Chị em phụ nữ thường bắt đầu nghi ngờ mình đang mang thai khi thấy chu kỳ kinh nguyệt không đến. Vậy nhưng bên cạnh đó, mang thai tuần đầu tiên còn có nhiều triệu chứng khác mà mẹ thường bỏ qua.
1. Cơ thể mệt mỏi
Mệt mỏi là một trong những triệu chứng mang thai tuần đầu dễ gặp nhất nhưng thường bị nhầm lẫn là mắc bệnh. Lúc này, cơ thể người mẹ cảm thấy quá sức do phải cung cấp thêm dưỡng chất cho thai nhi.
Tim cũng đập nhanh hơn giúp tăng cường oxy cho buồng trứng. Kèm theo đó, hệ tuần hoàn phải làm việc với áp lực khủng khiếp để tăng lưu lượng máu cung cấp cho tử cung để nuôi phôi thai lớn lên.
Hơn nữa, lượng hormone progesterone tăng cao cũng khiến bạn cảm thấy uể oải, buồn ngủ.
2. Tăng thân nhiệt
Khi trong cơ thể người mẹ bắt đầu thụ thai, hormone progesterone sẽ tiết ra nhiều hơn, từ đó khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên (khoảng 37,5 độ C). Hiện tượng này tương tự như khi bạn chuẩn bị rụng trứng.
3. Đau đầu
Sự tăng “đột biến” của hormone progesterone cộng thêm việc thiếu hụt lượng hồng cầu trong máu là nguyên nhân dẫn đến triệu chứng đau đầu khi mang thai.
Chính vì vậy, nếu mới quan hệ không sử dụng biện pháp an toàn mà có biểu hiện đau đầu, bạn không nên tự ý uống thuốc vì đây là giai đoạn nhạy cảm, một số loại thuốc có thể gây hại đến sự phát triển của thai nhi.
4. Buồn nôn và nôn
Buồn nôn và nôn được xem là triệu chứng "kinh điển" của việc mang thai trong những bộ phim truyền hình. Khi ốm nghén, cơ thể phụ nữ thường mỏi mệt, chán ăn, thường xuyên có cảm giác buồn nôn rồi nôn khan hoặc nôn thực sự bất kể thời gian nào trong ngày, đặc biệt là buổi sáng.
5. Đi tiểu nhiều hơn
Sau khi trứng được thụ tinh khoảng 6 tuần, lưu lượng máu trong cơ thể tăng lên đáng kể. Do đó, thận sẽ bài tiết ra nhiều nước hơn. Tiếp đó, sự chèn ép của tử cung ngày càng lớn lên bàng quang sẽ làm bạn phải đi tiểu thường xuyên hơn.
6. Đau lưng
Đau lưng cũng là một trong những triệu chứng mang thai tuần đầu tiên dễ nhận thấy nhất. Khi bắt đầu nuôi dưỡng thêm một em bé trong bụng, dây chằng ở lưng của mẹ sẽ bị kéo dãn, cơ bụng trở nên lỏng lẻo và các cơ quan ở lưng phải hoạt động tích cực hơn để chuẩn bị sự phát triển cực kỳ nhanh chóng của thai nhi.
Điều này dẫn đến những cơn nhức mỏi dọc theo sống lưng và chúng thậm chí còn trở nên khó chịu hơn khi thai nhi trở nên lớn dần.
7. Tâm trạng thay đổi
Khi mang thai, sự thay đổi hormone trong cơ thể khiến tâm lý của bạn trở nên thay đổi thất thường hơn. Thông thường, trong những tuần đầu thai kỳ bạn sẽ khó có lúc nào cảm thấy vui vẻ mà thường xuyên thấy ủ ê, chán chường. Lý do là sự thay đổi hormone trong thai kỳ và cảm giác mệt mỏi.
8. Xuất hiện rôm, sảy
Khi mang bầu, thân nhiệt của bạn tăng cao hơn bình thường làm da không thoát mồ hôi kịp. Hệ quả là rất dễ xuất hiện rôm xảy ở những vùng da có nhiều nếp gấp hoặc vùng da thường xuyên ma sát với quần áo. Tuy nhiên, không phải mẹ bầu nào cũng phải chịu đựng tình trạng này.
9. Chảy máu cam
Khi mang thai, cơ thể người mẹ sẽ sản xuất nhiều máu hơn và các hormone thai kỳ tạo áp lực làm giãn nở các mạch máu nhỏ trong mũi nên chảy máu cam cũng có thể là một triệu chứng của mang thai.
10. Ra máu và thay đổi dịch âm đạo
Có khoảng 20% phụ nữ gặp phải triệu chứng ra máu khi bắt đầu mang thai. Hiện tượng ra máu khi phôi cấy ghép vào niêm mạc tử cung không xảy ra ồ ạt như kinh nguyệt. Đó chỉ là một vài vệt máu nhỏ, có màu nhạt hơn bình thường hoặc nâu đậm và chỉ xuất hiện trong 1- 2 ngày.
Một số người cũng nhận thấy rằng dịch âm đạo của mình thay đổi, ra nhiều hơn và có màu trắng đục trong những ngày đầu thai kỳ.