nội, còn có 7 "siêu thị 0 đồng" khác cũng vừa được triển khai trên cả nước như Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Dương, Huế, Thái Nguyên, Phú Yên và sắp tới triển khai thêm ở Ninh Thuận, Bình Thuận và Yên Bái.
Niềm vui của những người có hoàn cảnh khó khăn, không có thu nhập sau khi tham gia "siêu thị 0 đồng".
Tuy thời tiết mưa lạnh ở Hà Nội nhưng "siêu thị 0 đồng" đã phục vụ được gần 100 người trong ngày đầu tiên.
Gần 100 người được hỗ trợ trong ngày đầu tiên khai trương siêu thị.
Dịch bệnh kéo dài, thực hiện "cách ly toàn xã hội" khiến những người lao động phổ thông, những người có việc làm không ổn định mất nguồn thu nhập khiến việc duy trì cuộc sống hàng ngày trở nên khó khăn hơn.
"ATM gạo", "siêu thị 0 đồng" và các chương trình từ thiện khác sẽ giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vượt qua giai đoạn "cách ly toàn xã hội", phòng COVID-19 trên địa bàn Hà Nội.