Bệnh rối loạn thần kinh thực vật là gì?
Hệ thần kinh thực vật là hệ thần kinh có tính chất tự động như: hoạt động của cơ quan tiêu hóa, hoạt động của các cơ quan hô hấp, hoạt động của tim, hiện tượng đổ mồ hôi... mà không do sự chi phối của não bộ và ý thức của con người.
Hệ thần kinh thực vật của con người gồm hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm. Hai hệ này có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Rối loạn thần kinh thực vật là sự mất cân bằng giữa 2 hệ thống thần kinh giao cảm và phó giao cảm.
Khi một trong hai hệ thống bị rối loạn sẽ dẫn đến hội chứng rối loạn hệ thần kinh thực vật. Bệnh tuy không gây tử vong nhưng khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh bị giảm đi đáng kể, gây khó chịu và khiến tâm lý thay đổi.
Triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật
Nhịp tim là yếu tố quan trọng nhất và được điều tiết bởi thần kinh tim - trực thuộc hệ thần kinh thực vật (không nằm trong tim) và hệ thống điện tim (bao gồm nút xoang và hệ thống dẫn truyền xung điện). Khi thần kinh chi phối nhịp tim bị rối loạn sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình dẫn truyền xung động, dẫn truyền tín hiệu điện trong tim và làm rối loạn nhịp tim.
Thông thường, bác sĩ chuyên khoa sẽ chẩn đoán bệnh rối loạn thần kinh thực vật dựa theo triệu chứng tiêu biểu của bệnh. Khi bị rối loạn thần kinh thực vật, người bệnh sẽ có những triệu chứng dưới đây:
Đánh trống ngực, hồi hộp
Đây là triệu chứng dễ nhận biết và thường gặp nhất. Người bệnh sẽ nhận thấy nhịp tim của mình nhanh bất thường, cảm giác như tim sắp nhảy ra khỏi lồng ngực, cảm giác hồi hộp… tình trạng này xảy ra liên tục dễ khiến người bệnh cảm thấy hốt hoảng và sợ hãi.
Khó thở
Người bệnh cảm thấy khó thở, hụt hơi và phải rướn người ra để thở hoặc hít thở sâu mới cảm thấy dễ thở hơn. Tình trạng khó thở sẽ tăng mạnh khi ở nơi đông đúc, ồn ào.
Đau ngực
Đau, nóng và rát ở vùng ngực, thậm chí là đau nhói hoặc đau thắt ngực. Cơn đau thường sẽ xuất hiện bất ngờ khiến người bệnh như bị nghẹt thở căng tức vùng ngực.
Chóng mặt
Cảm giác choáng váng, đứng không vững hoặc muốn ngất xỉu, cơ thể thường bị lả đi. Triệu chứng này do nhịp tim quá nhanh gây thiếu máu lên não hoặc hạ huyết áp khi thay đổi tư thế đột ngột.
Rối loạn tiêu hóa
Chức năng co bóp của dạ dày bị rối loạn khiến người bệnh có cảm giác ăn nhanh no, dễ bị tiêu chảy, đầy hơi, hoặc có thể táo bón...
Rối loạn tiết niệu
Bệnh nhân bị rối loạn thần kinh thực vật sẽ có dấu hiệu đi tiểu khó và không tự chủ được do bị rối loạn tiết niệu, nặng hơn có thể bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
Tay chân run và đổ mồ hôi
Xuất hiện khi người bệnh bị hốt hoảng và nhịp tim đập nhanh. Kèm theo đó là chân tay run, cơ thể đổ mồ hôi nhiều do hệ thần kinh thực vật bị kích thích quá mức.
Cơ thể mệt mỏi
Người bệnh luôn cảm thấy uể oải và thiếu sức sống. Tình trạng này thường sẽ kéo dài và khó hồi phục dù người bệnh đã nghỉ ngơi.
Mất ngủ
Bệnh nhân luôn ở tình trạng lo lắng, bồn chồn vô cớ dẫn đến việc trằn trọc, khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.
Ngoài ra còn kèm theo một số triệu chứng như rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc, da khô bong tróc, giảm ham muốn tình dục (ở nam giới là hiện tượng xuất tinh sớm, ở nữ là hiện tượng khô âm đạo và khó đạt sự hưng phấn khi quan hệ), phản ứng chậm chạp với ánh sáng, lái xe vào ban đêm gặp nhiều khó khăn.
Ở giai đoạn đầu, người bị bệnh rối loạn thần kinh thực vật có thể chỉ cảm thấy bất an, khó chịu. Nhưng khi bệnh ở giai đoạn nặng, bệnh nhân sẽ luôn trong tình trạng hoang mang, sợ hãi và dễ rơi vào tình trạng trầm cảm, gây ra tình trạng rối loạn nhịp tim trầm trọng hơn.
Nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật
Có nhiều lý do gây rối loạn thần kinh thực vật, chủ yếu là những nguyên nhân sau đây:
- Biến chứng của một số bệnh như: bệnh tự miễn, bệnh mãn tính, bệnh tiểu đường, bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus và vi khuẩn…
- Tổn thương dây thần kinh sau các cuộc phẫu thuật vùng cổ hay xạ trị.
- Tác dụng phụ của một số thuốc sử dụng trong điều trị bệnh: ung thư, thuốc chống trầm cảm và một số thuốc chữa tim mạch.
- Rối loạn di truyền hay rối loạn tâm sinh lý.
- Những biến đổi do tuổi, bệnh lý, hoạt động chức năng đã bị suy giảm... cũng là nguyên nhân phổ biến của rối loạn thần kinh thực vật, dần dần có thể gây tổn thương thần kinh khắp cơ thể.
- Những tư thế không tốt của cơ thể, ví dụ như gây ra áp lực đối với những động mạch quan trọng hoặc tạo áp lực đối với những dây thần kinh quan trọng của cơ thể.
Bệnh rối loạn thần kinh thực vật có nguy hiểm không?
Rối loạn thần kinh thực vật là những rối loạn hoạt động thần kinh tự động. Rối loạn thần kinh thực vật không đe dọa đến tính mạng, không gây tử vong nhưng bệnh làm giảm hoạt động hoặc ảnh hưởng đến chức năng tự động của cơ thể như nhịp tim, huyết áp, mồ hôi, tiêu hóa...
Rối loạn thần kinh thực vật có tự khỏi không?
Rối loạn thần kinh thực vật có thể tự khỏi trong vòng khoảng 2 - 3 năm và rối loạn này không có gì nghiêm trọng đe dọa cuộc sống. Tuy nhiên bệnh có thể làm hạn chế những hoạt động trong cuộc sống hằng ngày của người bệnh từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng.
Điều trị rối loạn thần kinh thực vật
Việc điều trị rối loạn thần kinh thực vật chủ yếu là điều trị nguyên nhân gây ra bệnh. Nếu những rối loạn thần kinh thực vật chưa tìm được nguyên nhân thì không có cách để chữa trị triệt để.
Hiện nay, các bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh dùng thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chữa mất ngủ, các loại thuốc làm giảm tiết mồ hôi, điều chỉnh co thắt bàng quang để chữa rối loạn tiểu tiện... Kết hợp các phương pháp vật lý trị liệu như xông hơi thuốc trên huyệt, xoa bóp, bấm huyệt cũng giúp cho việc điều trị bệnh nhanh khỏi hơn.
Vì tính chất của bệnh không quá nghiêm trọng nên người bệnh không nên quá lo lắng, thực hiện đúng theo sự hướng dẫn của các bác sĩ có chuyên môn.
Trong quá trình chữa rối loạn thần kinh thực vật, bệnh nhân nên có lối sống lành mạnh, tuyệt đối không dùng các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia, cà phê, trà đặc…
Bệnh nhân không nên quá căng thẳng, cần thư giãn, kiểm soát căng thẳng và tâm trạng của bản thân. Sắp xếp lịch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Tập hít thở sâu và xoa vùng trên rốn hàng ngày sẽ có tác dụng mạnh trong việc phòng và điều trị rối loạn thần kinh thực vật
Rối loạn thần kinh thực vật có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Mỗi bệnh nhân cần được bác sĩ thăm khám, tư vấn và có phác đồ điều trị tối ưu.