Theo thông tin từ VTV, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn vừa tiếp nhận bệnh nhân bị chó cắn khoảng một năm trước đó. Sau khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng co giật, tiên lượng xấu.
Qua khai thác tiền sử người nhà cho biết, bệnh nhân nam 27 tuổi, tên là T.T.C., dân tộc Dao, có hộ khẩu thường trú tại huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, bị một con chó lạ cắn khoảng một năm trước, bệnh nhân không đi tiêm huyết thanh phòng bệnh dại.
Hơn 10 ngày trước đó, bệnh nhân xuống làm công tại một xưởng gỗ bóc thuộc phường Xuất Hoá, thành phố Bắc Kạn.
Ngày 25/9 bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, đau cơ, co giật, đến 21 giờ cùng ngày, thấy bệnh ngày càng nặng, chủ xưởng gỗ bóc đã đưa lên viện khám và nhập viện.
Sáng ngày 26/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các bác sĩ Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện điều tra và lấy mẫu xét nghiệm, chuyển mẫu đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm và chờ kết quả.
Dẫn tin từ báo Pháp luật Việt Nam, bệnh dại đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều địa phương, kể cả ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về bệnh dại.
Để phòng chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Cách phòng bệnh tốt nhất là phải tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
- Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.
- Diệt chó chạy rông, chó vô chủ.
- Không nên đùa nghịch, chọc phá các con vật nuôi.
- Khi bị chó, mèo cắn cần:
+ Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.
+ Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine (nếu có).
+ Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.
+ Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
+ Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa.
Trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh dại. Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được.