Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng Bộ môn Phụ sản, Đại học Y Dược TP.HCM cho hay,phụ nữ mang thaicó nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn phụ nữ không mang thai. Điều này xảy ra do những thay đổi về sinh lý và chuyển hóa trong cơ thể phụ nữ khi mang thai. Ngoài ra, khi phụ nữ mang thai mắc Covid-19, nguy cơ diễn tiến suy hô hấp nặng cũng tăng, tăng nguy cơ nhập hồi sức cấp cứu, phải sử dụng ECMO. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai mắc Covid-19 cũng đối mặt với nguy cơ tiền sản giật, sinh non cao hơn, thậm chí tăng trưởng trong tử cung và tăng tỷ lệ phải mổ lấy thai.
Do đó, phụ nữ mang thái là đối tượng nên được ưu tiên để tiêm vắc xin nhằm bảo vệ sức khỏe bà mẹ, thai nhi và cộng đồng. Tiêm vắc xin có thể bảo vệ phụ nữ khỏi những biến chứng nặng của Covid-19.
Phụ nữ cho con bú cũng có thể tiêm vắc xin Covid-19, kháng thể sinh ra có thể đi qua sữa mẹ và tạo sự bảo vệ cho bé.
BS Lan cho biết, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy phụ nữ mang thai có thể tiêm vắc xin như bình thường; chưa ghi nhận dấu hiệu gia tăng các nguy cơ có vấn đề bất thường đối với phụ nữ mang thai và thai nhi so với phụ nữ không mang thai. Hiện nay, các nước trên thế giới đều khuyến cáo tiêm vắc xin cho phụ nữ mang thai, đặc biệt là tại các khu vực đang có dịch bùng phát mạnh.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã đưa ra khuyến cáo phụ nữ mang thai nên sử dụng vắc xin Covid-19 vì lợi ích của việc tiêm chủng mang lại lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn. WHO không khuyến cáo trì hoãn việc mang thai hay đình chỉ thai nghén vì lý do tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Theo quyết định 3802/QĐ-BYT của Bộ Y tế Việt Nam ký ngày 10/8/2021, các phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên cần được tiêm vắc xin tại cơ sở y tế có điều kiện cấp cứu sản khoa. Phụ nữ mang thai và cho con bú chống chỉ định tiêm vaccine Sputnik V.
Khi đến tiêm vắc xin, các phụ nữ mang thai và cho con bú sẽ được khám sàng lọc để đảm bảo an toàn tiêm chủng.