Thông tin hàng trăm học sinh (HS) Trường Tiểu học - THCS và THPT ischool Nha Trang bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn trưa được nấu tại trường khiến nhiều phụ huynh các trường ở TP.HCM cũng lo lắng.
Không ít phụ huynh gọi điện thoại tới Pháp Luật TP.HCM hỏi: “Không biết các trường ở TP.HCM giám sát bữa ăn trưa tại chỗ ra sao…”.
Phụ huynh được phép giám sát bữa ăn tại trường
Tầm 7 giờ 30 sáng 23-11, phóng viên (PV) có mặt tại nhà bếp của Trường Tiểu học Trưng Trắc (quận 11, TP.HCM). Nhân viên nhà bếp mặc đồ bảo hộ, mang găng tay và khẩu trang đầy đủ đang tất bật sơ chế rau, củ, thịt… để chuẩn bị nấu bữa trưa cho HS.
Bà Trần Thị Hồng (bếp trưởng) cho biết khoảng 5 giờ 30 là nhân viên nhà bếp có mặt để nhận rau, củ, thịt, cá… từ các công ty ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với trường. “Trong quá trình nhận thực phẩm, chúng tôi quan sát bằng cảm quan để phát hiện thực phẩm có an toàn hay không. Đáng mừng là chúng tôi chưa phát hiện bất thường liên quan chất lượng thực phẩm” – bà Hồng cho biết.
Theo BS Huỳnh Trung Tuần (phụ trách y tế của trường), ngoài nhân viên nhà bếp, y tế trường cũng tham gia giám sát chất lượng thực phẩm đầu vào.
“Y tế trường còn giám sát sức khỏe và điều kiện vệ sinh của nhân viên nhà bếp. Trong quá trình chế biến thức ăn, nhân viên nhà bếp tuyệt đối không được mang trang sức trên tay theo đúng quy định của Bộ Y tế. Y tế trường còn tham gia vào khâu lưu mẫu thực phẩm nấu chín trong vòng 24 giờ” – BS Tuần nói.
Bà Huỳnh Mỹ Dung, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Trắc, cho biết hiện có gần 1.300 HS ăn trưa tại trường. Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) luôn được trường đặc biệt quan tâm.
“Thức ăn được nấu chín không quá 2 tiếng trước khi cho HS dùng nên luôn nóng, ngon. Trường thiết kế vách ngăn bằng kính nên phụ huynh có thể quan sát quá trình nhân viên nhà bếp sơ chế, nấu nướng. Phụ huynh cũng có thể đăng ký ăn cơm cùng HS để đánh giá chất lượng mỗi phần ăn” – cô Dung chia sẻ.
Hiệu trưởng trực tiếp kiểm tra bữa ăn của học sinh
Lúc 5 giờ 30 hàng ngày, nhân viên bếp ăn của Trường Tiểu học Nguyễn Thị Nuôi (huyện Hóc Môn, TP.HCM) có mặt để nhận rau, củ, thịt, cá… từ công ty cung cấp thực phẩm có đầy đủ hồ sơ pháp lý.
“Chúng tôi cũng quan sát chất lượng thực phẩm bằng cảm quan để kịp thời phát hiện thực phẩm không đảm bảo an toàn” – bà Khâu Thị Hoa (bếp trưởng) nói.
Theo bà Hoa, nhà bếp được bố trí quy trình một chiều theo đúng quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, tất cả nhân viên nhà bếp được khám sức khỏe và tập huấn kiến thức ATTP.
“Thức ăn được nấu chín khoảng một tiếng trước khi cho HS dùng để được ngon, nóng và được lưu mẫu trong vòng 24 giờ để có cơ sở điều tra nếu chẳng may xảy ra ngộ độc thực phẩm” – bà Hoa cho biết.
Theo ông Cao Minh Hải Bằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Nuôi, hiện có khoảng 1.900 HS dùng cơm trưa tại trường nên công tác đảm bảo an toàn bữa ăn được đặt lên hàng đầu.
“Trường cũng ký cam kết thực hiện đúng các quy định về điều kiện ATTP với Ban Quản lý ATTP TP.HCM trong việc cung cấp bữa ăn cho HS. Mới đây, Ban Quản lý ATTP TP.HCM đã đến kiểm tra bếp ăn của trường và đánh giá đạt” – ông Bằng cho biết.
“Hàng ngày, tôi trực tiếp xuống nhà bếp kiểm tra các điều kiện đảm bảo ATTP những người tham gia nấu nướng, nguyên liệu thực phẩm, dụng cụ đựng thức ăn… Tôi và nhiều giáo viên cũng ăn cơm cùng HS để đánh giá chất lượng, phát hiện mùi vị bất thường nếu có trong phần cơm để kịp thời xử lý” – ông Bằng cho biết thêm.
Số vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học ở TP.HCM giảm
Ban Quản lý ATTP cùng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã ký kết và triển khai kế hoạch đảm bảo ATTP tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.
Báo cáo của Ban Quản lý ATTP TP.HCM có thấy trên địa bàn TP hiện có 1.280 trường có bếp ăn tự tổ chức, 112 trường có bếp ăn thuê nấu bên ngoài và 292 trường hợp đồng suất ăn nấu sẵn.
Ngộ độc thực phẩm trong trường học giai đoạn 2017-2022 giảm 8 vụ so với giai đoạn 2014-2016 (giai đoạn này chưa thành lập Ban Quản lý ATTP TP.HCM).