Vinh và Huyền học chung với nhau từ thời cấp 3, tình cảm cũng nhen nhóm từ dạo ấy. Thế nên 4 năm sau, khi Huyền đã trở thành giáo viên cấp 2 và Vinh chỉ là một nhân viên trạm xăng thì họ vẫn đến với nhau. Bạn bè gia đình đôi bên đều chúc phúc, ngày cưới, mẹ đẻ Huyền là bà Hoa dặn dò con rể đủ điều, rằng bà thương Huyền nhất trong nhà, Vinh phải đối xử với Huyền tử tế không là bà sẽ đau lòng lắm. Một phần vì lời mẹ vợ nhắn nhủ mà sau khi cưới 1 năm, Vinh đã xin bố mẹ đẻ cho hai vợ chồng ra ở riêng.
Yêu nhau là thế, nhưng sống với nhau được hơn 3 năm, có một mặt con rồi mà vợ chồng Vinh thường xuyên cãi nhau, khúc mắc. Không phải chỉ là chuyện vợ chồng khắc khẩu, mà nguyên do còn ở chỗ quan điểm sống của hai vợ chồng không hợp nhau. Huyền muốn Vinh nghỉ việc ở cây xăng đi làm việc khác cho có tấm có món chứ ngày nào cũng phơi mặt ngoài đường, vừa chả có thể diện, vừa chả có tiền mấy nhưng Vinh không chịu.
Với Vinh, cuộc sống chỉ cần đủ ăn, đủ mặc, bên vợ con là được nhưng Huyền thì khác, Huyền muốn ăn ngon mặc diện, đi xe đẹp mà đồng lương giáo viên cũng không đáp ứng đủ, thế nên trong lòng Huyền lúc nào cũng có ý so bì, lúc nào cũng muốn chồng phải dọc ngang kiếm tiền cho bằng thiên hạ.
Do ở gần bố mẹ chồng, bố mẹ vợ nên lần nào hai vợ chồng xô xát cũng đến tai “phụ huynh” hai bên. Chỉ lạ là, trong khi bố mẹ chồng chạy qua cố gắng giảng hòa cho đôi trẻ thì bố mẹ vợ, nhất là bà Hoa lại cứ như đổ thêm dầu vào lửa.
Không cần biết rõ ngọn ngành đầu đuôi câu chuyện, mỗi lần đến nhà, thấy con gái sụt sùi ngồi khóc hay đang than vãn là bà Hoa lại nhảy vào mắng xơi xơi con rể, một hai bênh con gái chằm chặp, nào là “con gái tao nó sống biết điều chứ không phải loại ghê ghớm, nó là đứa có ăn có học, có trí tiến thủ, biết phấn đấu,…”.
Không chỉ dừng lại ở việc bênh con gái, mỗi lời bà Hoa nói lại như có gai có góc đâm vào sự tự tôn của con rể vốn chỉ là nhân viên làm thuê cho trạm xăng nhỏ. Vinh hiểu hết ý tứ của bà Hoa, nhưng cũng nhịn vì không muốn mang tiếng hỗn láo với bố mẹ vợ.
Nhưng rồi, con giun xéo mãi cũng quằn.
Chiều hôm ấy, vừa lúc đi làm về, Vinh đã thấy Huyền kêu toáng lên là mất tiền, hỏi ra Huyền bảo: “Lúc sáng cầm tiền quỹ giúp chị kế toán ở trường, gần 100 triệu mang về để trong tủ mà giờ không cánh mà bay”. Mà từ sáng đến giờ trong nhà không có ai ngoài mẹ chồng Huyền đến trông cháu giúp, nhà cửa lại không có dấu hiệu đột nhập trộm cắp gì.
Vợ Vinh khóc lóc sụt sùi rồi kể lể. Tuy không trực diện "đổ tội" nhưng lời lẽ của vợ đều chĩa mũi dùi vào việc nhà không có ai chỉ có mỗi mẹ ở nhà. Mà hôm qua còn có họ hàng lên chơi, kêu ca là nghèo khó có khi mẹ lại thương. Rồi cô ta quay sang bảo mẹ chồng: "Mẹ xem bây giờ mà con mất tiền thì lấy đâu ra mà đền. Chỉ có cách bán cái nhà này đi mà trả nợ. Mẹ thương chúng con chứ đừng thương xót, giúp đỡ người ngoài".
Vinh tức giận tái mắt, còn chưa kịp phản ứng thì bà Hoa như làn gió từ ngoài lao vào, mắng xa xả con rể là "đưa trộm vào nhà". Mẹ Vinh run lẩy bẩy, không nói được câu nào, chỉ ôm ngực đấm thùm thụp. Lần đầu tiên trong đời, Vinh túm tay, đẩy mẹ vợ ra khỏi cửa, nói sẵng: "Mời bà ra khỏi nhà tôi".
Còn với người vợ đang lăn lộn trên sàn nhà, Vinh hoàn toàn thất vọng. Anh nói lạnh buốt: "Tôi không rõ tiền cô có lúc nào, mất ra sao nhưng tôi sẽ đền. Sáng mai tôi qua gặp lãnh đạo của cô để xin thư thư ít thời gian".
Nào ngờ, vợ Vinh lại ra sức phân bua, nói rằng không cần Vinh nói chuyện với lãnh đạo, chỉ cần đưa tiền cho cô ta là được. Đồng thời cô ta cũng nằng nặc không muốn ly hôn.
Nhưng chỉ hai hôm sau, khi đi vay tiền khắp nơi, một người bạn đã rỉ tai cho Vinh biết, thời gian qua, vợ anh gom tiền cho vay nặng lãi và bị người vay xù tiền trốn mất. Giờ cô ta phải đền hơn 100 triệu nên đang tìm cách xoay tiền. Vinh không khó để liên hệ đến câu chuyện mất "100 triệu" mấy hôm trước của vợ. Và vì tiền, cô ta sẵn sàng đổ tội trộm cắp cho cả mẹ chồng.
Lần này, chẳng còn lý do gì để Vinh trì hoãn việc ly hôn của mình.