Nếu như trước đây người Việt chỉ biết đến sữa chua là thực phẩm lên men có lợi cho sức khỏe đường ruột. Thì vài năm gần đây, những thực phẩm lên men như Kombucha, nấm sữa Kefir ngày càng được yêu thích.
Kombucha là một loại thức uống lên men được làm bằng cách thêm vi khuẩn và men vào hỗn hợp trà đen hoặc trà xanh và đường. Chúng có vị chua chua, ngọt ngọt rất dễ uống. Còn Kefir là một loại nấm sữa lên men, chúng được ví như "thần dược" cho sức khỏe của con người, có xuất xứ từ vùng cao nguyên Tây Tạng huyền bí. Nó tương tự như sữa chua nhưng có độ loãng hơn nên thích hợp để uống.
Vài năm gần đây, những thực phẩm lên men như Kombucha, nấm sữa Kefir ngày càng được yêu thích.
Nếu như Kombucha đã được cộng đồng nội trợ Việt tin tưởng, sử dụng suốt nhiều năm thì thời gian gần đây, nấm sữa Kefir bắt đầu "chiếm sóng".
Nấm sữa Kefir bắt đầu "chiếm sóng" trong cộng đồng nội trợ Việt.
Trên mạng xã hội Facebook, có nhiều hội nhóm từ 20 nghìn đến 60 nghìn thành viên được lập nên để chia sẻ các thông tin về Kefir. Có rất nhiều bài đăng bàn luận về lợi ích khi sử dụng Kefir đều đặn, cho đến cách nuôi dưỡng, bảo quản Kefir...
Nấm sữa Kefir thường được các bà nội trợ Việt "tự nuôi" tại nhà nhưng chắc chắn nhiều người vẫn thắc mắc: Liệu Kefir có thực sự tốt cho sức khỏe? Kefir nên nuôi thế nào? So sánh Kefir với Kombucha thì loại nào tốt hơn?.
Dưới đây là những chia sẻ của ThS BS Đặng Ngọc Hùng (Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng) về những vấn đề nói trên.
1. Chào ThS BS Đặng Ngọc Hùng, mùa hè năm nay có nhiều bà nội trợ rủ nhau "nuôi" Kefir. Đầu tiên đứng ở góc độ dinh dưỡng, bác sĩ đánh thế nào về sữa Kefir?
ThS BS Đặng Ngọc Hùng:
Kefir được đánh giá cao về mặt dinh dưỡng do chứa nhiều probiotic tự nhiên, vitamin và khoáng chất. Nó chứa protein, canxi, vitamin nhóm B... Kefir có lợi cho hệ tiêu hóa, hỗ trợ miễn dịch, và có thể giúp cải thiện sức khỏe xương.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng Kefir có hiệu quả trong việc cải thiện các vấn đề về đường ruột, như hội chứng ruột kích thích và có tác dụng chống viêm.
2. Nấm sữa Kefir tốt, nhưng liệu "nuôi" Kefir một cách đại trà như hiện nay liệu có gây ra rủi ro gì về mặt sức khỏe không?
ThS BS Đặng Ngọc Hùng:
Việc tự "nuôi" Kefir tại nhà khá phổ biến. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đảm bảo vệ sinh trong quá trình nuôi cấy để tránh nhiễm khuẩn hoặc sự phát triển của các vi sinh vật gây hại.
Nếu không được xử lý đúng cách, Kefir có thể bị ôi thiu hoặc nhiễm khuẩn, dẫn đến nguy cơ gây hại cho sức khỏe
3. Nếu để so sánh Kefir với Kombucha, bác sĩ đánh giá 2 sản phẩm này giống và khác nhau thế nào? Loại nào tốt hơn?
ThS BS Đặng Ngọc Hùng: Kefir và Kombucha đều là các đồ uống lên men có lợi cho sức khỏe, chứa probiotics đa dạng và cả nấm men, đồng thời có cả các chất chống oxy hóa.
Tuy nhiên:
- Kefir chủ yếu được lên men từ sữa (hoặc nước đường), chứa nhiều chủng vi khuẩn và men.
- Trong khi Kombucha được lên men từ trà đường, chủ yếu chứa các chủng vi khuẩn axit acetic cùng một số loại men nhưng không nhiều chủng như Kefir.
Kombucha có khả năng chống oxy hóa cao do chứa polyphenols từ trà, trong khi Kefir thường giàu protein và canxi nên có nhiều lợi ích tiêu hóa hơn. Việc lựa chọn loại nào tốt hơn phụ thuộc vào nhu cầu cá nhân và sở thích về hương vị.
4. Vậy thưa bác sĩ, các gia đình nên dùng nấm sữa Kefir như thế nào thì tốt và hiệu quả nhất?
ThS BS Đặng Ngọc Hùng: Kefir nên được tiêu thụ mỗi ngày để tối đa hóa lợi ích của probiotics. Nó có thể được uống trực tiếp, sử dụng làm nước sốt salad, hoặc dùng trong các món tráng miệng.
Khi "nuôi" kefir tại nhà, cần đảm bảo rằng dụng cụ và môi trường lên men sạch sẽ để tránh nhiễm khuẩn. Nhiệt độ phòng là lý tưởng cho quá trình lên men Kefir.
5. Nếu không có thời gian làm Kefir và Kombucha, thì chúng ta có thể sử dụng thực phẩm nào thay thế để vẫn hưởng được lợi ích?
ThS BS Đặng Ngọc Hùng: Nếu không có thời gian tự làm Kefir hoặc Kombucha, bạn có thể tìm kiếm các sản phẩm probiotic khác như yogurt lên men tự nhiên, các loại đồ uống lên men khác có chứa probiotics, hoặc chế phẩm probiotic dạng bổ sung.
Nhưng lưu ý rằng hãy chọn sản phẩm từ các thương hiệu uy tín để đảm bảo chất lượng và lượng probiotics hiệu quả nhé.
Cảm ơn ThS BS Đặng Ngọc Hùng đã dành thời gian chia sẻ!