Điện thoại dường như đã trở thành một vật bất ly thân với mọi người. Có rất nhiều người có thói quen sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ hay ngay khi vừa mới thức dậy.
Thế nhưng liệu bạn có để ý rằng sau mỗi lần dán mắt hàng giờ vào màn hình điện thoại thì việc đi ngủ rất khó khăn không? Khoa học đã chứng minh việc sử dụng điện thoại vào buổi tối trước khi ngủ cực kỳ nguy hại.
Gây kích thích sự tỉnh táo
Bạn cho rằng xem điện thoại giải trí trước khi ngủ sẽ khiến bạn dễ ngủ hơn nhưng thực tế khi bạn chăm chú nhìn vào màn hình sáng khi ban đêm sẽ càng khiến bạn "không cảm thấy mệt mỏi để buồn ngủ". Trước khi đi ngủ, cơ thể bạn cần phải được nghỉ ngơi đúng cách. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với những hình ảnh giải trí sáng chói và vui nhộn khiến việc cơ thể cần nghỉ ngơi là không thể.
Cortisol là một hormome được giải phóng trong tuyến thượng thận có tác dụng đánh thức chúng ta dậy (giúp chuẩn bị trước những mối đe dọa lỡ có xảy ra trong đêm). Những trò chơi điện tử, những dòng bình luận trên Facebook, những mẩu note nhắc nhở trên iPad , ảnh trên Instagram,... tất cả những thứ xuất hiện trên màn hình thiết điện tử này kết hợp lại gây stress cho não bộ bạn.
Cơ thể bạn khi tiếp xúc với những thứ này, thay vì sản loại xuất hóoc môn melatonin - khiến bạn ngủ, nó sẽ giải phóng loại hooc môn cortisol. Do đó cơ thể sẽ không được nghỉ ngơi.
Ánh sáng từ điện thoại giảm sản xuất melatonin
Tuy nhiên, vấn đề không hẳn là sự kích thích tỉnh táo do các trò chơi hay mạng xã hội. Thứ thực sự gây ảnh hưởng tới bạn là là những ánh sáng xanh tỏa ra từ màn hình của những thiết bị đó.
Theo nhà nghiên cứu Brittany Woods để tạo ra ánh sáng trắng, những thiết bị phải tạo ra những tia sóng ánh sáng ngắn nhiều màu (gồm 3 gam chính Đỏ - Xanh lục – Xanh lam). Cụ thể, những tia sáng xanh lam tỏa ra màn hình thiết bị điện tử sẽ làm hạn chế, ngăn chặn sự tiết hormone melatonin trong cơ thể dẫn đến giảm chất lượng và thời gian giấc ngủ của bạn. Điều này rất đáng lo ngại ở những đối tượng trong độ tuổi thanh thiếu niên, vị thành niên bởi bản thân họ thường đã thức đêm rất muộn.
Nói dễ hiểu hơn, sau hàng triệu năm tiến hóa phát triển, cơ thể con người đã thích ứng với việc "ánh sáng ấm đỏ của mặt trời lúc hoàng hôn là lúc phải ngủ, và ánh sáng xanh trắng chói của mặt trời lúc ban ngày báo hiệu việc thức dậy". Và khi phải tiếp xúc với ánh sáng xanh trắng từ điện thoại thì đồng nghĩa với việc não bộ sẽ coi đây là thời điểm phải tỉnh táo.
Mariana Figueiro - phó giáo sư tại Rensselaer và giám đốc Chương trình Ánh sáng và Sức khoẻ của LRC cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc tiếp xúc với ánh sáng từ thiết bị tự phát sáng trong vòng 2 giờ đồng sẽ làm giảm lượng melatonin sản sinh ra khoảng 22%”.
Sử dụng điện thoại ban đêm ảnh hưởng như thế nào?
Có thể bạn sẽ cảm thấy vì lý do công việc nên bắt buộc phải sử dụng và chỉ là cơn mất ngủ thì cũng sẽ không có vấn đề gì nghiêm trọng.
Nhưng bạn đã lầm. Sự gián đoạn trong nhịp sinh học của cơ thể (cụ thể là chu trình ngủ) làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và béo phì; nếu thói quen diễn ra trong nhiều năm liên tiếp nó sẽ còn dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng hơn như ung thư vú.
Ngoài ra, những chất độc thần kinh tích tụ trong cơ thể suốt cả ngày dài sẽ không được bài thải hiệu quả nếu như bạn không có một giấc ngủ ngon. Những chất độc thần kinh tồn đọng ở trong não khiến cho bạn mệt mỏi, làm giảm trí nhớ và sự tập trung. Đó là còn chưa kể đến việc hệ trao đổi chất của bạn cũng sẽ bị hủy hoại.
Làm cách nào để khắc phục?
Giải pháp tối ưu nhất vẫn là tắt hết điện thoại, máy tính và thay vào đó là đọc một quyển sách. Đọc sách không chỉ giúp bạn tăng thêm kiến thức mà còn khiến bạn dễ ngủ hơn rất nhiều.
Vì thế hãy tập dần thói quen không sử dụng điện thoại trước khi ngủ để có một cơ thể khỏe mạnh.