Theo thống kê gần đây, cứ 1.000 trẻ thì có 1 trẻ gặp nguy cơ bị dị tật ống thần kinh. Dị tật ống thần kinh là những khiếm khuyết xảy ra khi não và cột sống của thai nhi phát triển không bình thường. Thể phổ biến nhất của khiếm khuyết ống thần kinh là tật hở ống sống, vô sọ và thoát vị não - màng não khiến trẻ vận động khó khăn, thậm chí không thể vận động được, mất khả năng kiểm soát đại, tiểu tiện, thậm chí làm tăng áp lực trong sọ như não úng thủy…
Nguyên nhân khiến trẻ bị dị tật ống thần kinh
Theo các chuyên gia, ống thần kinh là nền tảng cốt lõi để phát triển thành hệ thần kinh hoàn thiện sau này, gồm bộ não, hộp sọ, tủy sống và xương sống. Ống thần kinh của thai nhi phát triển từ rất sớm vào tuần thứ 3 của thai kỳ, đến khoảng ngày thứ 18 thì ống thần kinh sẽ khép dần lại cho đến ngày thứ 28 ống thần kinh sẽ khép hoàn toàn. Khi khép lại hoàn toàn mà ống thần kinh có khiếm khuyết thì gây nhiều di chứng nặng nề ở trẻ.
Nguyên nhân chính gây sự khiếm khuyết của ống thần kinh thai nhi chính là do cơ thể người mẹ không có đủ Acid Folic để cung cấp cho bào thai, làm cho hệ thống ống thần kinh không được khép kín hoàn toàn, trẻ dễ bị sứt môi, hở hàm ếch, dị tật tim, liệt các chi, não úng thủy, nứt đốt sống… nặng hơn có thể bị thai lưu, sảy thai.
Cách phát hiện và phòng ngừa dị tật ống thần kinh thai nhi
Các mẹ bầu cần đi khám theo dõi định kỳ để có thể phát hiện được dị tật ống thần kinh thai nhi. Thông qua việc xét nghiệm nồng độ AFP trong máu mẹ và siêu âm ở tuổi thai từ 16 - 20 tuần có thể phát hiện 98% trường hợp dị tật ống thần kinh và nhiều loại dị tật bẩm sinh khác ở thai nhi để giúp mẹ bầu đưa ra phương pháp giải quyết phù hợp.
Dị tật ống thần kinh thai nhi có thể điều trị được, tuy nhiên hiệu quả phụ thuộc vào các yếu tố như: loại khiếm khuyết của ống thần kinh, vị trí của dị tật và chăm sóc cho trẻ. Thông thường với những trẻ bị hở ống sống nhẹ sẽ ít bị liệt và có nhiều cơ may để sống một cuộc sống bình thường. Nhưng đối với trường hợp trẻ bị thoát vị não - màng não dù có điều trị nhưng tỷ lệ di chứng về tâm thần là rất cao. Chính vì vậy, việc phòng bệnh vẫn tốt hơn chữa bệnh. Do đó, để phòng ngừa trẻ bị dị tật ống thần kinh thai nhi, mẹ bầu cần chú ý đến việc bổ sung đầy đủ lượng Axit Folic cho cơ thể trước và trong suốt thai kỳ. Việc bổ sung hàm lượng Axit Folic đúng và đủ có thể giúp mẹ bầu giảm tỷ lệ dị tật ống thần kinh ở thai nhi tới 50% - 70%.
Do đó, khi phụ nữ ở tuổi sinh đẻ có ý định mang thai thì nên bổ sung đầy đủ Axit Folic cho cơ thể theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời, cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là nên bổ sung nhiều các thực phẩm giàu Axit Folic vào trong bữa ăn hàng ngày như: súp lơ xanh, cải làn, đỗ tương, đỗ đỏ, đỗ đen, cam quýt, gan gia súc và gia cầm…
Qua đây, chúng ta có thể thấy, trẻ có bị dị tật ống thần kinh thai nhi hay không phụ thuộc rất lớn vào chế độ dinh dưỡng của người mẹ. Vì vậy, người mẹ cần phải quan tâm hơn đến khẩu phần dinh dưỡng, đừng vì chủ quan mình mà để con trẻ phải gánh chịu bất hạnh lớn.