Tại chuyên khoa Da liễu - Bệnh viện Da liễu Trung ương, rụng tóc chiếm tới 15-20% bệnh nhân tới khám và điều trị.
Rụng tóc là gì?
Rụng tóc bao gồm rụng tóc sinh lý và rụng tóc bệnh lý. Theo kiểu hình rụng, sẽ chia làm 2 nhóm chính là rụng tóc có sẹo và rụng tóc không sẹo. Ngoài ra còn có một nhóm bệnh lý hiếm gặp hơn là rụng tóc do bệnh lý bất thường bẩm sinh.
Rụng tóc không sẹo là gì?
Rụng tóc không sẹo là quá trình làm giảm hoặc chậm sự phát triển của tóc mà không ảnh hưởng đến nang tóc. Rụng tóc không sẹo thường gặp trong thực hành lâm sàng bao gồm:
- Rụng tóc ở giai đoạn ngừng phát triển: Là trường hợp những bệnh nhân sau quá trình bệnh lý có hiện tượng rụng tóc như phụ nữ sau sinh , sau sốt xuất huyết , sau COVID-19 … Quá trình bệnh lý sẽ làm giảm nuôi dưỡng tóc từ đó dẫn đến tóc bị rụng.
- Rụng tóc mảng: Là trường hợp rụng tóc có từ kích thước lớn bằng đầu ngón tay cho tới cả đầu. Da đầu nhẵn bóng không thấy sợi tóc nào, bệnh nhân rất lo lắng vì sợ mất nang tóc. Nhưng bệnh lý này với các tổn thương nhỏ đáp ứng rất tốt với điều trị.
- Rụng tóc hói : Là bệnh lý da liễu liên quan đến thẩm mỹ. Đây là loại hay gặp nhất ở cả hai giới và thường mang tính chất gia đình.
Rụng tóc sẹo là gì?
Là khi rụng tóc ảnh hưởng đến nang lông dẫn tới những trường hợp tóc khó có thể mọc lại được.
Rụng tóc khi nào cần đi khám bác sĩ?
Nếu trung bình với một người bình thường có 100 nghìn sợi tóc trong đó có 100 sợi tóc rụng mỗi ngày. Khi số lượng tóc rụng từ 100-150 sợi tóc/ngày thì nên đi khám bác sĩ.
Vì sao bị rụng tóc?
Tất cả các lứa tuổi, đối tượng đều có nguy cơ rụng tóc. Tuy nhiên, các bệnh lý rụng tóc thường gặp ở nhóm đối tượng đặc trưng. Ví dụ như rụng tóc nấm da đầu thường gặp ở trẻ nhỏ trong nhà có vật nuôi (chó, mèo). Bệnh lý hói thường rơi vào nhóm đối tượng từ khoảng trên 30 tuổi (tiến triển từ khi có dậy thì). Rụng tóc sau những thay đổi sức khỏe cơ thể có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, đặc biệt là phụ nữ sau sinh.
Một số nguyên nhân có thể bao gồm:
- Cách chăm sóc tóc cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển, chất lượng của sợi tóc. Như thay đổi dầu gội, sản phẩm chăm sóc tóc không phù hợp với da dầu.
- Người bị rụng tóc có thể mắc một số bệnh lý cấp tính (ốm đau, phẫu thuật, mất máu…) hay các bệnh mạn tính (thiếu sắt do gan, thận…). Bệnh lý cơ thể mắc phải cũng có thể là nguyên nhân gây ra rụng tóc .
- Nhóm nguyên nhân nội tiết thường gây ra tình trạng rụng tóc, hói. Tuy nhiên nhóm nguyên nhân này khó phát hiện qua thăm khám lâm sàng.
Cách chữa rụng tóc
Có thể can thiệp điều trị là trường hợp rụng tóc không sẹo. Các bệnh nhân rụng tóc mảng có nhiều trường hợp tóc bị rụng cả da đầu nhưng vẫn có thể mọc lại được.
Đối với trường hợp rụng tóc giai đoạn ngừng phát triển, tình trạng rụng tóc diễn ra rất nhanh. Nếu để cơ thể tự hồi phục sẽ mất khoảng thời gian dài. Vì vậy trong trường hợp này cần bổ sung các chất dinh dưỡng bằng đường uống và đường tiêm hoặc dùng sản phẩm xịt bổ sung.
Trên thị trường hiện có nhiều quảng cáo về việc chữa rụng tóc . Tuy nhiên không có phương pháp nào là tốt nhất, phương pháp tốt nhất là phương pháp phù hợp nhất với từng cá thể bệnh nhân.
Có trường hợp bệnh nhân rụng tóc toàn bộ da đầu và được tư vấn phương pháp PRP (huyết tương giàu tiểu cầu). Tuy nhiên có những phương pháp chi phí thấp hơn nhiều như tiêm nội tổn thương triamcinolon đem lại hiệu quả rõ rệt hơn. Để chữa rụng tóc, không phải chi phí điều trị cao sẽ đem lại hiệu quả tốt. Điều trị đúng mới đem lại hiệu quả tốt. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: nguyên nhân, mức độ và tình trạng sức khỏe cụ thể của từng bệnh nhân, các bác sĩ sẽ đưa ra những liệu pháp điều trị rụng tóc, cũng như hói đầu phù hợp và hiệu quả nhất.