Mẹ chồng chị Lan lên chăm cháu nội cho con dâu chuẩn bị đi làm được hơn một tháng thì giận dỗi con dâu đến vài ba lần. Nguyên nhân chính vẫn là khi nấu nồi bột ăn dặm cho cháu đích tôn, bà định nêm mắm muối vào cho cháu vừa ăn thì chị Lan lại ngăn lại vì không muốn con ăn mặn quá sớm, sợ thận của thằng bé phải làm việc nhiều.
Bực mình với con dâu, mẹ chồng bỏ về, chị Lan đành cầu cứu mẹ đẻ. Nhưng cũng chỉ vì chuyện ăn bột của thằng bé mà hai mẹ con bất đồng quan điểm. Chị Lan cho rằng em bé mới 5-6 tháng tuổi, thận chưa trưởng thành nên không muốn cho em bé ăn hoàn toàn bột mặn trong ngày mà tăng cường cả bột ngọt cho bé cho đỡ hại thận. Tuy vậy, mẹ chị Lan vẫn không quấy bột ngọt cho bé ăn vì bà cho rằng bột ngọt khó ăn, bé không thích và chỉ quấy bột mặn cho bé ăn với đầy đủ gia vị mắm, bột canh.
Chị Lan chỉ phát hiện ra điều này khi mẹ đẻ kêu hết bột. Vậy là hai mẹ con lại được một trận to tiếng. Mẹ đẻ chị Lan lại bỏ về với cái nguýt dài "bày đặt trứng không hơn vịt".
Theo BS Nguyễn Thị Hoa, bệnh viện Nhi đồng 1, câu hỏi nêm hay không nêm muối vào bột ăn dặm của trẻ là câu hỏi thường gặp khi hướng dẫn ăn dặm cho trẻ. Và dù bác sĩ đã giải thích nhưng vẫn không ít các bậc phụ huynh vẫn băn khoăn.
Cũng theo BS Nguyễn Thị Hoa, muối có công thức hóa học là NaCl gọi là Natri Chlorua, khi vào cơ thể sẽ được tách ra thành Natri và Chlor. Vai trò của những chất này rất qua trọng: chúng giữ sự ổn định môi trường trong máu, trong tế bào, chúng tham gia vào quá trình vận chuyển các chất dinh dưỡng qua màng tế bào… Nếu thiếu chúng thì cơ thể sẽ rất mệt mỏi, có thể hôn mê nếu thiếu nặng (trong trường hợp tiêu chảy, nôn ói nhiều, ngộ độc nước).
Nhưng nếu dư thừa muối, thì cơ thể cũng sẽ mệt mỏi, khát nước, khô tế bào, thận sẽ mệt mỏi vì phải thải bớt muối, thừa muối lâu dài sẽ bị cao huyết áp.
"Dù muối rất quan trọng nhưng cũng không thể thiếu hay thừa. Vì cả hai đều gây hậu quả không tốt cho sức khỏe. Nhưng, có cần thêm muối vào bột cho trẻ không? Câu trả lời chắc chắn là "không", vì lượng muối trong sữa và bột đã đủ nhu cầu cho trẻ rồi. Lượng muối dư trong thực phẩm sẽ được thận của trẻ thải ra và không ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhưng, nếu nêm muối thì thận chưa trưởng thành của trẻ phải làm việc nhiều hơn, sẽ dư thừa muối làm trẻ khát nước, biếng ăn, mệt mỏi và nguy cơ cao huyết áp sau này." - BS Hoa cho biết.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia và RDA của Mỹ, nhu cầu khuyến nghị Natri (vì nhu cầu muối được tính từ nhu cầu Natri) cho trẻ từ 6 tháng tới 12 tháng là 200mg. Vậy, Chế độ ăn trung bình của lứa tuổi này là 600- 800ml sữa và 1- 4 chén bột (tùy theo lứa tuổi). Trong khi đó, một lít sữa chứa 240mg Natri, và 1 chén bột chứa 65mg Natri. Như vậy, nếu trẻ uống 800ml sữa là đã có 192mg Natri và 1 chén bột có 65mg Natri tổng cộng là 257mg Natri. Còn nếu trẻ bú 600ml sữa thì có 144mg Na và ăn 3 chén bột thì có 195mg Natri, vậy tổng cộng là 339mgNatri.
Nếu trẻ ăn bột tự nấu thì: một chén bột gồm bột gạo, sữa, dầu và rau có 75mg Natri; một chén bột gồm bột gạo, thịt, dầu rau có 20mg Natri. Vậy 800ml sữa và 2 chén bột tự nấu sẽ có 287mg Natri (192+20+75), còn 600ml sữa và 3 chén bột tự nấu thì có 259mg natri (144+75+20+20). Như vậy chưa nêm muối thì lượng Natri trong thực phẩm tự nhiên đã đủ cho nhu cầu Natri của trẻ.
Khi trẻ ăn dặm, ngoài các thực phẩm chính như thịt, cá, trứng, sữa, các bà mẹ cũng nên lưu ý bổ sung những loại thực phẩm tốt cho trẻ như:
Rau xanh thẫm màu
Các loại rau xanh thẫm màu như rau chân vịt, súp lơ… là những ngoài cung cấp vitamin và khoáng chất phong phú như vitamin A, B, C, E, K, folate, can-xi, sắt, kẽm. Trong quá trình trẻ ăn dặm, những chất này đều quan trọng cho sự phát triển của trẻ nhẻ, đặc biệt là các vùng não, xương, cơ. Chất oxi hóa được tìm thấy trong các loại rau xanh thẫm màu còn có tác dụng tăng cường miễn dịch. Nó cũng có nhiều chất xơ, giúp tiêu hóa tốt và không bị táo bón.
Phô mai
Giống như các sản phẩm sữa, phô mai giàu protein, canxi, phốtpho, vitamin D. Từ 6 tháng rưỡi đến chín tháng tuổi, trẻ có thể làm quen với những sản phẩm từ phô mai. Phô mai cần được cắt nhỏ, ăn trong các bữa phụ và trẻ có thể dùng tay để tự ăn phô mai
Sữa chua
Sữa chua giúp trẻ dễ tiêu, đặc biệt tốt cho trẻ không hấp thụ được lactose. Ngoài cung cấp canxi, protein, trong sữa chua còn có probiotic, một loại lợi khuẩn có lợi giúp tiêu hóa và tăng cường miễn dịch
Trẻ có thể tập ăn sữa chua từ tháng thứ 6. Tuy nhiên nếu trong quá trình sử dụng bé có hiện tượng như nổi mẩn trên da, đi ngoài thì bạn hãy tạm dùng sản phẩm này.
Khoai tây
Khoai tây giàu tinh bột, vitamin A, C và kali. Một củ khoai tây hấp chứa đến 252 kalo. Vì khoai tây giàu tinh bột nên khi cho bé ăn khoai tây, mẹ nên giảm đi một chút cháo/ bột trong khẩu phần ăn hàng ngày của bé.
Củ cải
Củ cải là một trong những thực phẩm ít được các mẹ bổ sung vào thực đơn của bé vì nghĩ nó không nhiều chất, bên cạnh đó lại có mùi hăng hăng khó ăn nên sợ bé không ăn được. Tuy nhiên, đây lại là một loại thực phẩm rất giàu dinh dưỡng.
Củ cải giàu vitamin C, canxi, một ít chất xơ và protein. Cũng giống như một số loại rau củ khác, củ cải chứa chất ngọt tự nhiên, giúp bé ngon miệng. Bạn có thể tập cho bé ăn củ cải khi bé được khoảng 6-8 tháng tuổi.