Đây không phải là lần đầu Ngọc được nghe lời này từ mẹ, nhưng khi kết hôn lần thứ hai, cô mới thấu. "Tôi từng tự hào vì có mối tình đầu 9 năm đẹp đẽ và cưới. Giờ tôi biết những thứ đó không phải là bảo hiểm cho một cuộc hôn nhân lâu bền", Bảo Ngọc, 33 tuổi, giáo viên cấp hai ở Lào Cai, chia sẻ.
Ngày đó những mâu thuẫn từ khác biệt trong sinh hoạt khiến cô và chồng cũ thường xuyên cãi vã. Đôi khi giận nhau vài ngày chỉ vì nấu ăn không vừa ý hay chồng thường xuyên xem phim muộn khiến vợ không ngủ được. "Xích mích diễn ra thường xuyên từ những thứ nhỏ li ti. Và cứ mỗi khi tôi muốn trò chuyện giải quyết thì bạn ấy hoặc từ chối, hoặc nghe cho có", cô chia sẻ. Dần dần cô không muốn ngồi lại cùng nhau giải quyết nữa.
Mẹ chồng bắt hai con dọn về ở cùng. Bà suốt ngày bảo con dâu "chồng giận thì vợ bớt lời", mặt khác khuyên nhủ con trai dành thời gian cho vợ. Đôi trẻ "hòa bình lập lại" được một thời gian, tới khi có con, những mâu thuẫn càng bị đẩy lên cao. Cả Ngọc và chồng đều thích chăm con, nhưng cách chăm của hai người "như nước với lửa". Cô đi làm sớm nên muốn dùng thêm sữa ngoài, chồng thì muốn con chỉ dùng sữa mẹ. Mỗi lúc con quấy khóc, cô kéo chồng cùng dỗ nhưng lại khiến cãi nhau to. Một lần tức quá Ngọc ôm con bỏ về nhà ngoại. Trong khi mâu thuẫn vợ chồng chưa được giải quyết thì Ngọc phát hiện chồng có tình yêu bên ngoài. Đây không phải là lần đầu như thế nên cô quyết định dừng lại.
Giờ nhìn lại cô thấy nguyên nhân khiến hôn nhân đầu tan vỡ là do "cái tôi" của cả hai quá lớn. Khi vấp phải những trục trặc thì thất vọng. "Thay vì tìm cách giải quyết thì tôi lại cư xử theo kiểu đòi hỏi: 'Anh trả cho tôi cuộc sống mà tôi ao ước đi'. Tôi cũng chỉ toàn nhìn vào điểm xấu của chồng cũ, còn những điều bạn ấy làm được thì không bận tâm tới. Còn bạn ấy thay vì giải quyết để hai vợ chồng hiểu nhau, lại tìm đến sự sẻ chia từ bên ngoài", cô giãi bày.
Mâu thuẫn vặt bào mòn sự kiên nhẫn của mỗi người, phóng đại nỗi thất vọng đằng sau sự không hài lòng về nhau và khiến cho hôn nhân dần trở nên không còn tốt đẹp. Ảnh minh họa: Focusonthefamily.
Khảo sát hộ gia đình của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ ly hôn tăng từ 1,4% năm 2009 lên 2,1% năm 2019. Theo báo cáo của tòa án, trung bình hàng năm Việt Nam có 600.000 vụ ly hôn, trong đó 70% vụ do phụ nữ đệ đơn.
Luật sư Nguyễn Thị Tuyến, đoàn luật sư thành phố Hà Nội, cho biết năm 2020 văn phòng của chị giải quyết vài trăm án ly hôn mà nguyên nhân nhiều nhất là do những mâu thuẫn nhỏ tích tụ, kế đến là ngoại tình, bạo lực gia đình và các lý do về kinh tế...
Gần đây luật sư Tuyến giải quyết cho một đôi trẻ ở Hoài Đức (Hà Nội) mới cưới nhau một tháng người vợ đã đệ đơn, dù đang mang bầu. Họ ra tòa cũng chỉ vì những khác biệt: chồng quen ăn nước tương, trong khi vợ chỉ thích nước mắm cốt. Anh chồng ngày nào cũng đòi hỏi mâm cơm phải có thịt lợn, cơm cá là bỏ bữa không ăn. Người vợ cũng không quen được kiểu chồng chỉ hơi đau đầu mà cha mẹ đã quýnh lên, ông nấu nước xông, bà lo đánh cảm. Từ những bất đồng nhỏ này họ gây gổ nhau hàng ngày.
Theo nữ luật sư, xã hội càng phát triển, phụ nữ càng độc lập, tự tin, đồng nghĩa họ ít chịu đựng hơn xưa, là một nguyên nhân khiến tỷ lệ ly hôn tăng. "Đôi khi mâu thuẫn từ những thứ rất nhỏ nhưng quyết tâm ly hôn lại rất cao", luật sư Tuyến nói.
Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành, tác giả của những cuốn sách về hôn nhân, có chung quan điểm này. Thời xưa, người phụ nữ trông cậy vào sự che chở từ cha mẹ, con và gia tộc, đặc biệt từ người chồng. Thời nay, phụ nữ hoàn toàn có thể sống độc lập, có công việc, vị thế và được pháp luật, xã hội bảo vệ. Nhiều người còn có thể tạo dựng kinh tế tốt hơn đàn ông nên có thể tự lo cho con cái khi ly hôn. Bên cạnh đó, họ có nhiều lực lượng xã hội hỗ trợ trong việc chăm sóc, nuôi dạy con cái và cuộc sống hàng ngày.
"Phụ nữ ngày càng ít phụ thuộc vào hôn nhân. Đồng thời họ có nhiều yêu cầu cao hơn với người bạn đời", nhà tâm lý nói. Đó không chỉ là người chồng cùng vợ lo kinh tế, san sẻ việc nhà, không có các thói hư tật xấu như bạo lực, lăng nhăng, rượu chè, cờ bạc, mà còn phải là một người chồng yêu thương và gắn kết tâm hồn với vợ.
Bà Thành nhớ mãi trường hợp từng tư vấn cho một cặp vợ chồng ở Hà Nội, người chồng kiếm tiền giỏi và không có thói xấu nhưng người vợ một mực muốn ly hôn. Nhiều người không hiểu chị và ngay chính chồng cũng không hiểu chị. Chị vốn xuất thân giàu có nên không cần tiền của chồng, thứ chị cần là người bạn đời năm xưa vui vẻ ăn bữa tối, hạnh phúc ngồi bên quán cà phê vỉa hè và chia sẻ những giá trị chung. Người chồng hiện tại thì lại xem thành công sự nghiệp mới xứng đáng với vợ. Dù sau cuộc tư vấn họ cho nhau cơ hội, cuối cùng người vợ vẫn rời khỏi cuộc hôn nhân.
Các giá trị nền tảng đạo đức gia đình bị giảm sút cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ ly hôn tăng. Ý nghĩa gia đình gắn kết làm một, vợ chồng cùng nhau hy sinh "cái tôi" để hướng tới "cái chung" không còn được coi trọng với những người trẻ hiện đại. Không phủ nhận một nguyên nhân nữa là các cặp vợ chồng trẻ thiếu các kỹ năng cần thiết cho đời sống gia đình, ví như cách xử lý xung đột, cách điều hòa mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Vì vậy, họ thường xuyên vấp phải xung đột và gây tổn thương cho nhau bằng những cách ứng xử không phù hợp.
Nguyễn Hoa, một kế toán ở Hà Nội là người chủ động bước chân ra khỏi hôn nhân nhưng giờ lại hối tiếc. Cô và chồng cũ yêu nhau 10 năm mới cưới, nhưng cưới nhau được một ngày đã to tiếng.
Trong bữa cơm sau ngày cưới mẹ chồng bảo: "Thằng Hòa (chồng Hoa) tính tình hiền lành, một mực đòi cưới con. Giờ con làm dâu nhà này rồi thì phải chăm lo cho gia đình, đừng có mải vui bạn vui bè như trước". Hoa như "chết điếng" khi biết gia đình chồng từng phản đối mình. Tự ái dâng lên, cô bật lại thanh minh cho mình. "Điều khiến tôi không chấp nhận nổi là khi đó chồng đứng về phía bố mẹ. Anh bảo: 'Em nghe thấy mẹ nói chưa'", Hoa kể.
Mấy ngày liền đôi vợ chồng son "chiến tranh lạnh". Khi mâu thuẫn này được giải quyết thì những mâu thuẫn sau lại xuất hiện. Lúc con được 2 tháng tuổi, Hoa phát hiện chồng có "em gái mưa". Dù biết họ "chưa có gì", cô quyết định rũ bỏ tất cả chỉ sau một năm kết hôn.
Giờ con Hoa đã 6 tuổi và không có một chút liên hệ nào với nhà nội. Cô trầm tính hơn và hiểu ngày đó mình còn quá trẻ để làm vợ, làm dâu. "Đổ vỡ là tại tôi ương thôi. Nếu ở hiện tại có lẽ kết cục đã không như vậy", cô chia sẻ.
Sau 5 năm ly hôn, Ngọc đi bước nữa. Rút kinh nghiệm từ "tập một", cô và chồng mới luôn giải quyết mâu thuẫn một cách ôn hòa, tôn trọng nhau, đặt vào địa vị của người còn lại. "Tôi và chồng hiện tại lấy nhau hơn 2 năm, cũng có những lúc mâu thuẫn lớn hơn so với lần trước nhưng đều giải quyết ổn thỏa", cô chia sẻ.